I. Vị trí địa lý
I. Địa lý
- Vị trí địa lý: Tỉnh Ninh Bình thuộc vùng Ðồng bằng Bắc bộ, nằm ở toạ độ địa lý 20° vĩ Bắc và 106° kinh Ðông, cách Thủ đô Hà Nội 90 km. Diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 1.400km², chiếm 0,42% diện tích cả nước. Các đường giao thông quan trọng trên địa bàn như quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam, đường quốc lộ 10, quốc lộ 59. Hệ thống sông ngòi chính chạy qua như sông Ðáy, sông Hoàng Long, sông Vạc.
- Ðịa hình: Chia làm 3 vùng khá rõ: Vùng núi chiếm 40% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; còn lại đồng bằng và vùng ven biển chiếm 60%.
- Khí hậu: Mang khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu ven biển. Lượng mưa trung bình trong năm trên 1.800mm nhưng phân bố không đều, tập trung 70% lượng mưa vào các tháng 6 đến tháng 9; mùa khô rét kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm khảng 23,5°C; nhiệt độ trung bình cao nhất 38-39°C; nhiệt độ trung bình thấp nhất 5-8°C; hàng năm có 04 tháng nhiệt độ trung bình từ 20-25°C; tháng lạnh nhất trong năm là tháng 12 và tháng 1.
II. Điều kiện tự nhiên
Về kinh tế, Ninh Bình có đủ điều kiện phát triển một nền nông nghiệp đa dạng, có thế mạnh về trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi các loại gia súc.
III. Lịch sử, văn hóa, du lịch
1. Lịch sử:
- Ninh Bình từ năm 968 đến 1010 đã từng là kinh đô của nước Đại Cồ Việt (tên của Việt Nam xưa). Vùng đất này đã từng sinh Vương, sinh Thánh (Vua Đinh Tiên Hoàng, Vua Lê Đại Hành; Đức Thánh Nguyễn Minh Không). Từ vùng đất này, khi Lý Công Uẩn lên ngôi Vua đã dời đô về Thăng Long để có thủ đô Hà Nội ngày nay. Từ đó, mảnh đất này có rất nhiều di tích lịch sử nổi tiếng như Đền Vua Đinh, Vua Lê; quần thể nhà thờ đá Phát Diệm; Chùa Non nước; khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Địch Lộng, động Tiên, động Hoa Sơn; Vườn quốc gia Cúc Phương; khu du lịch Hang động Tràng An, chùa Bái Đính…
2. Văn hóa:
- Ninh Bình nằm ở vùng giao thoa giữa các khu vực: Tây Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, là nơi chịu ảnh hưởng giữa nền văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đông Sơn. Với đặc điểm đó đã tạo ra một nền văn hóa tương đối đa dạng mang đặc trưng khác biệt so với các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
- Các lễ hội lớn ở Ninh Bình: Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa Lư; lễ hội Đền Thái Vi; lễ hội Chùa Bái Đính,...
- Nói đến văn hóa ẩm thực của Ninh Bình: nổi tiếng có các món ăn: Tái dê Cố Đô, cơm cháy Hương Mai, cá rô Tổng Trường, ốc nhồi Gia Viễn, nem Yên Mạc…
3. Du lịch của tỉnh tương đối phong phú, đa dạng như: Núi, hồ, rừng với các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng như: Tam Cốc- Bích Động, rừng quốc gia Cúc Phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm... Mới đây nhất là quần thể du lịch sinh thái Tràng An và khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính (ngôi chùa lớn nhất Việt Nam). Ninh Bình đã và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận:
- Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư: là Di sản văn hoá thế giới.
- Khu hang động Tràng An: là Di sản thiên nhiên thế giới.
IV. Cơ sở hạ tầng:
Ninh Bình là một điểm nút giao thông quan trọng, tất cả các huyện, thành phố, thị xã đều có đường quốc lộ đi qua: Quốc lộ 1A xuyên Việt đi qua các huyện Gia Viễn, Hoa Lư, Yên Mô, Tp Ninh Bình và Tx Tam Điệp với tổng chiều dài gần 40 km; Quốc lộ 10 nối từ Quảng Ninh qua các tỉnh duyên hải Bắc bộ: Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tới thành phố Ninh Bình đi các huyện Yên Khánh, Kim Sơn; Quốc lộ 12B nối thị xã Tam Điệp, Nho Quan với đường Hồ Chí Minh, tỉnh Hoà Bình và Vĩnh Phúc; Quốc lộ 45 nối Nho Quan với Thanh Hóa. Mạng lưới giao thông tỉnh lộ khá thuận tiện với những tuyến xe buýt nội tỉnh. Hiện đang có 3 dự án đường cao tốc đi qua Ninh Bình được triển khai là: đường cao tốc Ninh Bình - Cầu Giẽ; Ninh Bình - Thanh Hóa và Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh. Bến xe Ninh Bình nằm gần nút giao thông giữa QL1 và QL10 ở Tp Ninh Bình.
