LÂM ĐỒNG TIỀM NĂNG VÀ THẾ MẠNH
Lâm Đồng là tỉnh nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên có độ cao chênh lệch từ 300 1.500m so với mặt nước biển, nhiệt độ trung bình từ 18-25oC với diện tích 9.773,54 km2. Phía Nam và Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận; phía Đông giáp tỉnh Khánh Hòa - tỉnh Ninh Thuận; phía Bắc giáp tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông và phía Tây Nam giáp tỉnh Đồng Nai - tỉnh Bình Phước.
Lâm Đồng có 12 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 10 huyện; thành phố Đà Lạt là Trung tâm hành chính kinh tế của tỉnh. Dân số toàn tỉnh trên 1,3 triệu người với 43 dân tộc sinh sống. Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - là Khu vực năng động có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là thị trường có nhiều tiềm năng lớn.
Hệ thống giao thông thuận lợi
Giao thông đường bộ: Lâm Đồng có hệ thống giao thông phát triển gồm các quốc lộ 20, 27, 27C, 28, 55 nối Lâm Đồng với các thành phố như: Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Nha Trang, Gia Nghĩa, Phan Thiết, Buôn Ma Thuột, Phan Rang Tháp Chàm, Cam Ranh và các cụm cảng Thị Vải, Cái Mép, Cam Ranh,Vĩnh Tân (Bình Thuận). Và có các tỉnh lộ: 721, 722, 723, 724, 725 nối liền Lâm Đồng với các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Giao thông hàng không: Có Sân bay quốc tế Liên Khương cách thành phố Đà Lạt 30 km về hướng Nam với các chuyến bay nội địa mỗi ngày tới thủ đô Hà Nội, Tp. Hải Phòng, Tp.Vinh, Tp. Đà Nẵng, Tp. Hồ Chí Minh, Tp. Cần Thơ, Phú Quốc; các tỉnh Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế và ngược lại. Ngoài ra, còn khai thác các đường bay quốc tế đến Vũ Hán - Trung Quốc; Bangkok - Thái Lan; Seoul - Hàn Quốc; Kualalampua - Malaisia và ngược lại.
KHẲNG ĐỊNH LÀ TỈNH DẪN ĐẦU KHU VỰC TÂY NGUYÊN VỚI CÁC NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN
Tiềm năng phát triển du lịch
Thành phố Đà Lạt được mệnh danh là thành phố Festival Hoa bởi nơi đây có nhiều giống hoa bản địa và ngoại nhập đa dạng, phong phú nở quanh năm; riêng hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân tạo nên nét riêng cho thành phố ngàn hoa. Với trên 22.000 ha rừng thông, hàng chục thác nước, hồ lớn có sinh cảnh đẹp là danh thắng cấp quốc gia, hàng ngàn dinh thự, biệt điện cổ nổi tiếng cùng với các làng hoa truyền thống đã hình thành nên 35 khu điểm du lịch, 60 điểm tham quan miễn phí, 3 sân golf và Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm với trên 3.000 ha.
Toàn tỉnh có trên 2.500 cơ sở lưu trú du lịch với trên 29.400 phòng; trong đó, có 40 khách sạn cao cấp từ 3 - 5 sao với trên 3.900 phòng. Có 51 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch; trong đó, có 32 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế, 19 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Năm 2020, Lâm Đồng đón 4 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế 110 nghìn lượt; khách qua lưu trú đạt 3,65 triệu lượt.
Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn sở hữu nhiều văn hóa phi vật thể như không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Mộc bản Triều Nguyễn, Khu dự trữ sinh quyển Thế giới Langbiang và các hoạt động văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy và sự điều hành quyết liệt, có hiệu quả của UBND tỉnh thời gian qua, cùng với việc cải thiện cơ sở vật chất và các loại hình dịch vụ, nhiều loại hình du lịch của tỉnh đã được xây dựng và phát triển mới như: du lịch nông nghiệp, du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch canh nông, du lịch khám phá văn hóa lịch sử, du lịch trải nghiệm như những làn gió mới tạo tiềm năng và cơ hội thu hút một lượng lớn khách du lịch hàng năm đến với Đà Lạt - Lâm Đồng.
Về giáo dục đào tạo: Lâm Đồng có 3 trường đại học, 6 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp chuyên nghiệp và trên 60 cơ sở đào tạo nghề cùng với 3 viện nghiên cứu: Viện nghiên cứu sinh học, Viện Pasteur và Viện nghiên cứu hạt nhân ngoài chức năng đào tạo, nghiên cứu đã góp phần đa dạng hoá du lịch Lâm Đồng.
Tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp
Hiện nay, Lâm Đồng được đánh giá là địa phương dẫn đầu cả nước về diện tích ứng dụng công nghệ cao và trở thành "điểm sáng" về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của cả nước với diện tích trên 60.200 ha, chiếm 20% diện tích đất canh tác. Cùng với những mô hình nông nghiệp công nghệ cao được trồng trong nhà kính, nhà lưới, bằng hệ thống tưới tự đông, thông minh, phương thức canh tác thủy canh và nhiều giống cây trồng mới mang tính ưu việt đã đưa nông sản Lâm Đồng với Thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kì diệu từ đất lành” tiến xa hơn trên thị trường trong và ngoài nước.
Tổng diện tích gieo trồng cả năm 2020 đạt trên 386.000 ha. Vùng chuyên canh rau trên 70.000 ha, đạt sản lượng 2,57 triệu tấn. Vùng chuyên canh hoa trên 9.300 ha, sản lượng thu hoạch trên 3,65 tỷ cành; Vùng chè trên 12.000 ha, sản lượng thu hoạch trên 174.000 tấn. Vùng chuyên canh cà phê trên 174.000 ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 516.000 tấn/năm, trong đó trên 17.000ha cà phê Arabica, sản lượng trên 50.000 tấn được tập đoàn Starbucks tại Mỹ đưa vào hệ thống phân phối trên toàn cầu...
Về Lâm nghiệp, Lâm Đồng có trên 597.000 ha rừng đa dạng sinh học đã hình thành nên vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà với trên 700 km2 và Vườn Quốc gia Cát Tiên rộng gần 273 km2 để phục vụ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp và phát triển du lịch.
Tiềm năng phát triển công nghiệp
Toàn tỉnh 02 khu công nghiệp: Lộc Sơn và Phú Hội và 06 cụm công nghiệp. Tại 2 khu công nghiệp đã thu hút 81 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư 4.616 tỷ đồng và 102,91 triệu USD, diện tích sử dụng đất trên 168 ha; tỷ lệ lấp đầy tại Khu công nghiệp Lộc Sơn 80%, Phú Hội 100%, các cụm công nghiệp 52%.
Đã hình thành một số dự án mới, sản phẩm mới như: Nhà máy Bia Sài Gòn - Lâm Đồng công suất 100 triệu lít/năm, đóng góp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng/năm; nhà máy sợi len lông cừu khoảng 1.000 tỷ đồng, công suất 4.000 tấn/năm, xuất khẩu 50% sản lượng; tổ hợp Bô xít Nhôm hoạt động vượt công suất thiết kế; Nhà máy sản xuất dược phẩm Nanogen tiêu chuẩn Châu Âu, công suất thiết kế 332 triệu sản phẩm/năm.
Tổng số dự án dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh là 977 dự án (trong đó, đầu tư trong nước 871 dự án, đầu tư nước ngoài 106 dự án) với số vốn đăng ký đầu tư trên 129 nghìn tỷ đồng, diện tích trên 69.700 ha.