Sau gần hai năm dịch Covid-19 tàn phá, hàng trăm nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hội An (Quảng Nam) đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vì không còn sức cầm cự.
Đóng cửa để giảm chi phí vận hành.
Báo cáo của Chi cục Thuế thành phố Hội An, có hơn 260 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trong đó có 62 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.
Hàng trăm nhà hàng, khách sạn… ở TP Hội An đã phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 kéo dài.
Thay vì khởi đầu mùa du lịch, hè năm nay đánh dấu đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 ở 2 đầu đất nước, nơi được xem là thị trường nội địa chính của Quảng Nam. Những điểm tham quan như Hội An, Mỹ Sơn… tiếp tục vắng khách, các doanh nghiệp du lịch vẫn còn nỗ lực cầm cự lại đối diện với hàng loạt khó khăn chồng chất.
Sau nhiều lần mở cửa rồi đóng cửa do dịch bệnh, đầu tháng 6 năm nay, ông Lê Ngọc Thuận - Chủ tịch Hội đầu bếp Quảng Nam - quyết định đóng cửa hết năm khu nhà hàng do ông quản lý.
Nhiều khách sạn, nhà hàng, villa… đã phải đóng cửa để giảm chi phí vận hành vì không còn sức kham nổi.
"Cứ mỗi lần chuẩn bị mở cửa là dịch bệnh bùng phát, rất mệt mỏi, bây giờ phải tạm đóng cửa để cắt giảm chi phí vận hành. Bình quân mỗi tháng nhà hàng đóng thuế khoảng 5 triệu đồng, chưa tính các chi phí điện nước, trả lương nhân viên" - ông Thuận cho hay.
Trước dịp lễ 30/4 vừa qua, ông Thuận đầu tư gần 150 triệu đồng để tổ chức Lễ hội ẩm thực và âm nhạc trên bãi biển An Bàng, nhưng dịch Covid-19 bùng phát, sự kiện không thể diễn ra, mất trắng toàn bộ tiền đầu tư, doanh nghiệp vốn khó khăn nay càng khốn đốn hơn.
Du lịch "đóng băng" dài hạn khiến những doanh nghiệp du lịch, dịch vụ… tại Hội An vốn đã "tổn thương" sau gần 2 năm dịch Covid-19 tàn phá, sẽ càng thêm khó khăn sau đại dịch nếu không có giải pháp hỗ trợ tái thiết.
Theo quy định về thuế, bình quân một homestay 5 phòng, mỗi năm đóng thuế khoảng 8 triệu đồng (không có khách cũng đóng thuế). Tuy nhiên, nặng nhất chính là tiền điện, được tính theo điện sản xuất kinh doanh 2.700 đồng/kWh, doanh nghiệp rất chật vật với những chi phí này.
Tại TP Hội An, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ chiếm khoảng 70% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Hàng trăm cơ sở lưu trú, khách sạn, công ty lữ hành đã phải đóng cửa đến hết năm hoặc vô thời hạn nhằm tiết giảm chi phí vận hành và đóng thuế.
Khó khăn sẽ còn kéo dài
Từ 6h ngày 31/7, TP Hội An thực hiện giãn cách xã hội vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Phố cổ Hội An lại rơi vào cảnh "cửa đóng then cài" như những lần bùng dịch trước đó.
Cần sớm có giải pháp căn cơ, cấp thiết và hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi sau đại dịch.
Quản lý một nhà hàng tại đường Bạch Đằng (TP Hội An, số ít cơ sở chuyển đổi mục đích kinh doanh để cầm cự trong đại dịch) cho hay, trước đó nhà hàng chuyển sang bán cà phê để duy trì hoạt động. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà hàng giờ cũng phải đóng cửa để phòng dịch.
"Ngôi nhà hai tầng với hai mặt tiền Bạch Đằng - Nguyễn Thái Học này được thuê với giá 300 triệu/tháng, chúng tôi chuyển sang bán cà phê để duy trì việc làm cho nhân viên, không biết còn cầm cự đến khi nào. Hiện tại phải đóng cửa phòng dịch, khó càng thêm khó" - quản lý nhà hàng mệt mỏi chia sẻ.
Ông Phùng Nhanh - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hội An - cho hay, việc nhiều doanh nghiệp ngừng hoạt động vì kinh doanh du lịch khó khăn khiến nguồn thu ngân sách địa phương sụt giảm nghiêm trọng.
Ngoài nguồn thu từ phí, vé tham quan không đạt (5 tháng đầu năm chỉ khoảng 2 tỷ đồng/38 tỷ đồng được giao), đạt 5,3% so với dự toán, giảm 93,3% so với cùng kỳ thì nguồn thu từ khai thác quỹ đất khá thấp, chỉ 40 tỷ đồng/470 tỷ đồng được giao.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam - cho rằng, nhiều doanh nghiệp không được ưu tiên cơ cấu nợ sẽ kiệt quệ khi đến hạn trả cả lãi và gốc vào cuối năm nay.
"Khi xây dựng dự án vay nợ, doanh nghiệp tính kịch bản cho sự kiện hàng trăm, đón hàng nghìn khách nhưng bây giờ không có khách nên điêu đứng là điều tất yếu. Tỉnh cần có nguồn hỗ trợ lãi vay tái thiết, đơn cử như một doanh nghiệp vay vài tỷ đồng để tái thiết thì cần được hỗ trợ khoản lãi vay đó trong một thời gian nhất định" - ông Phan Xuân Thanh nêu quan điểm.