Một đĩa gỏi gồm đu đủ, rau răm, thịt luộc, ốc giác, thêm nước mắm giấm đường và trộn đều, thưởng thức cùng bánh tráng nướng.
Ốc giác là loại hải sản quen thuộc của người dân miền biển Phan Thiết, thường chế biến thành nhiều món khác nhau phục vụ thực khách. Ngoài các cách đơn giản như luộc, hấp, nướng, xào với mì..., ốc giác còn nổi tiếng với món gỏi.
Những con ốc giác có thể nặng tới 2 kg. Ảnh: ranbien.
Mỗi con ốc giác thường có trọng lượng rất lớn, đôi lúc nặng tới 2 kg và có khả năng sống hàng tuần trong nước mặn sau khi đánh bắt. Tuy nhiên, loại làm món gỏi phải mới đánh bắt lên bờ, thịt còn tươi, tiết chất nhờn để bảo đảm độ ngọt.
Thịt ốc giác có hai phần, cùi và ruột đều ăn được. Phần cùi có màu trắng trong, cứng nhưng ăn giòn sần sật. Còn ruột màu nâu nhạt, vị béo, bùi.
Có hai cách để lấy thịt ốc, phổ biến nhất là luộc cả con, sau đó dùng đũa xăm vào. Khi chín, phần thịt bên trong rất dễ kéo ra. Cách thứ hai là ốc còn sống, gỡ thịt ra khỏi vỏ, sau đó mới đem luộc.
Thịt ốc giác luộc chín được sắt thành sợi nhỏ, trộn cùng thịt ba chỉ, đu đủ thái mỏng, rau răm, lạc và hành phi... Ngoài ra, đầu bếp cũng có thể chế biến thành gỏi ốc giác hoa chuối hay xoài xanh với vị khác lạ.
Ngoài việc hấp ốc giác, chấm cùng nước mắm, nhiều người còn làm gỏi ốc giác xoài xanh với cách chế biến công phu. Ảnh: Hà Lâm.
Để làm gỏi ốc giác ngon, phần quan trọng nhất là gia giảm đường, giấm sao cho đậm vị, không ngọt gắt cũng không chua quá. Hành rắc lên trên phải là loại tía, phi thơm, vàng óng.
Nước mắm pha chế chấm gỏi rất công phu, có đủ vị ngọt, chua, thanh và ăn kèm bánh đa (bánh tráng nướng). Món này có mặt trong nhiều quán, nhà hàng ở Phan Thiết, phổ biến nhất là gần ga mỗi buổi chiều, tối.
Theo Anh Phương