Chốt đơn hàng xuất khẩu sản phẩm nhà bếp và đồ gia dụng sang Hàn Quốc gần 1 triệu USD ngay đầu năm, Công ty Gỗ Đức Thành lạc quan về cơ hội tăng trong năm nay.
Năm 2020, nhờ xoay chuyển “bán hàng online”, làm gỗ gia dụng, nhà bếp, đồ chơi trẻ em…hợp xu hướng tiêu dùng trên thế giới khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Gỗ Đức Thành thắng lớn, doanh thu tăng mạnh so 2019. Sang 2021, chỉ 2 tháng đầu năm đã hoàn thành 50% kế hoạch của cả năm.
Không chỉ mừng khi doanh thu 2020 tăng 40%, bà Phạm Thị Hồng Quang-Tổng Giám đốc Công ty Thủ công mỹ nghệ Nguồn Việt còn kể chuyện bán được hàng ế do dịch Covid-19. Sản phẩm tấm ván bịt ồn kho, nhưng trong những ngày đại dịch, nhân viên có ý tưởng biến những tấm ván này thành chiếc bàn “độc nhất vô nhị” dùng cho phòng họp. Sản phẩm được ghi hình thực tế, bán online khiến khách quốc tế thích thú, đặt hàng rất nhiều.
Thắng lớn trong 2020, năm2021 Gỗ Dầu Tiếng lập dự án xây dựng nhà máy trên diện tích 10ha chuyên làm các sản phẩm tinh chế để xuất khẩu. Bởi nhà máy hiện tại đã tận dụng hết 100% công suất, trong khi đơn hàng đã kín đến hết tháng 6.
Lộ trình 13 tỷ USD
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2020 đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng hơn 16% so với năm 2019. Quý I năm 2021, thế mạnh này tiếp tục thu về gần 4 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước đó.
Đây không chỉ là con số kỷ lục và có ý nghĩa lịch sử vượt đại dịch của thế mạnh Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khi đương nhiệm thừa nhận, Covid-19 gây ảnh hưởng tới toàn ngành lâm nghiệp, trong thời gian từ tháng 3 đến 5/2020 đơn hàng giảm, xuất khẩu đình trệ, nguyên liệu nhập khẩu đứt gãy… ảnh hưởng tới sản xuất.
Từ nghề thủ công truyền thống, gỗ Việt đã vươn lên thành ngành công nghiệp chế biến hiện tại với giá thị kim ngạch xuất khẩu đạt 13 tỷ USD năm 2020
Song, cái khó “ló ra cái khôn”. Khi không bán được hàng trực tiếp, các DN liền chuyển sang giao dịch trên Internet, bán hàng online. DN cũng tận dụng được một phần cơ hội từ sự biến đổi của thị trường, kết nối được các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc... tạo nên kỷ lục mới.
Vài thập niên gần đây, Gỗ Việt - từ nghề thủ công nhỏ lẻ đã tăng trưởng thần tốc, vươn lên thành ngành công nghiệp chế biến tầm cỡ toàn cầu.
Ông Nguyễn Chánh Phương-Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM nói, năm 2020, Việt Nam đã vượt qua Ba Lan, Đức, Ý để vươn lên vị trí thứ 2, chỉ sau Trung Quốc trong top các quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trên thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam từ 219 triệu USD năm 2000 tới năm 2020 đạt 13 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng mà không ngành nào có được. Đồ gỗ Việt giữ vị trí top đầu trong “câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD” Việt Nam. Sản phẩm gỗ nước ta cũng đã có mặt ở 140 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đáng nói hơn, không chỉ thu về hàng chục tỷ USD mà ngành gỗ đã đổi chất sang một ngành kinh tế nhiều màu xanh. Các sản phẩm gỗ tiêu dùng Việt Nam phần lớn có nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, hạn chế gỗ nhập khẩu, nghiêm cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên. Những năm gần đây, nhập khẩu gỗ nguyên liệu giảm đáng kể, thay vào đó Việt Nam sử dụng 70-80% gỗ nguyên liệu từ rừng trồng.Từ đó đưa nghề rừng phát triển theo hướng bền vững.
“Khi ra Huế dự lễ ra mắt HTX lâm nghiệp bền vững đầu tiên ở xã Phú Lộc - một trong những xã nghèo nhất của Thừa Thiên Huế trước đây đã thấy nhiều đại diện đến họp đi bằng xe hơi. Ngày xưa trồng rừng không bán được, bây giờ trồng rừng có thể làm giàu”, ông Trần Việt Tiến – Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. HCM khẳng định.
Hiện Việt Nam có 4,3 triệu ha rừng trồng, đưa nguồn cung gỗ rừng trồng hàng năm lên tới khoảng 48 triệu m3 quy tròn. Nông dân trồng rừng có chứng chỉ bền vững bán giá cao hơn từ 10-19% so với những rừng bình thường, DN bao tiêu sản phẩm.
