Kim ngạch một số mặt hàng gỗ nội thất xuất khẩu tăng mạnh giữa lúc Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt tại một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Điều này cũng làm dấy lên nỗi lo kiện chống bán phá giá từ thị trường Mỹ.
Xuất khẩu nhiều mặt hàng gỗ tăng trưởng mạnh - Ảnh minh họa: VT
Xuất khẩu gỗ nội thất phòng bếp tăng gần 60%
Khác cảnh đìu hiu của các nhà máy phục vụ xuất khẩu như dệt may, da giày thì công nhân tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ Gỗ Tiến Đạt (Quy Nhơn, Bình Định) vẫn làm liên tục, thậm chí tăng ca. “Chúng tôi làm không hết việc”, ông Đỗ Xuân Lập, giám đốc công ty nói.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thị trường Mỹ và EU, các nhà máy sản xuất đồ gỗ nội thất gần như đóng băng.
Theo điều tra nhanh từ 124 doanh nghiệp của Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Vifores), 75% doanh nghiệp đã chịu thiệt hại về kinh tế lên tới hơn 3.000 tỉ đồng, tương đương 25 tỉ đồng với mỗi doanh nghiệp, con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên nếu dịch bệnh kéo dài. Có 24% doanh nghiệp chưa xác định được thiệt hại; khoảng 1% cho rằng doanh thu của họ đã giảm 70%.
Mục tiêu đem về 12 tỉ đô la Mỹ của ngành gỗ gần như đã sụp đổ trước diễn biến quá nhanh của dịch bệnh. Dù vậy, đây mới chỉ là những ước tính về thiệt hại ban đầu của ngành.
Tuy nhiên, vẫn có những thị trường ngách, dù không lớn, nhưng vẫn đủ để doanh nghiệp có thể tiếp tục tồn tại, vượt qua đợt khủng hoảng chưa từng có tiền lệ này.
“Các đối tác Mỹ đã nhận hàng từ trung tuần tháng 5. Những dòng sản phẩm Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc bán rất mạnh”, ông Lập nói.
Không chỉ Gỗ Tiến Đạt, nhiều doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gỗ này cũng đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất, dự kiến đến tháng 8 sẽ đạt được 100% công suất.
Theo thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), dòng sản phẩm đồ nội thất sử dụng trong phòng ngủ; đồ nội thất khác; bộ phận đồ nội thất là 3 dòng sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, chiếm tỷ lệ lần lượt là 27%, 40% và 16% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này hàng năm.
Trong 4 tháng đầu năm 2020, trong khi các dòng sản phẩm như nội thất văn phòng, nội thất phòng ngủ giảm 13%, 11% về giá trị xuất khẩu so với cùng kỳ 2019, thì các mặt hàng như nội thất phòng bếp, đồ nội thất bằng gỗ khác và bộ phận đồ gỗ đều có xu hướng tăng lần lượt ở mức 58%, 4% và 22%.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nội thất phòng bếp 4 tháng đầu năm đạt 143 triệu đô la Mỹ, tăng tới 58% so với cùng kỳ.
Lý giải về hiện tượng này, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó tổng thư ký Vifores cho hay, những mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh trong 4 tháng đầu năm là những mặt hàng mà phía Trung Quốc đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Các doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam nhằm bù đắp một phần thiếu hụt nguồn cung từ thị trường gỗ nội thất lớn nhất thế giới này. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện dòng dịch chuyển vốn FDI từ Trung Quốc sang để tận dụng cơ hội.
Cuối tháng 2, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế chống bán phá giá lên tới 262,2% và chống trợ cấp lên 293,5% với nhiều mặt hàng gỗ nội thất của Trung Quốc. Trước đó, Liên minh Tủ Nhà Bếp Mỹ (American Kitchen Cabinet Alliance) đã đệ đơn khiếu nại, yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ và Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với các sản phẩm tủ gỗ và bàn trang điểm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo đơn khiếu nại, các nhà sản xuất sản phẩm Trung Quốc được chính phủ trợ cấp trái phép rồi bán phá giá vào thị trường Mỹ với giá không công bằng, gây thiệt hại khoảng 2 tỉ đô la Mỹ cho các nhà sản xuất mặt hàng tương tự ở Mỹ.
Lo ngại đến lượt hàng Việt Nam
Tuy nhiên, khi kim ngạch xuất khẩu tăng đột biến ở một sản phẩm nào đó có thể khiến hiệp hội tại nước nhập khẩu đệ đơn kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.
“Trong thế giới phẳng, dịch chuyển sản xuất và đầu tư là bình thường. Nhiều doanh nghiệp tìm cách đầu tư qua các nước khác khi Mỹ áp thuế với mặt hàng mà họ đang sản xuất tại Trung Quốc. Việt Nam cũng là điểm đến tốt”, ông Hoài nói. “Nhưng khi gia tăng đột biến một số mặt hàng nào đó vào một số nước, các nước sẽ dùng biện pháp phòng vệ thương mại dẫn tới nguy cơ bị điều tra, áp thuế cũng rất cao. Đây là điều đáng quan ngại với Việt Nam”.
Thực tế, mặt hàng gỗ dán cứng của Việt Nam cũng đang trong tầm ngắm của Mỹ. Cuối tháng 2, Liên minh Thương mại Công bằng Gỗ dán cứng (nguyên đơn) đã yêu cầu điều tra mặt hàng gỗ dán cứng (hardwood plywood) có mã HS theo phân loại của Hải quan Mỹ.
Theo nội dung đơn thư, sau khi áp thuế với mặt hàng của Trung Quốc, các nhà sản xuất nước này đã chuyển các phần của sản phẩm này sang Việt Nam để thực hiện việc lắp ráp và xuất khẩu sang Mỹ.
Dựa vào cáo buộc trên, nguyên đơn đề nghị Bộ thương mại Mỹ khởi xướng điều tra, xác định tồn tại hành vi lẩn tránh và áp dụng biện pháp trong vòng 45 ngày kể từ ngày nhận đơn kiện.
“Bộ Thương mại Mỹ đã gia hạn, chưa chính thức khởi xướng điều tra. Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu gỗ dán vào Mỹ là 310 triệu đô la Mỹ”, ông Hoài nói.
Việc Mỹ áp thuế với tủ bếp và các loại bàn trang điểm của Trung Quốc có thể khiến dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam, hoặc nếu không thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng tăng cường sản xuất nhằm tận dụng cơ hội.
“Khi sản xuất tăng nhiều, nguy cơ bị khởi kiện, điều tra là rất cao”, ông Hoài nói.