Chiều ngày 21/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2011 - 2015. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh chủ trì Hội nghị.
Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 tại tỉnh Bắc Kạn |
Thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 2351/2010/QĐ-TTg ngày 25/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, 5 năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã luôn quan tâm và chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động triển khai hướng dẫn công tác bình đẳng giới tại đơn vị. Nhờ đó, nhận thức trong cán bộ, nhân dân, người lao động và đồng bào dân tộc thiểu số về định kiến giới tiếp tục có chuyển biến tích cực, xóa bỏ dần khoảng cách giới giữa nam và nữ. Nhiều dự án, chính sách dành cho phụ nữ được triển khai thực hiện đồng bộ và phù hợp.
Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 được triển khai thực hiện với 22 chỉ tiêu thuộc 7 mục tiêu. Kết quả, sau 5 năm thực hiện, tỉnh Bắc Kạn đã đạt 20 chỉ tiêu thuộc 7 mục tiêu. Trong đó, các chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ nữ tham gia UBND các cấp; các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ; số lao động nữ được giải quyết việc làm hàng năm; tỷ lệ nữ vùng nông thôn nghèo được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc... đều đạt mục tiêu đề ra.
Cụ thể, đến năm 2015, tỷ lệ nữ tham gia UBND cấp huyện đạt 18,18% (vượt mục tiêu đề ra 5,18%), cấp xã đạt 17,03% (vượt mục tiêu 4,03%); chỉ số giới khi sinh trung bình giai đoạn 2011 - 2015 là 112,6 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, đạt mục tiêu đề ra; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con giai đoạn 2011 - 2015 trung bình đạt 73,65%, vượt 30,65% mục tiêu đề ra; 100% Đài Phát thanh và Đài truyền hình địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vượt 10% mục tiêu đề ra; 60% số nạn nhân và người gây bạo lực được tư vấn thông qua tổ hòa giải và địa chỉ tin cậy cộng đồng trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình, vượt mục tiêu 20%; tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 15%, vượt mục tiêu 0,5%...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chưa rõ nét; địa vị giữa nam và nữ vẫn còn khoảng cách lớn trên tất cả các lĩnh vực, nhất là vùng nông thôn; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục…
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới, tỉnh đề ra một số giải pháp như: Chú trọng công tác tuyên truyền về bình đẳng giới trên phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức của mọi cán bộ, tầng lớp nhân dân về công tác cán bộ nữ, góp phần xóa bỏ các định kiến, quan niệm không phù hợp về vai trò của nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội; xây dựng nhiều hơn các chính sách về việc làm, đào tạo nghề, chính sách vay vốn phát triển kinh tế cho phụ nữ; tăng cường chính sách đặc thù cho một số nhóm đối tượng (chính sách, chương trình học bổng hỗ trợ trẻ em gái và phụ nữ tham gia học tập nâng cao trình độ; chính sách thu hút giáo viên tiểu học và mầm non là nam giới); xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình tư vấn, hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và buôn bán người…
Tại Hội nghị, một số cá nhân, đơn vị tham luận về các vấn đề như: Công tác tham mưu thực hiện việc giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nữ tại địa phương; giải pháp nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo cấp huyện đối với hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại địa phương; vai trò của cán bộ cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới…
Thảo luận góp ý cho các chỉ tiêu thuộc các mục tiêu của Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới đến năm 2020 theo Quyết định số 2351/2010/QĐ-TTg ngày 25/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu nhận định: Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 95% tỷ lệ phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý, lãnh đạo các cấp tại tỉnh Bắc Kạn là quá cao, nên giảm xuống 70% đối với tỷ lệ phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý, lãnh đạo cấp tỉnh, 50% đối với tỷ lệ phụ nữ tham gia vào vị trí quản lý, lãnh đạo cấp xã, phường, thị trấn; chỉ tiêu đến năm 2020 tỷ lệ nữ tiến sỹ đạt 50% là cao, không có khả năng đạt được vì hiện nay tỷ lệ nữ tiến sỹ toàn tỉnh mới đạt 15%. Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ; công tác tuyên truyền về bình đẳng giới cần sâu hơn, cần tập trung đến những mục tiêu phải đạt được…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh nhấn mạnh, một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới đến năm 2020 đưa ra đối với tỉnh Bắc Kạn chưa phù hợp. Vì vậy, đồng chí đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) nghiên cứu, xin ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh về các chỉ tiêu thực hiện đến năm 2020, từ đó có cơ sở ban hành khung kế hoạch thực hiện phù hợp với địa phương.
Các cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 nhận Bằng khen |
Nhân dịp này, 8 tập thể và 12 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chiến lược quốc gia Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015 đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.
Ngọc Lan
backan.gov.vn