Theo các chuyên gia, trong nông nghiệp, các nhóm ngành hàng chủ lực mới chỉ làm tốt ở khâu sản xuất, chuỗi liên kết và khâu chế biến vẫn là điểm yếu kìm hãm sự phát triển. Còn ngành gỗ - nội thất đã xây dựng được chuỗi giá trị gần như hoàn thiện với sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu trồng rừng, chế biến cho tới thương mại. Thế nên, năng suất lao động ngành gỗ năm 2010 đạt khoảng 17.000 USD/người/năm, hiện tại đã đạt khoảng 25.000 USD/người/năm.
Liên kết với doanh nghiệp để trồng rừng có chứng chỉ cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến còn giúp nông dân nhiều nơi thoát nghèo, vươn lên làm giàu
Từ công xưởng vươn lên nấc cao của chuỗi toàn cầu
Dung lượng thị trường đồ nội thất của thế giới khoảng 450 tỷ USD/năm. Việt Nam mới chiếm khoảng hơn 6% thị phần nên gỗ Việt còn rất nhiều cơ hội. Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị xuất khẩu cao như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc…, chúng ta còn cơ hội khai tác tại một số thị trường tiềm năng gồm Canada, Nga, Ấn Ðộ và các nước Trung Ðông.
Mục tiêu xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt từ 14,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,6% so với năm 2020. Tới năm 2025 nhắm đến con số xuất khẩu 20 tỷ, đặt tầm nhìn trở thành công xưởng sản xuất, chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới.
Lợi thế của đồ gỗ Việt Nam là đã xây dựng được nền tảng vững mạnh về năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ hiện đại, cải thiện quản trị doanh nghiệp, nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm và linh động sản xuất theo yêu cầu của khách hàng. Ngành gỗ có những DN lớn để cung cấp cho các kênh phân phối, khách hàng lớn, đồng thời cũng có những đơn vị sản xuất nhỏ với khả năng linh hoạt, cung cấp đơn hàng nhỏ đặc biệt cho nhóm người mua nhỏ hơn thông qua các sàn thương mại điện tử.
Dù vậy, các DN gỗ thừa nhận rằng, trong chuỗi giá trị sản phẩm gồm 4 khâu: sản xuất, thương mại, thiết kế và thương hiệu, DN Việt mới chỉ đạt được giá trị sản xuất và thương mại. Phần lớn DN thực hiện theo đơn đặt hàng của thương nhân quốc tế. Các DN chỉ chú trọng kiếm tiền từ hiệu quả phần cứng sản phẩm, chưa phát triển phần mềm thông qua thiết kế và kỹ năng lao động để đưa tư duy sáng tạo và thổi hồn vào sản phẩm nhằm nâng cao giá trị ngoài sản xuất.
Doanh nghiệp gỗ Việt cần đẩy mạnh khâu thiết kế, tiến tới làm những sản phẩm đồ gỗ mang thương hiệu Việt Nam
“Không có thiết kế, không có sản phẩm riêng, không có thương hiệu…, dẫu khả năng sản xuất tốt, dây chuyền hiện đại, chuyên môn hóa cao, chúng ta vẫn chỉ là những người ngồi chờ khách hàng, chờ cơ hội, chưa thể chủ động trong kinh doanh”, ông Nguyễn Chánh Phương - Chủ tịch HĐTV Công ty Danh Mộc chia sẻ.
Để Việt Nam không chỉ là công xưởng sản xuất mà tiến lên nấc cao trong chuỗi toàn cầu về gỗ cần có chiến lược trong việc gia tăng sản lượng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng trồng, thúc đẩy mạnh phát triển các khu vực công nghiệp chế biến gỗ tập trung quy mô lớn ở các vùng trọng điểm. Đặc biệt cần phát triển khâu thiết kế, làm thương hiệu.
Thay vì kiếm tiền bằng kỹ năng đôi tay và cần mẫn trong sản xuất, lấy công làm lời, DN cần đổi sang tư duy xây dựng thương hiệu cho riêng mình. Bởi, làm thương hiệu sẽ giúp DN có điều kiện phát triển tầm nhìn, định hướng, tăng nguồn khách hàng tự tìm đến, dễ tiếp cận thị trường quốc tế và tối ưu hóa lợi nhuận.
Nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ nội thất sẽ thay đổi theo giời gian. Thay vì chỉ là cái ghế để ngồi, cái giường để nằm, giờ họ hướng tới một tác phẩm nghệ thuật giúp trang hoàng nét đẹp cho không gian sống, nên mẫu mã của sản phẩm chiếm giá trị nhiều nhất trong chuỗi giá trị. Chính vì vậy, doanh nghiệp gỗ Việt cần sáng tạo để tham gia vào cuộc chơi mang tên thương hiệu quốc tế, tạo nên style Việt trên toàn cầu.