Kon Tum là một trong năm tỉnh Tây Nguyên, được tái thành lập tháng 10/1991, thuộc khu vực tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, là điểm trung chuyển trên tuyến hành lang thương mại quốc tế Myanma – Đông Bắc Thái Lan – Nam Lào. Đây là tuyến hành lang thương mại Đông – Tây ngắn nhất qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y và là điểm khởi đầu để Kon Tum hội nhập các nước trong khu vực.
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN
Vị trí địa lý: Tỉnh Kon Tum nằm ở phía Bắc của vùng Tây Nguyên, là tỉnh duy nhất trong cả nước có đường biên giới chung với 2 nước Lào và Campuchia. Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên 9.690,46 km²; phía Tây giáp Lào, Campuchia 280,7 km đường biên giới; phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam 142 km, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi 74 km, phía Nam giáp với tỉnh Gia Lai 203 km.
Địa hình: Kon Tum nằm ở phía Tây Trường Sơn, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Đông sang Tây. Phía Bắc địa hình rất dốc, có đỉnh Ngọc Linh cao nhất khu vực phía nam Việt Nam với độ cao tuyệt đối 2.598 m, độ cao trung bình phía Bắc 800 m - 1.200 m, phía Nam từ 500 m – 530 m.
Khí hậu: Nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 20°C đến 23,5°C, tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng giêng, tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 4, tháng 5. Biên độ giao động nhiệt trong năm từ 6°C đến 7°C (hiệu số giữa nhiệt độ tháng cao nhất và tháng thấp nhất). Mùa mưa bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Lượng mưa trung bình biến đổi từ 1.662,2mm đến 2.585,7 mm. Vùng núi phía Bắc và Đông Bắc lượng mưa trung bình khá cao 2.500 mm đến 2.900 mm, cá biệt có nơi lượng mưa đến 3.000 mm như Đắkman, Mường Hoong, Ngọc Tem...
Tổ chức hành chính: Kon Tum hiện có 09 đơn vị hành chính gồm: thành phố Kon Tum (trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh) và 08 huyện: Đăk Hà, Đăk Tô, Đăk Glei, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Kon Plong, Kon Rẫy và Tu Mơ Rông.
Dân số: 473.300 người (năm 2013) với trên 42 thành phần dân tộc khác nhau sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Mật độ dân số: 46 người/km²
CÁC NGUỒN TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN
Tài nguyên đất: Tài nguyên đất của tỉnh Kon Tum được chia thành 5 nhóm với 17 loại đất chính:
- Nhóm đất phù sa: gồm ba loại đất chính là đất phù sa được bồi, đất phù sa loang lổ, đất phù sa ngoài suối.
- Nhóm đất xám: gồm hai loại đất chính là đất xám trên mácma axít và đất xám trên phù sa cổ.
- Nhóm đất vàng: gồm 6 loại chính là đất nâu vàng trên phù sa cổ, đất đỏ vàng trên mácma axít, đất đỏ vàng trên đá sét và biến chất, đất nâu đỏ trên đá bazan phong hoá, đất vàng nhạt trên đá cát và đất nâu tím trên đá bazan.
- Nhóm đất mùn vàng trên núi: gồm 5 loại đất chính là đất mùn vàng nhạt có nơi Potzon hoá, đất mùn vàng nhạt trên đá sét và biến chất, đất mùn nâu đỏ trên mácma bazơ và trung tính, đất mùn vàng đỏ trên mácma axít.
- Nhóm đất thung lũng: chỉ có một loại đất chính là đất thung lũng có sản phẩm dốc tụ.
Tài nguyên nước:
1) Nguồn nước mặt: chủ yếu là sông, suối bắt nguồn từ phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, thường có lòng dốc, thung lũng hẹp, nước chảy xiết, bao gồm:
- Sông Sê San: do 2 nhánh chính là Pô Kô và Đăkbla hợp thành. Nhánh Pô Kô dài 121 km, bắt nguồn từ phía nam của khối núi Ngọc Linh, chảy theo hướng bắc - nam. Nhánh này được cung cấp từ suối ĐăkPsy dài 73 km, bắt nguồn phía nam núi Ngọc Linh từ các xã Ngọc Lây, Măng Ri, huyện Đăk Tô. Nhánh Đăkbla dài 144 km bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Krinh.
