Tỉnh Quảng Nam nằm ngay giữa miền Trung của Việt Nam, trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam được chính thức tái lập.Với vị trí địa lý của mình, Quảng Nam có nhiều điều kiện kinh tế thuận lợi trong quan hệ và giao lưu kinh tế với các địa phương trong cả nước cũng như với các nước láng giềng. Hơn thế nữa, Quảng Nam còn là một trong số rất ít địa phương trong cả nước có sân bay, cảng biển, đường sắt và quốc lộ, đồng thời là nơi triển khai mô hình khu kinh tế mở đầu tiên trong cả nước với những chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn (Khu kinh tế mở Chu Lai); lại có 2 di sản văn hóa (Khu Di tích Mỹ Sơn và phố cổ Hội An) được thế giới công nhận. Do đó, có thể nói Quảng Nam chứa đựng nhiều tiềm năng, cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ…
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Vị trí địa lý
Quảng Nam nằm ở miền Trung của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 860 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh865 km về phía Nam. Phía bắc giáp thành phố Đà Nẵng; phía đông giáp biển Đông với trên 125 km bờ biển; phía nam giáp tỉnh Quảng Ngãi; phía tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Quảng Nam 18 đơn vị hành chính cấp huyện bao gồm 02 thành phố (Tam Kỳ, Hội An) và 16 huyện (Bắc Trà My, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Nam Giang, Nam Trà My, Núi Thành, Phú Ninh, Phước Sơn, Quế Sơn, Tây Giang, Thăng Bình, Tiên Phước, Đại Lộc, Điện Bàn, Đông Giang, Nông Sơn). Thành phố Tam Kỳ là trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của cả tỉnh. Diện tích tự nhiên 10.406,83 km2, dân số xấp xỉ 1.5 triệu người.
Khí hậu
Quảng Nam nằm trong vùng nhiệt đới, nhiệt độ trung bình hàng năm là 25,40C, nhiệt độ cao nhất ở mùa hè không quá 24°C, giờ nắng trung bình hàng năm là 1300 giờ. Lượng mưa trung bình hàng năm 2000mm – 2500mm nhưng phân bố không đều theo thời gian và không gian, mưa ở miền núi nhiều hơn đồng bằng, mưa tập trung vào các tháng 9 - 12, chiếm 80% lượng mưa cả năm; mùa mưa trùng với mùa bão, nên các cơn bão đổ vào miền Trung thường gây ra lở đất, lũ quét ở các huyện trung du miền núi và gây ngập lũ ở các vùng ven sông. Độ ẩm trung bình là 84 - 85%.
Địa hình
Quảng Nam có hướng địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông, hình thành 3 kiểu cảnh quan sinh thái rõ rệt là kiểu núi cao phía Tây, kiểu trung du ở giữa và dải đồng bằng ven biển. Vùng đồi núi chiếm 72% diện tích tự nhiên với nhiều ngọn cao trên 2.000m. Ngoài ra, vùng ven biển phía đông sông Trường Giang là dải cồn cát chạy dài từ Điện Nam, Điện Bàn đến Tam Quan, Núi Thành. Bề mặt địa hình bị chia cắt bởi hệ thống sông ngoài khá phát triển gồm sông Thu Bồn, sông Tam Kỳ và sông Trường Giang.
Giao thông & cơ sở hạ tầng
Đường bộ: hiện nay có các tuyến đường quốc lộ đi qua địa phận tỉnh Quảng Nam là đường Hồ Chí Minh, 1A, 14B, 14D, 14E với chiều dài hơn 400km. Đường tỉnh lộ gồm 18 tuyến với tổng chiều dài gần 500 km. Đặc biệt, quốc lộ 14 là tuyến thông suốt với nước CHDCND Lào qua cửa khẩu Đắc Ốc (huyện Nam Giang).
Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua địa bàn tỉnh Quảng Nam có chiều dài 95 km.
Đường biển: tỉnh Quảng Nam có cảng Kỳ Hà, là một cảng nước sâu nằm trong khu kinh tế mở Chu Lai và ngay cạnh khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi). Từ đây, hàng hóa có thể vận chuyển đến các nước, đồng thời là điểm dừng chân thuận lợi của các tuyến vận tải hàng hải quốc tế.
