Được dân gian truyền tụng là “xứ sở” của đình chùa, lễ hội, Bắc Ninh nổi tiếng với những toà đại đình cổ kính rêu phong, mái ngói đao cong uốn lượn của các ngôi đền chùa như chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp… cùng những cổ vật quý báu đã kết tinh và tỏa sáng hàng ngàn năm, tạo nên bản sắc văn hóa quê hương Kinh Bắc và là tinh hoa văn hiến của nước Việt Nam.
Chùa Dâu (Ảnh: baobacninh.com.vn)
Ở vùng Đồng bằng Bắc bộ, dân gian có câu truyền tụng rằng : "cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Nam là Sơn Nam (Nam Hà, Thái Bình, Hải Hưng, nơi có nhiều cầu đá), Bắc là ở phía Kinh Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang, nổi tiếng với những chùa cổ, hát quan họ), Đoài ở hướng Tây (Sơn Tây, tỉnh Hà Tây trước đây) rất hãnh diện với những đình làng lớn đẹp như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến). Đến với Bắc Ninh là đến với những ngôi đền chùa cổ trầm mặc linh thiêng hàng ngàn năm lịch sử, với cả một trời thơ, nhạc rất đỗi trữ tình.
Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, từ lâu chùa Bút Tháp (hay còn gọi là Ninh Phúc Tự) đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về nghệ thuật kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng. Đến với cửa Phật nơi này ta không khỏi ngạc nhiên trước cảnh thiên nhiên thực mà như mơ với bao huyền thoại về một xứ sở của vùng Dâu, Kinh Bắc.
Chùa Bút Tháp tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 10.000m², bên bờ Nam con sông Đuống hiền hòa. Chùa cổ dấu xưa đến nay đã trải qua mấy trăm năm, nhưng vẫn còn giữ được vẻ đẹp trong sự thăng trầm của lịch sử.
Tương truyền, thuở xưa đàn chim nhạn ở các núi trên thường bay về đậu trên ngọn tháp đá của chùa - cảnh thiền đất lành chim đậu, và tên chùa Nhạn Tháp cũng được hình thành như thế. Đến đời vua Tự Đức (1848-1883) thì ngôi chùa bắt đầu mang tên mới đó là chùa Bút Tháp.
Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc khác, chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp như một ốc đảo dài điểm xuyết cây xanh, nổi bật trên một cánh đồng sóng lúa mênh mông với bố cục hài hòa gọn gàng và rất sinh động giữa kiến trúc với môi trường thiên nhiên.
Chùa chính với 3 dãy nhà Tiền đường - Thiên hương - Thượng điện tạo thành chữ "công". Cách bố trí như vậy làm nổi bật điện thờ bên trong với các pho tượng.
Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông hai tầng, tám mái nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy dài 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Nhà Tiền Đường, nhà Thiên Hương, nhà Thượng điện, nhà Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ thờ, hậu đường.
Bên trái chùa có nhà thờ tổ Chuyết Chuyết và ngôi tháp đá tám mặt, năm tầng cao 13m là nơi táng xá lị của Thiền sư Chuyết Chuyết. Ngoài ra, còn có tháp Ly Chân, tháp Tâm Hoa, thấp hơn, song tất cả cũng được dựng bằng đá, được trạm trổ tinh xảo và điều đặc biệt là các ngọn tháp ở đây đều được ghép đá lại với nhau chứ không dùng chất kết dính (vôi, vữa, xi măng).
Chùa Bút Tháp còn nổi tiếng với pho tượng Phật bà Quan âm “Nghìn mắt nghìn tay” được nghệ nhân họ Trương tạo tác vào năm 1656 là một kiệt tác điêu khắc gỗ về tượng Phật: Tượng tọa thiền trên tòa sen được con quỷ biển giơ hai tay đội lên đầu vượt lên sóng biển với chiều cao 2,35m. Đây được coi là một kiệt tác độc nhất vô nhị về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng.
