Cọng súng sau khi tước vỏ làm sạch được bẻ thành khúc vừa ăn, trộn đều cùng thịt heo nạc, tôm đất và gia vị để cho ra đĩa gỏi hấp dẫn.
Nếu từng đi qua thôn Hòa Đa, xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vào mùa súng, bạn sẽ bắt gặp hình ảnh bạt ngàn hoa đua nhau bung nở. Người dân ở đây tới mùa còn đi cắt bông súng, lấy phần cọng đem về và chế biến thành nhiều món đặc sắc miền quê.
Bông súng muối dưa được dùng để kho với cá, thịt. Người dân cũng thường nấu canh chua hoặc rửa sạch đem nhúng vào nồi lẩu sôi. Tuy nhiên, món phổ biến nhất phải nhắc đến là gỏi bông súng (nộm). Những ai phải xa quê thường xuyên hẳn khó lòng quên được hương vị của món ăn này.
Gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, cho thêm ớt vào để tăng thêm vị cay, thích hợp để ăn vào những buổi chiều mát cùng bạn bè. Ảnh: Mỹ Tuyết.
Bông súng chọn những cọng tươi, thân mọng nước, mới hái ở bàu về đem rửa sạch cho hết bùn đất, tước bỏ vỏ ngoài, bẻ thành khúc vừa ăn. Tùy khẩu vị mà có thể chọn thịt heo, bò hoặc tôm đất để trộn cùng. Nhiều gia đình thường chọn cả ba thứ thịt ấy để làm món gỏi thập cẩm.
Thịt, tôm trụng (chần) cho chín tái rồi xắt miếng mỏng, riêng tôm có thể để nguyên con đều được. Cho cả bông súng đã sơ chế và tôm, thịt vào nồi, vắt chanh tươi, nêm gia vị tiêu, mắm, ớt, đường vừa đủ và bóp đều. Để thêm chừng 15 phút cho nguyên liệu ngấm kỹ là đã có thể bày ra đĩa, rải đậu phộng rang và rau thơm lên trên. Không nên bóp quá kỹ hay để quá lâu để đảm bảo độ giòn của cọng súng.
Món gỏi vừa giòn, vừa chua the the lại thơm mát rất hợp khi ăn kèm với bánh phồng tôm hoặc bánh tráng nướng. Ăn món gỏi bông súng, người ta sẽ cảm nhận được dư vị mát lành của đồng quê dân dã. Không chỉ là món ngon cho bữa ăn gia đình, gỏi bông súng còn là món lai rai mỗi khi có khách ghé chơi nhà.
Theo Lê Thương