Phát triển du lịch và bảo tồn di sản không mâu thuẫn nếu biết cách khai thác thế mạnh địa phương, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn
Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình vừa tháo dỡ phim trường "Kong: Skull Island" theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) về việc bảo đảm sự phát triển bền vững của Di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới Tràng An. UNESCO còn khuyến nghị Việt Nam thiết lập và áp dụng quy định hạn chế nghiêm ngặt về việc tham quan để bảo đảm số lượng du khách tới Tràng An không vượt quá khả năng đón tiếp nhằm bảo vệ giá trị của di sản.
Hiểu nhầm!
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động ngày 1-10, ông Bùi Văn Mạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết UNESCO khuyến nghị như vậy do đã hiểu nhầm. "Do họ hiểu sai số liệu mình cung cấp 3 triệu lượt du khách tới Tràng An trong năm 2018. Trong danh thắng Tràng An có tới 6 điểm tham quan, một du khách có thể đi tất cả các điểm trên và mình tính tổng cộng thì lượng du khách cao lên nhưng thực tế khách tham quan chỉ khoảng 1,8 - 2 triệu lượt thôi" - ông Mạnh phân trần.
Du khách tham quan Tràng An dịp lễ 30-4 vừa qua. Ảnh: THANH TUẤN
Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho biết ngày 29-9, sở đã làm việc với đoàn giám sát của UNESCO về vấn đề này. "Họ đang hiểu sai về cách tính toán lượng khách, nên sau khi nghe địa phương giải trình cụ thể thì họ nhất trí" - ông Đông nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khuyến cáo của UNESSCO ở Tràng An là không thừa và không chỉ riêng ở di sản này mà với nhiều di sản khác.
Hội An: Kéo khách ra ngoại thành
Nếu 20 năm trước, khách đến Mỹ Sơn tham quan chỉ vài trăm lượt thì đến năm 2018, số lượng khách đạt 400.000 lượt. Còn tại Hội An, năm 1999, khách đến TP này vào khoảng 100.000 lượt thì trong năm 2018, lượng khách đạt gần 5 triệu lượt. Tăng trưởng du khách đang tạo ra áp lực lớn lên di sản, nhất là ở Hội An. Có những ngày, các con đường, các điểm tham quan ở phố cổ ken kín người, đe dọa cả di tích đang xuống cấp như Chùa Cầu.
Khách đến Hội An đông đang tạo áp lực lên di sản Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hội An, cho biết Hội An có chủ trương giãn khách ra khỏi khu vực phố cổ bằng cách tổ chức các điểm du lịch vùng ven như: Rừng dừa Cẩm Thanh, làng rau Trà Quế, làng mộc Kim Bồng, làng du lịch Triêm Tây (thị xã Điện Bàn)... Sắp tới, TP sẽ đầu tư thêm phố đêm, các loại hình giải trí ở khu vực bãi biển An Bàng và một điểm ở xã Cẩm Thanh, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư dự án "Ngôi làng hạnh phúc" ở xã Cẩm Kim để hút dần lượng khách từ phố cổ sang.
"Sắp tới, Hội An sẽ miễn giảm vé tham quan phố cổ vào buổi sáng còn buổi tối không khuyến khích hoặc bán vé cao hơn vì đây là giờ cao điểm, lượng khách tham quan đông dẫn đến quá tải" - ông Sơn chia sẻ.
Cần sản phẩm du lịch hấp dẫn
Phân tích mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển di sản, PGS-TS Phạm Mai Hùng, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, cho rằng khi hoạch định chính sách cần phải tính toán đến mục đích, xem có lợi cho việc bảo tồn di sản đến đâu.
Về lý thuyết, theo ông Hùng, bảo tồn và phát triển không mâu thuẫn với nhau, điều quan trọng là giải quyết ổn thỏa mối quan hệ đó. GS Hùng cho rằng nếu chỉ nghĩ đến bài toán kinh tế thì sẽ gây ra nhiều bất lợi, thậm chí triệt tiêu di sản. Mặt khác, không ai nghĩ đến việc hạn chế khách đến với di sản mà quan trọng là phân bổ thế nào cho hợp lý. "Cần tạo những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, làm cho người ta biết đến Việt Nam nhiều hơn, thời gian lưu trú nhiều hơn như cách Hội An đang làm. Nếu công tác xúc tiến quảng bá được thúc đẩy thì tôi tin du khách không chỉ đến riêng Tràng An mà còn kết hợp với rất nhiều điểm du lịch tuyệt đẹp khác của Ninh Bình" - PGS Hùng chia sẻ.
Khu nghỉ dưỡng 6 sao cạnh Đại nội Huế Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành thực hiện dự án Khu nghỉ dưỡng Nama tại số 85 đường Nguyễn Chí Diểu, phường Thuận Thành, TP Huế. Dự án khu nghỉ dưỡng nằm trong kinh thành Huế, sát bờ tường phía Đông di tích Đại nội Huế, thuộc quần thể di tích cố đô Huế. Đầu năm 2019, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động liệu dự án này có sự tác động đến di tích không, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định rằng dự án này là khu nghỉ dưỡng đẳng cấp 6 sao, mô hình sinh thái nên hài hòa, phù hợp tổng thể di tích. "Phương án kiến trúc của họ đưa ra chúng tôi cho là phù hợp. Nếu chúng ta để một khu đất không, chẳng làm gì thì rất là lãng phí. Trong khi biến nó thành một khu dịch vụ phù hợp, kiến trúc hài hòa với khu vực Đại Nội, lại khai thác được dịch vụ hiệu quả thì chúng tôi cho rằng nên cho phép. Sau khi chúng tôi có công văn hỏi thì Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng có văn bản thống nhất về dự án này rồi" - ông Hải nói. Trước thông tin này, một chuyên gia về di sản cho rằng cần cân nhắc. "Huế đã giải tỏa di dân từ nội thành ra ngoại thành, nay lại xây dựng thêm một công trình mới ở ngay sát di sản là không hợp lý" - ông nhận định và phân tích thêm: "Chưa nói đến dự án có vi phạm Luật Di sản văn hóa hay không, việc xây dựng này sẽ tạo nên sự đối chọi về kiến trúc, tạo nên thẩm mỹ không ổn". |
Theo Người Lao Động