- Các sông, suối khác: phía Đông Bắc tỉnh là đầu nguồn của sông Trà Khúc đổ về Quảng Ngãi và phía Bắc của tỉnh là đầu nguồn của 2 con sông Thu Bồn và Vu Gia chảy về Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngoài ra còn có sông Sa Thầy bắt nguồn từ đỉnh núi Ngọc Rinh Rua, chảy theo hướng bắc - nam, gần như song song với biên giới Campuchia, đổ vào dòng Sê San.
Nhìn chung, chất lượng nước, thế năng,... của nguồn nước mặt thuận lợi cho việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi.
2) Nguồn nước ngầm: nguồn nước ngầm ở tỉnh Kon Tum có tiềm năng và trữ lượng công nghiệp cấp C2: 100 nghìn m³/ngày, đặc biệt ở độ sâu 60 - 300 m có trữ lượng tương đối lớn. Ngoài ra, huyện Đăk Tô, Kon Plong còn có 9 điểm có nước khoáng nóng, có khả năng khai thác, sử dụng làm nước giải khát và chữa bệnh.
Tiềm năng về thủy điện: hiện nay, Kon Tum có trên 13.419 ha diện tích mặt hồ thủy điện, nguồn thủy năng phong phú với 82 vị trí có thể xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ có qui mô công suất từ 01 MW đến 70 MW với tổng công suất gần 600 MW. Sông Sê San có tiềm năng thủy điện đứng thứ 3 trong hệ thống sông của Việt Nam (sau sông Đà và sông Đồng Nai), tổng công suất được đánh giá khoảng 1.740 MW, tổng sản lượng điện trung bình đạt 10.450 tỷ Kwh/năm.
Đến nay, đã có 48 công trình thủy điện nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh cho thủ tục đầu tư với tổng công suất 272,7 MW, trong đó có 1 công trình hoàn thành hòa lưới điện quốc gia có công suất 3,6 MW, còn lại 4 công trình với tổng công suất 11,4 MW. Có 26 công trình đã có thủ tục đầu tư với tổng công suất hơn 309,3 MW và 01 công trình hoàn thành đóng điện với tổng công suất 7,5 MW.
Tài nguyên rừng: theo số liệu điều tra quy hoạch phân loại 3 loại rừng năm 2010 có khoảng 747,1 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 186,6 nghìn ha. Độ che phủ của rừng trên 68%
Rừng Kon Tum có nhiều loại gỗ quý hiếm với nhiều công dụng trong sản xuất và đời sống, bao gồm các kiểu rừng chính sau:
-Rừng kín nhiệt đới hỗn hợp cây và lá rộng: đây là kiểu rừng điển hình của rừng tỉnh Kon Tum, phân bố chủ yếu trên độ cao 500m, có ở hầu hết các huyện trong tỉnh.
- Rừng lá ẩm nhiệt đới: có hầu hết trong tỉnh và thường phân bố ở ven sông.
- Rừng kín á nhiệt đới: phân bố ở vùng núi cao.
- Rừng khộp: phân bố chủ yếu ở huyện Ngọc Hồi, huyện Đăk Glei (dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia).
