Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2021 - với chủ đề “Bình thường mới, cơ hội mới” được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp du lịch kịp thời khôi phục hoạt động.
“Bình thường mới, cơ hội mới”
Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế đã giảm 83% trong quý I/2021, do hầu hết các quốc gia vẫn áp dụng hạn chế đi lại. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục chịu tổn thất lớn nhất với lượng khách quốc tế giảm 94%.
Doanh thu du lịch quốc tế năm 2020 giảm 64% tính theo giá thực tế, tương đương giảm hơn 900 tỷ USD. Tổng thiệt hại về doanh thu xuất khẩu từ du lịch quốc tế lên tới gần 1.100 tỷ USD. Hai khu vực giảm doanh thu nhiều nhất là châu Á - Thái Bình Dương (giảm 70%, theo giá trị thực) và Trung Đông (giảm 69%).
Tại Việt Nam, sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy nhất như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Hàng chục ngàn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Theo kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới 85,7% số doanh nghiệp trên cả nước bị tác động của Covid-19, trong đó, các ngành dịch vụ chịu tác động mạnh nhất là hàng không, dịch vụ lưu trú, ăn uống, đại lý du lịch. Tổng cục Thống kê cho biết, khách quốc tế đến Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 giảm 97,8% so với cùng kỳ năm 2020, do chưa mở cửa du lịch quốc tế.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện “mục tiêu kép”, vừa duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, vừa đảm bảo phòng chống dịch, để khôi phục và thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, các doanh nghiệp du lịch cần thích ứng với điều kiện mới, hoàn cảnh mới để phát triển. Vì vậy, VITM Hà Nội 2021 được lấy chủ đề “Bình thường mới, cơ hội mới”, qua đó hy vọng du lịch Việt Nam sẽ tận dụng các cơ hội của giai đoạn bình thường mới để thích ứng và phát triển mạnh mẽ.
Xu hướng du lịch bền vững
Theo Ban Tổ chức, ngoài các hoạt động kích cầu và giới thiệu sản phẩm du lịch của các doanh nghiệp, địa phương trên cả nước, VITM Hà Nội 2021 còn là cơ hội lý tưởng cho cơ quan xúc tiến du lịch và các doanh nghiệp du lịch quảng bá điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch của mình tới các doanh nghiệp du lịch và khách du lịch thông qua gian hàng và các hoạt động họp báo, hội thảo; người dân có nhiều cơ hội tìm hiểu, lựa chọn các tour du lịch đặc biệt cho cá nhân và gia đình.
Hội chợ VITM Hà Nội 2021 dự kiến có 350 gian hàng, với 450 đơn vị đăng ký đến từ 40 tỉnh, thành phố trên cả nước; 4 đại diện quốc tế từ các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (đều có văn phòng đại diện tại Việt Nam). Trong đó, có các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp khách sạn, khu nghỉ dưỡng, các hãng hàng không...
Xuyên suốt 4 ngày diễn ra Hội chợ, sẽ có nhiều hoạt động được tổ chức như gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch; Chương trình sơ kết 3 năm (2017 - 2020) của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và vinh danh các doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam năm 2020 (VITA Awards); Hội thảo Nhân lực du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới; Hội thảo về du lịch golf; hoạt động chuyển đổi số trong ngành du lịch; chương trình du lịch bằng xe tự lái Caravan (do Hội Lữ hành Hà Nội phát động)...
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trước đây, Hội chợ chủ yếu thu hút các doanh nghiệp lữ hành, nhưng hiện nay đã có thêm nhiều khách sạn, resort tham gia. Đó chính là xu hướng chuyển dịch sang du lịch nội địa trong bối cảnh hiện nay.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, ông Hà Văn Siêu cũng nhấn mạnh, VITM Hà Nội 2021 không đơn thuần là hội chợ du lịch thường niên lần thứ 9, mà là sự kiện để thúc đẩy việc mở lại thị trường du lịch an toàn. “VITM 2021 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt là du lịch đang gặp khó khăn do Covid-19, nên có thể nói, hội chợ này nằm trong chuỗi sự kiện góp phần làm ấm thị trường du lịch và tiếp sức cho việc mở lại du lịch quốc tế”, ông Siêu nói.
Theo một khảo sát được thực hiện bởi Booking.com với 29.000 du khách trên 30 quốc gia, bao gồm Việt Nam, những diễn biến của đại dịch đã trở thành điểm mốc then chốt để du khách theo đuổi lối sống bền vững. Trong đó, 97% du khách Việt cho rằng, du lịch bền vững rất quan trọng, và 79% tin rằng, mọi người phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh cho các thế hệ tương lai.
Theo các đơn vị lữ hành, những cam kết bền vững từ du khách đã và đang thể hiện bằng hành động có ý thức cao như mang theo chai nước riêng, đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên, dùng vật dụng có thể tái sử dụng, hỗ trợ cộng đồng địa phương, du lịch kết hợp thiện nguyện, nhặt rác… Đây là những tín hiệu rất tích cực để ngành kinh tế xanh phát triển bền vững.