Gần 50% doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham gia khảo sát cho hay sẽ không có doanh thu trong quý 2/2020. Đến nay, 18% cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và gần một nửa số DN được hỏi trả lời rằng đã cho 50-80% nhân viên ở nhà.
Nhiều công ty đóng cửa, tê liệt vì Covid-19
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa thực hiện khảo sát về tình hình hoạt động của các DN du lịch, lữ hành do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Khảo sát được thực hiện từ ngày 13-17/4, với 394 doanh nghiệp tham gia trả lời. Trong số này, 92% là doanh nghiệp nhỏ và vừa có số lượng nhân viên dưới 100 người.
Cập nhật tình hình kinh doanh của các DN du lịch, lữ hành, khảo sát đã chỉ ra thực trạng thê thảm của ngành du lịch. Trong số các phản hồi nhận được, 71% doanh nghiệp cho biết doanh thu của họ trong quý 1/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019, 77% doanh nghiệp dự kiến doanh thu quý 2 sẽ giảm hơn 80% so với cùng quý năm ngoái.
Ngoài ra, gần 50% doanh nghiệp du lịch, lữ hành tham gia khảo sát (tức xấp xỉ 200 công ty) cho hay họ sẽ không có doanh thu, tức không kiếm được đồng nào, trong quý 2/2020 (ảnh dưới).
Kết quả khảo sát của Hội đồng tư vấn Du lịch cập nhật về tình hình hoạt động kinh doanh của các DN du lịch, lữ hành
65,7% số doanh nghiệp tham gia khảo sát đã phải cắt giảm hơn 50% số lượng nhân viên, trong đó gần 20% số doanh nghiệp phải cắt giảm toàn bộ nhân viên. Cùng với đó, 78% doanh nghiệp tham gia khảo sát đã chọn cắt giảm tiền lương hoặc cắt giảm nhân viên tạm thời trong nỗ lực giảm chi phí để sống sót sau đại dịch.
Thậm chí, gần 9% doanh nghiệp tham gia khảo sát chọn phương án cực đoan hơn là đóng cửa kinh doanh.
Tác động của dịch Covid-19 còn thể hiện rõ qua con số thống kê du lịch của TP.HCM, bởi thành phố này vốn chiếm 1/2 lượng khách quốc tế đến Việt Nam, 1/3 lượng khách du lịch nội địa của cả nước.
Báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM cho thấy, lượng khách quốc tế đến TP tới tháng 3 giảm hơn 84%, doanh thu du lịch giảm 71%. Tính đến hết quý 1 năm nay, trong tổng số hơn 28.000 nhân viên làm việc trong các cơ sở lưu trú, hơn 20.000 người phải nghỉ việc hẳn hoặc tạm thời ngừng việc.
Tại một số công ty, lượng khách và doanh thu giảm 95-100% so với cùng kỳ 2019. Trên địa bàn TP.HCM, 90% doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa đã tạm ngưng hoạt động; doanh nghiệp lớn vốn tư nhân chỉ bố trí nhân sự trực tại công ty còn doanh nghiệp vốn nhà nước cũng hoạt động cầm chừng.
Cách ly xã hội, hạn chế đi lại và xuất nhập cảnh để phòng chống dịch Covid-19 khiến du lịch Việt Nam đóng băng, ước tính thiệt hại tới 7 tỷ USD. Ba tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách quốc tế trong tháng 3/2020 giảm gần 64% so với tháng trước và giảm tới 68% so với cùng kỳ năm 2019, dự báo còn giảm xuống đáy vào tháng 4.
90% DN muốn được vay tiền hỗ trợ
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam và hoạt động du lịch chỉ có thể hồi phục khi dịch Covid-19 được khống chế cả trong nước và trên thế giới. Để chuẩn bị cho giai đoạn “hậu đại dịch”, nhiều kịch bản được đưa ra để từ đó, ngành du lịch lên kế hoạch chuẩn bị đón lượng khách có thể bùng nổ.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 dự báo sẽ giảm mạnh so với năm ngoái
Trao đổi với báo giới, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đưa ra hai kịch bản: dịch bệnh kết thúc vào tháng 6 và tháng 9.
Nếu dịch kết thúc vào tháng 6, lượng khách quốc tế sẽ ở đáy từ tháng 4 đến tháng 6, gần như không có khách quốc tế đến Việt Nam. Số lượng khách sẽ hồi phục dần vào cuối năm nhưng còn thấp, chưa thể tăng trưởng dương so với cùng kỳ 2019. Dự báo, khách quốc tế đến năm 2020 có thể giảm gần 70% so với năm ngoái, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt.
Nếu dịch kết thúc cuối tháng 9, thời gian “đóng băng” khách quốc tế kéo dài hơn, chỉ có thể hồi phục rất hạn chế từ cuối năm với các hoạt động đi lại du lịch công vụ, giao thương. Lượng khách du lịch quốc tế đến năm 2020 khả năng sẽ giảm gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt.
Diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 dịch vẫn chưa kết thúc, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm 80% so với năm 2019, chốt ở con số 3,7 triệu thu hút được trong 3 tháng đầu năm.
Cá nhân ông Ngô Hoài Chung cho rằng, phải hết tháng 6 năm nay dịch mới chấm dứt, ngành du lịch chỉ có thể phục hồi như trước khi có dịch vào đầu năm 2021.
Trong lúc chờ dịch bệnh chấm dứt, các DN du lịch vẫn án binh bất động. Gần 83% doanh nghiệp tham gia khảo sát ở trên nhận định hoạt động kinh doanh có thể trở lại bình thường vào đầu quý 3/2020, nhưng cũng có tới trên 41% doanh nghiệp dự đoán tiêu cực hơn là phải đến năm sau mới có thể phục hồi.
Để giúp doanh nghiệp tồn tại và duy trì hoạt động qua đại dịch Covid-19, bản thân các DN nhận thấy cần ưu tiên các biện pháp kiểm soát chi phí, song cũng rất cần chính sách hỗ trợ tài chính của nhà nước. Gần 90% doanh nghiệp được hỏi phản hồi rằng họ cần hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ để phục hồi kinh doanh.