Thực vật: theo kết quả điều tra bước đầu, tỉnh Kon Tum có khoảng hơn 300 loài, thuộc hơn 180 chi và 75 họ thực vật có hoa. Nhìn chung, thảm thực vật ở Kon Tum đa dạng, thể hiện nhiều loại rừng khác nhau trong nền cảnh chung của rừng nhiệt đới gió mùa, có 3 đai cao, thấp khác nhau: 600 m trở xuống, 600 – 1.600 m và trên 1.600 m. Hiện nay, nổi trội nhất vẫn là rừng rậm, trong rừng rậm có quần hợp chủ đạo là thông hai lá, dẻ, re, pơ mu, đỗ quyên, chua… Ở độ cao 1.500 – 1.800 m chủ yếu là thông ba lá, chua, dẻ, re, kháo, chẹc… Nhắc đến nguồn lợi rừng ở Kon Tum phải kể đến vùng núi Ngọc Linh với những cây dược liệu quý như sâm Ngọc Linh, Hồng đẳng sâm và Hà thủ ô. Thực trạng hiện nay Kon Tum là tỉnh có nhiều rừng, gỗ quý và có giá trị kinh tế cao, độ che phủ của rừng cao nhất nước
Tài nguyên khoáng sản: theo số liệu điều tra, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 49 điểm mỏ quặng và khoáng hóa, 31 mỏ loại khoáng sản với các loại hình nguồn gốc khác nhau, từ khoáng sản nguyên liệu: nguyên liệu hóa, gốm sứ, vật liệu xây dựng, đá trang trí mỹ nghệ… đến khoáng sản quý hiếm: vàng, bạc, đá quý… một số khoáng sản có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực phát triển công nghiệp then chốt của quốc gia như công nghiệp luyện kim: wolfram, molipden, sắt, nhôm, đồng, chì, kẽm, công nghiệp điện hạt nhân: Uran, Thori, đất hiếm
Tài nguyên du lịch: tiềm năng du lịch của tỉnh Kon Tum rất đa dạng được tạo thành từ các nét đặc thù của cảnh quan tự nhiên kết hợp với truyền thống văn hóa dân tộc lâu đời, có thể hệ thống như sau: Các di tích lịch sử đã được xếp hạng quốc gia: Ngục Kon Tum, Ngục Đăk Glei; những địa danh nổi tiếng như đồi Charlie, tượng đài chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh, đường mòn Hồ Chí Minh; những công trình lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ như: nhà thờ gỗ, Tòa giám mục, chùa Bác Ái...với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp với sông, hồ, thác, núi hung vĩ còn đậm vẻ hoang sơ; các khu bảo tồn thiên nhiên đầy giá trị như: Vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, rừng đặc dụng Đăk Uy, khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plong). Kon Tum là nơi đóng góp cho hồ sơ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, là nơi phát hiện mới đây về Di chỉ khảo cổ học Lung Leng (huyện Sa Thầy).
KẾT CẤU HẠ TẦNG
Giao thông: Mạng lưới giao thông phát triển và phân bổ khá hợp lý, trên toàn tỉnh hiện có 2.919,15 km đường giao thông: Quốc lộ có 388 km gồm: Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14), 14C, 40 và 24. Tỉnh lộ có 391,8 km gồm: Tỉnh lộ 671, 672, 673, 674, 675, 676, 677, 678, đường tái định cư Hà Mòn. Đường giao thông nông thôn có 2.139,35 km.
Điện: Đã có 5 công trình thủy điện vừa và nhỏ hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 80 MW (ĐăkRơSa, ĐăkPôNe, ĐăkPôNe2, Đăk Ne, ĐăkPsy 4); thủy điện thượng Kon Tum và nhiều công trình thủy điện vừa và nhỏ đang được triển khai thi công. Điện thương phẩm bình quân đầu người khoảng 309 kwh/người/năm. Đến nay, đã có 100% xã, phường, thị trấn được sử dụng điện lưới; 100% số thôn, làng được đầu tư đóng điện và trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và các dạng năng lượng khác.
Nước: Hệ thống cấp nước thành phố Kon Tum đã được cải tạo và mở rộng lên công suất 12.000m3 ngày/đêm. Các công trình cấp nước tại thị trấn các huyện đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Đã triển khai khoan khai thác nước dưới đất, xây dựng trạm bơm và hệ thống chứa nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt cho nhân dân 5 xã (Ngọc Bay, Đăk Cấm, Kroong, Kon Đào và Đăk Dục).
Bưu chính viễn thông: Mạng Bưu chính công cộng đang phát triển theo hướng đa dạng hóa các loại hình dịch vụ với chất lượng ngày một nâng cao; Đến nay có 90% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có điểm phục vụ Bưu chính; Tổng thuê bao điện thoại toàn tỉnh là 201.210, thuê bao đạt mật độ 48,44 thuê bao/100 dân; 100% xã, phường thị trấn có điện thoại. Các doanh nghiệp đã cung cấp dịch vụ internet băng rộng đến tất cả các trung tâm huyện, thành phố. Mật độ thuê bao internet đạt 2,16 thuê bao/100dân.
(nguồn: www.nhipcauviet.com.vn)