Với triết lý Phật bà Quan âm từ bi, độ lượng, cứu nhân độ thế và được tạo tác tượng có tới 11 đầu; đầu chính đội mũ “Thiên quan” có khuôn mặt nữ tính đôn hậu, đôi mắt nhân từ đẹp thánh thiện; quanh người gần một nghìn cánh tay thon thả, uyển chuyển như một vầng hào quang tỏa sáng; trong mỗi bàn tay là một con mắt để thấu soi mọi chuyện đau khổ của muôn loài và sẵn lòng cứu vớt chúng sinh thoát khỏi lầm than, vận hạn, nên đã đi sâu vào tâm linh mọi người khi đến với cửa Phật để lễ bái kêu cầu.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử và nghệ thuật, chùa Bút Tháp đã được Bộ Văn hóa -Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia theo quyết định số 313-VH/VP ngày 28 tháng 4 năm 1962.
Sử sách đã ghi lại chùa Dâu và hệ thống chùa Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Ðiện) thuộc vùng Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, được khởi dựng từ đầu Công nguyên là trung tâm Phật giáo đầu tiên của nước ta Từ vùng Dâu, Phật giáo đã phát triển và lan tỏa đến khắp các vùng miền trong nước.
Trải qua các thời: Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chùa Dâu vẫn giữ vai trò là trung tâm tín ngưỡng, Phật giáo của dân tộc. Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được các quý tộc, quan lại triều đình, cùng nhân dân địa phương trùng tu và mở rộng với quy mô lớn theo kiểu “nội công ngoại quốc” gồm các công trình như: Tam quan, Tiền thất, Tháp Hoà Phong, Tiền Đường, Hậu đường, Nhà tổ, Nhà mẫu, khu vườn tháp… bề thế to đẹp, trang trí chạm khắc lộng lẫy, tinh xảo.
Với vị trí địa lý bằng phẳng nằm cạnh dòng sông Dâu hiền hòa, nổi bật là tháp Hòa Phong, tháp có chín tầng song trải qua những biến động của lịch sử đến nay chỉ còn ba tầng. Chân tháp hình vuông, trong lòng tháp có bốn bệ gạch bốn bên, trên mỗi bệ là một tượng hộ pháp. Ở tầng hai của tháp có biển đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Đặc biệt hơn nữa tháp dùng để đặt các xá lị, bên trên là một chiếc khánh đồng và một chiếc chuông đồng lớn có niên đại từ 1893. Màu thời gian đã bao phủ lên tháp những lớp rong rêu xanh màu cổ kính. Song có thể nói giá trị của tháp Hòa Phong trong quần thể di tích chùa Dâu là không nhỏ bởi đã gây sự chú ý đặc biệt của khách du lịch thăm quan từ bốn phương về đây.
Hằng năm, cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, không ai bảo ai người dân từ thập phương đều kéo về nơi đây lễ Phật cầu may. Hội được mở trong 3 ngày: mồng 7, mồng 8, mồng 9 âm lịch với một quy chế rất chặt chẽ. 11 kiệu Phật được rước ra ngoài trời, đi khắp 12 làng xã trong Tổng Khương. Các kiệu Phật được phong áo rất lộng lẫy uy nghi.
Cũng như chùa Dâu, chùa Bút Tháp,… chùa Phật Tích là di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu được giới nghiên cứu các ngành khoa học xã hội, nghệ thuật, tôn giáo trong và ngoài nước rất quan tâm tìm hiểu. Mối quan tâm đó được gợi ra từ những nét độc đáo và lịch sử của ngôi chùa.
Chùa có tên là Vạn Phúc thuộc thôn Phật Tích, xã Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km về phía Đông. Chùa được xây dựng trên núi Phật Tích (còn gọi là núi Lạn Kha, núi Tiên Du, núi Nguyệt Hằng), cửa mở ra hướng Tây, trước mặt là sông Đuống.