Đường hàng không: Hiện nay, sân bay Chu Lai, là một trong sáu sân bay hiện đại nhất của Việt Nam, có khả năng phục vụ các loại máy bay có trọng tải lớn như: Boeing, Airbus... Trong tương lai, sân bay Chu Lai sẽ phục vụ các tuyến bay quốc tế vận tải hành khách, hàng hóa trong khu vực Bắc Á, Thái Bình Dương.
Mạng lưới y tế: tỉnh Quảng Nam hiện có 2 bệnh viện cấp tỉnh, 24 phòng khám đa khoa, 13 bệnh viện cấp huyện và hàng trăm trạm y tế cấp xã, phường.
Mạng lưới trường học: Cả tỉnh hiện có gần 10 trường trung học, cao đẳng chuyên nghiệp và nhiều trung tâm giáo dục, dạy nghề.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN & TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN
Tổng diện tích tự nhiên của Quảng Nam là 1.040.683ha được hình thành từ chín loại đất khác nhau gồm cồn cát và đất cát ven biển, đất phù sa sông, đất phù sa biển, đất xám bạc màu, đất đỏ vàng, đất thung lũng, đất bạc màu xói mòn trơ sỏi đá,... Nhóm đất phù sa ven sông là nhóm đất quan trọng nhất trong phát triển cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp ngắn ngày. Nhóm đất đỏ vàng vùng đồi núi thuận lợi cho trồng rừng, cây công nghiệp và cây ăn quả dài ngày. Nhóm đất cát ven biển đang được khai thác cho mục đích nuôi trồng thủy sản.
Trong tổng diện tích 1.040.683ha, diện tích đất lâm nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất (49,4%), kế tiếp là đất dành cho sản xuất nông nghiệp, đất thổ cư và đất chuyên dùng. Diện tích đất trống đồi trọc, đất cát ven biển chưa được sử dụng còn chiếm diện tích lớn.
Tài nguyên rừng
Tỉnh Quảng Nam có 425.921 ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 40,9%; trữ lượng gỗ của tỉnh khoảng 30 triệu m3. Diện tích rừng tự nhiên là 388.803 ha, rừng trồng là 37.118 ha. Rừng giàu ở Quảng Nam hiện có có khoảng 10 nghìn ha, phân bố ở các đỉnh núi cao, diện tích rừng còn lại chủ yếu là rừng nghèo, rừng trung bình và rừng tái sinh, có trữ lượng gỗ khoảng 69 m3/ha. Các khu bảo tồn thiên nhiên trên địa bàn tỉnh nằm ở sông Thanh thuộc huyện Nam Giang.
Tài nguyên thủy sản
Quảng Nam có bờ biển dài trên 125 km và thềm lục địa rộng lớn, có nguồn hải sản phong phú thuộc vùng biển Nam Trung Bộ. Theo số liệu của Viện Quy hoạch thủy sản thì vùng biển Nam Trung Bộ có trữ lượng cá 42 vạn tấn, khả năng đánh bắt hàng năm 20 vạn tấn, trữ lượng mực 7,000 tấn, tôm biển 4.000 tấn. Qua đó có thể thấy Quảng Nam có điều kiện để phát triển ngành đánh bắt xa bờ cũng như khai thác tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở các vùng ven sông, ven biển và ở đảo Cù Lao Chàm,...
Tài nguyên khoáng sản
Theo đánh giá chung thì nguồn tài nguyên khoáng sản của Quảng Nam là một tiềm năng đang được khai thác, mang lại hiệu quả kinh tế cho tỉnh với nhiều loại đa dạng và phong phú. Trong đó đáng kể là: Than đá ở Nông Sơn trữ lượng khoảng 10 triệu tấn, đã và đang khai thác với sản lượng năm cao nhất đạt khoảng 5 vạn tấn/năm. Ngoài ra còn có mỏ than Ngọc Kinh (trữ lượng khoảng 4 triệu tấn), nhưng đã ngừng khai thác từ năm 1994 vì không có khả năng khai thác công nghiệp; Vàng gốc và sa khoáng ở Bồng Miêu, Du Hiệp, Trà Dương; riêng ở Bồng Miêu đã và đang khai thác với sản lượng khoảng vài trăm kg/năm; Cát trắng công nghiệp là khoáng sản có trữ lượng lớn, phân bố chủ yếu ở khu vực các huyện Thăng Bình, Núi Thành. Trên địa bàn Quảng Nam đã thăm dò được 18 mỏ nước khoáng và nước ngọt có chất lượng tốt. Các loại khoáng sản như khí mê tan, uranium, nguyên liệu làm xi măng (đá vôi) được đánh giá là giàu nhất trong các tỉnh phía Nam. Ngoài ra các khoáng sản khác như đá granít, đất sét, cát sợi titan, thiếc, cao lanh, mi ca và các loại nguyên liệu cung cấp cho xây dựng, sành sứ, thủy tinh,... được phân bố tại nhiều nơi trong tỉnh.
