Muốn theo đuổi nghề làm du lịch, trước hết cần trau dồi năng lực ngoại ngữ. Bên cạnh tiếng Anh, nên học thêm ngoại ngữ thứ hai. Hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Nhật trả lương 1 triệu đồng/ngày vẫn thiếu người.
Các chuyên gia, hướng dẫn viên trong ngành du lịch đã chia sẻ thông tin này đến các sinh viên tại buổi tọa đàm hợp tác phát triển nguồn nhân lực văn hoá và du lịch vừa diễn ra tại ĐH Sư phạm Đà Nẵng.
Nhiều chuyên giá, quản lý, hướng dẫn viên... trong ngành du lịch tham dự Tọa đàm về phát triển nguồn nhân lực văn hóa - du lịch |
Theo PGS.TS Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chưa nói đến các địa phương khác, ngay tại Đà Nẵng, các sinh viên có định hướng theo các ngành du lịch, dịch vụ lữ hành sau khi tốt nghiệp ra trường có nhiều cơ hội việc làm bởi các lợi thế và tiềm năng phát triển ngành công nghiệp không khói ở địa phương này.
Không chỉ các sinh viên chuyên ngành du lịch, mà sinh viên các chuyên ngành liên quan như Văn hoá du lịch, văn hoá học, Việt Nam học, Địa lý học... cũng được trang bị kiến thức nền tảng để theo ngành du lịch. Điều cần nhất là phải trau dồi kỹ năng mềm như khả năng ứng xử rất cần thiết cho một ngành dịch vụ như du lịch; trau dồi năng lực ngoại ngữ.
TS Trương Phước Minh - ĐH Sư phạm Đà Nẵng chia sẻ: Năng lực ngoại ngữ là chìa khoá của hội nhập lại là điểm yếu của đội ngũ du lịch hiện nay. Một khảo sát cho thấy hơn 90% lao động du lịch Khánh Hoà không đạt yêu cầu ngoại ngữ.
Đồng ý với điều này, ông Huỳnh Mạnh Hiểu ở Chi hội Hướng dẫn viên du lịch Đà Nẵng nói: Bên cạnh tiếng Anh, nên học thêm ngoại ngữ thứ hai. Hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Nhật được trả đến 1 triệu đồng/ngày vẫn thiếu người. Đó là một thực tế không chỉ riêng ở Đà Nẵng hiện nay.
“Tuy nhiên, phải thực tế nhìn nhận rằng, cơ hội việc làm cao, mức lương hấp dẫn, nhưng con đường đi đến thành công tất nhiên không chỉ có hoa hồng” - ông Hiểu nói. Theo ông Hiểu, ngay từ khi còn đi học, các sinh viên hãy bớt thời gian vô bổ cho mạng xã hội, Facebook...; thay vào đó, dành thời gian học ngoại ngữ, tranh thủ thời gian thực tập xin đi phụ tour để tích lũy kinh nghiệm thực tế cả về ngoại ngữ lẫn kỹ năng ứng xử tình huống, thái độ chuyên nghiệp.
Nhiều thông tin, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch được chia sẻ tại buổi tọa đàm |
Nhiều ý kiến khẳng định năng lực ngoại ngữ rất quyết định quan trọng trong thành công của người làm du lịch. Hiện nay, đang rất thiếu hướng dẫn viên tiếng Hàn, tiếng Nhật (ảnh minh họa) |
Trong ngành du lịch, không chỉ có các nghề trực tiếp phục vụ du khách như hướng dẫn viên, dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú...; còn có những nghề như marketing, truyền thông du lịch. Nếu có kỹ năng viết lách, nhiếp ảnh... có thể tham gia mảng này. Một bạn trẻ mới ra trường đã tìm được công việc ổn định trong mảng truyền thông du lịch xã hội chia sẻ: Thay vì sử dụng mạng xã hội, Facebook... vô bổ thì có thể tận dụng để phục vụ cho công việc của mình như cách quảng bá, chia sẻ thông tin du lịch mà mình phụ trách qua mạng xã hội. Bạn trẻ này tiết lộ với kỹ năng chụp ảnh, quay phim, thực hiện sản phẩm truyền thông trên mạng xã hội hiệu quả có thể được trả đến 500 nghìn đồng/giây trong clip quảng bá điểm đến.
Chia sẻ đến các sinh viên định hướng theo ngành du lịch, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhấn mạnh thêm: “Cùng với năng lực ngoại ngữ, kỹ năng ứng xử, thì việc tích lũy kiến thức, hiểu biết về văn hoá, xã hội là rất cần thiết với những người làm trong ngành du lịch. Có nhiều địa chỉ tích lũy tri thức từ thư viện, bảo tàng, các điểm đến du lịch. “Người làm du lịch mà không có kiến thức văn hoá thì rất khó làm” - ông Thiện nói.
Tâm An / dantri