Về giao thông đường sắt Ninh Bình có trục đô thị Tam Điệp – Ninh Bình nằm trên tuyến đường sắt Bắc-Nam. Trên địa bàn tỉnh có các ga Ninh Bình, ga Cầu Yên, ga Ghềnh và ga Đồng Giao. Theo quy hoạch xây dựng mới, đường sắt cao tốc Bắc Nam đặt ga chính ở Ninh Bình.
Về giao thông đường thủy Ninh Bình có hệ thống sông hồ dày đặc: sông Đáy là sông lớn nhất chảy vào giữa ranh giới Ninh Bình với Hà Nam, Nam Định. Hệ thống sông Hoàng Long chảy nội tỉnh cung cấp tưới tiêu cho các huyện phía Bắc. Sông Càn với nhiều nhánh nhỏ ở các huyện phía Nam, phần hạ lưu chảy giữa ranh giới huyện Kim Sơn với tỉnh Thanh Hóa. Các sông nội tỉnh khác: sông Vạc, sông Vân, sông Bôi, sông Lạng, sông Bến Đang và các hồ lớn như hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng đem lại nguồn lợi đáng kể về tưới tiêu, giao thông và khai thác thuỷ sản. Cảng Ninh Phúc là cảng sông cấp I quốc gia. Ngoài ra có cảng Ninh Bình, cảng Cầu Yên, cảng Non Nước, cảng Bình Minh và cảng Phát Diệm.
V. Tiềm năng phát triển:
Ninh Bình có tiềm năng du lịch rất lớn, nhiều danh lam,thắng cảnh và di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng như:
- Cố Đô Hoa Lư là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam, hiện còn nhiều di tích cung điện, đền, chùa, lăng mộ... liên quan đến các triều đại Đinh, Tiền Lê và Lý.
- Chùa Bái Đính là một quần thể gồm khu chùa cổ và khu chùa mới với quy mô là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á.
- Khu du lịch sinh thái Tràng An với hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và các di tích lịch sử gắn với kinh thành xưa của cố Đô Hoa Lư. Nơi đây đang được các nhà khoa học lập hồ sơ đề cử Unesco công nhận là di sản thế giới.
- Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động đã được tặng chữ: "Nam thiên đệ nhị động" hay "vịnh Hạ Long cạn" với các điểm du lịch như: Tam Cốc, đền Thái Vi, chùa Bích Động, động Tiên, chùa Linh Cốc v.v.
- Vườn quốc gia Cúc Phương với diện tích rừng nguyên sinh khoảng 22.000 ha, là rừng quốc gia đầu tiên của Việt Nam. Nơi đây có nhiều động thực vật quý hiếm, có cây chò ngàn năm tuổi, có động Người Xưa.
- Nhà thờ Phát Diệm là công trình kiến trúc tôn giáo kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây. Là một công trình kiến trúc đá độc đáo.
- Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long là khu bảo tồn thiên nhiên ngập nước lớn nhất đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây có suối nước nóng Kênh Gà, động Vân Trình, Kẽm Trống và nhiều núi hang đẹp khác.
- Vùng ven biển Kim Sơn được UNESCO đưa vào danh sách các địa danh thuộc khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng, là một khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.
- Ngoài ra còn có: động Mã Tiên, núi Ngọc Mỹ Nhân, núi Non Nước, sông Hoàng Long, hồ Kỳ Lân, khu căn cứ cách mạng Quỳnh Lưu, Phòng tuyến Tam Điệp, hồ Đồng Thái, sân golf Yên Thắng 54 lỗ hiện đại và lớn nhất Việt Nam...
Hiện nay Ninh Bình có các khu du lịch đã và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới:
- Khu di tích lịch sử văn hóa Cố Đô Hoa Lư: di sản văn hóa thế giới
- Vườn quốc gia Cúc Phương, khu du lịch sinh thái hang động Tràng An: di sản thiên nhiên thế giới.
(Theo ninhbinh.gov.vn)