Tài nguyên Du lịch
Quảng Nam có 125 km bờ biển với nhiều bãi tắm sạch đẹp ở khu vực Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ; kéo dài từ Điện Ngọc đến giáp vịnh Dung Quất hoang sơ cùng với Hồ Phú Ninh, thủy điện Duy Sơn, khu rừng nguyên sinh phía Tây Quảng Nam, sông Trường Giang và xứ đảo Cù Lao Chàm. Ngoài ra còn có 15 hòn đảo lớn nhỏ ngoài khơi, 10 hồ nước (với 6.000 ha mặt nước, khoảng 11.000 ha rừng xung quanh khu vực hồ và 40 đảo trong các hồ) là một trong những tiềm năng lớn để phát triển du lịch Quảng Nam. Môi trường không bị ô nhiễm, độ dốc ít, cát mịn và độ mặn vừa phải, nước biển xanh và đặc biệt khí hậu biển rất lý tưởng cho phát triển các loại hình du lịch nghỉ biển và nghỉ cuối tuần.
Ngoài ra hai di sản văn hoá thế giới được UNESCO công nhận là Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và nhiều địa điểm di tích lịch sử và văn hóa (theo thống kê Quảng Nam có khoảng 61 điểm du lịch như: kinh đô cổ Trà Kiệu, các tháp chàm Khương Mỹ, Chiên Đàn, Bàng An, Phật viện Đồng Dương...ghi lại dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa, Đại Việt.) cùng với nhiều loại hình hoạt động văn hóa (như hát tuồng, hát đối) và các quần thể kiến trúc khác như chứng tích Núi Thành,... tạo nên những điểm thu hút khách du lịch đến thăm quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó các làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống độc đáo và những vùng ruộng, đồng, sông nước giữ nguyên nét điển hình của làng quê Việt Nam, hội đủ các yếu tố phát triển du lịch đồng quê, du lịch vườn, làm đa dạng các loại hình du lịch, tạo thêm sức hấp dẫn đối với du khách.
Các yếu tố tự nhiên kết hợp với các di sản văn hóa, truyền thống lịch sử của Quảng Nam là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mạnh ngành du lịch.
Tiềm năng thủy điện
Hệ thống sông ngòi nằm trên địa phận tỉnh Quảng Nam có tổng chiều dài 900 km, trong đó có 337 km đã đưa vào khai thác, bao gồm 9 con sông chính. Nguồn nước mặt lớn với diện tích lưu vực sông: Vu Gia: 5.500km2, Thu Bồn 3.350 km2, Tam Kỳ 800 km2, Cu Đê 400km2, Túy Loan 300 km2, LiLi 280 km2..., lưu lượng dòng chảy sông Vu Gia 400m3/s, Thu Bồn 200m3/s... Có thể nói Quảng Nam là địa bàn có điều kiện thuận lợi về cung cấp nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác cũng như dân sinh. Sông Quảng Nam có dòng chảy luôn luôn thay đổi, luân chuyển dòng và bị bồi lắng hoặc xói lở vào mùa mưa lũ. Vấn đề quan trọng là phải xây dựng các công trình thủy lợi ở thượng lưu các con sông kết hợp xây dựng các trạm thủy điện vừa và nhỏ (thủy điện Sông Tranh I, Sông Tranh II, Sông AVương, Sông Bung...), nhằm hạn chế lũ lụt và cung cấp nước về mùa khô cho vùng đồng bằng ven biển, tạo tiền đề bền vững cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, đô thị và nước sạch cho dân cư, đô thị. |