Điểm độc đáo của chùa Phật Tích trước hết phải kể đến pho tượng đá A Di Đà. Thân tượng được tạo bằng chất liệu đá xanh nguyên khối. Tượng được tạc trong tư thế ngồi kết già trên tòa sen. Hai bàn tay để ngửa, chồng lên nhau, đặt trên đùi. Lớp áo ngoài buông xuống phủ kín đôi chân. Thân tượng thanh mảnh, ngồi với tư thế hơi dướn lên phía trước, khuôn mặt hiền dịu, đầy nữ tính, khẽ mỉm cười.
Tượng A Di Đà được đặt trên bệ tòa sen bằng đá. Tòa sen được đặt trên bệ đá hình bát giác với nghệ thuật chạm khắc rất tinh xảo. Bệ tòa sen được tạo hình các đóa sen đang nở với hai tầng cánh. Tầng trên chạm đôi rồng, bệ bát giác, các họa tiết trang trí được chạm khắc cả bề mặt. Mặt bên của cả hai tầng đều chạm hình đôi rồng đang vờn nhau, ẩn hiện trong mây. Mặt trên của tầng diềm được chạm những chùm hoa dây mềm mại. Cuống hoa có nhiều người leo trèo. Mặt dưới là hình sóng nước cách điệu. Tất cả đều rất tỷ mỷ, sống động
Chùa Phật Tích có kiến trúc của thời Lý, thể hiện qua ba bậc nền bạt vào sườn núi. Các nền hình chữ nhật dài khoảng 60 m, rộng khoảng 33 m, mặt ngoài bố trí các tảng đá hình khối hộp chữ nhật, là điểm hành hương phật giáo nổi tiếng được nhiều người ghé thăm.
Theo tương truyền, bậc nền thứ nhất là sân với vườn hoa mẫu đơn, nơi xảy ra câu truyện Từ Thức gặp tiên: “…Từ Thức đi xem hội hoa mẫu đơn, gặp Giáng Tiên bị bắt trói vì tội hái trộm hoa. Từ Thức bèn cởi áo xin tha cho tiên nữ. Sau Từ Thức từ quan đi du ngoạn các danh lam thắng cảnh, đến động núi ở cửa biển Thần Phù gặp lại Giáng Tiên…”. Do tích này, trước đây chùa Phật Tích mở hội Hoa Mẫu Đơn hàng năm vào ngày mồng bốn tháng giêng để nhân dân xem hoa và các văn nhân thi sĩ bình thơ.
Bậc nền thứ hai là nơi có các kiến trúc cổ ngày nay không còn được thấy. Khi đào xuống nền ngôi chùa này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di vật điêu khắc thời nhà Lý và nền móng của một ngôi tháp gạch hình vuông.
Nền thứ ba cao nhất, có Long Trì (Ao Rồng) là một cái ao hình chữ nhật, đã cạn nước.
Hàng năm vào ngày 4 tết Nguyên Đán, nhân dân nơi đây thường mở hội truyền thống để tưởng nhớ công lao các vị tiền bối đã khai sinh và tu tạo chùa. Trong những ngày xuân tưng bừng ấy, khách thập phương về đây lễ Phật, hái hoa mẫu đơn, thưởng ngoạn cảnh đẹp vùng Kinh Bắc hoặc tham dự các trò chơi ngày hội như đấu vật, chơi cờ, đánh đu, hát quan họ…
Vào những ngày đầu xuân mới, khi trời đất giao hòa, vạn vật sinh sôi, lòng người hân hoan phơi phới, ấy là khi các du khách thấp phương tìm về “ xứ xở’ của đình chùa để trảy hội. Tham quan miền đất hàng ngàn năm văn hiến, được chiêm ngưỡng những danh lam cổ tự cùng những báu vật từng nổi tiếng trong lịch sử, mà nay được Nhà nước xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt, đó chính là tinh hoa văn hiến Việt Nam./.
Cẩm Giang / dangcongsan.vn