Sau khi được "làm phép", các chàng trai lắc lư như trong cơn mê rồi bắt đầu nhảy vào giữa đống lửa đang cháy rừng rực bằng đôi chân trần. Họ khẳng định, chính những thế lực siêu nhiên đã truyền sức mạnh, dẫn lối và ban cho họ lòng dũng cảm…
Với những người đam mê du lịch, có lẽ Hà Giang là một điểm đến không thể bỏ qua. Nơi đây không chỉ có những cung đường uốn lượn đẹp ngất ngây, những ngọn thác, hang động và ruộng bậc thang bạt ngàn mà còn sở hữu bao điều bí ẩn, đợi chờ du khách khám phá.
Nếu đến mảnh đất Tây Bắc này vào dịp cuối xuân hay đầu năm, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những tiết mục nghệ thuật độc đáo, đặc biệt là lễ hội nhảy lửa của người Dao đỏ. Trước buổi lễ, du khách sẽ được thưởng thức chén rượu cay nồng để có thể hòa mình trọn vẹn vào không khí với điệu múa, lời ca.
Chén rượu không làm chuếnh choáng nhưng cũng đủ khiến du khách cảm nhận rõ hơi men cay nồng. |
Lễ hội nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần hết sức phong phú và độc đáo của đồng bào Dao đỏ. Trong quan niệm của họ, lửa mang lại sự ấm áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc. Lễ hội cũng mang ý nghĩa cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng, xua đuổi tà ma, bệnh tật.
Các tiết mục văn nghệ được diễn ra cạnh đống lửa đang cháy rực. |
Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức cúng lễ, xin phép tổ tiên, xin phép thần linh cho dân làng được tổ chức lễ hội và mời các vị thần linh nhập vào các chàng trai. Bài cúng kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ.
Trên mâm cúng, người Dao đỏ phải chuẩn bị đầy đủ các vật phẩm như: cơm, gạo, rượu, gà luộc, nước suối, vải mộc màu trắng, hương, vòng bạc, tiền làm bằng giấy bản, đèn hoặc nến…
Thầy cúng Sìn Văn Phong ngồi trên một chiếc ghế dài, cầm que gõ liên tục lên chiếc đàn - một nhạc cụ cúng tế phổ biến của người Dao đỏ. Khi đống củi đã cháy rừng rực, thầy cúng sẽ xin quẻ âm dương. Nếu được thần lửa đồng ý, các chàng trai đã “hầu lễ” từ đầu sẽ ngồi trước mặt thầy cúng để phù phép.
Khi tiếng que gõ trở nên liên tục, dồn dập hơn thì cũng chính là lúc cuộc chơi thực sự bắt đầu. Chỉ trong phút chốc, cơ thể của các chàng trai run lên bần bật, lắc lư rất mạnh. Người xem ai cũng mắt tròn mắt dẹt và coi đó như sự bí ẩn không thể lý giải.
Như có ai đó sai khiến, họ bắt đầu tiến đến gần và nhảy lò cò vào chính giữa đống lửa. Càng về sau, bước chân càng trở nên gấp gáp hơn, họ lăn lộn bằng đôi tay và đôi chân trần khiến than đỏ văng tứ tung.
Những chàng trai người Dao như đang trong cơn mê. Họ thay phiên nhảy múa, vấp ngã, đứng lên rồi lại lao vào lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi. Trong tiếng hò reo và tán thưởng của người đứng xem, các chàng trai dường như càng được truyền thêm nguồn sức mạnh kỳ lạ. Trong lúc này, thầy cúng cũng liên tục gõ, khấn, người rung lên bần bật.
Đồng bào ở đây cho rằng, thời gian nhảy trên lửa ngắn hay dài phụ thuộc vào sức mạnh của thần linh ban cho họ. Mỗi lần nhảy lửa thường diễn ra trong khoảng 4 – 5 phút. Khi lửa tàn hẳn, thầy cúng sẽ đọc bài cúng tiễn các ma về trời và cảm ơn các vị thần đã xuống góp vui cùng dân làng.
Thầy cúng Sìn Văn Phong cho biết, một khi đã được phù phép, các chàng trai sẽ được ban tặng lòng dũng cảm, sự tự tin và được thần linh che chở, bảo vệ khỏi bị bỏng. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.
Khi lửa tắt, bàn chân, bàn tay của các chàng trai cũng trở nên đen nhẻm. |
Ngoài lễ hội nhảy lửa của người Dao Đỏ, ở Hà Giang còn có lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn. Mỗi lễ hội nhảy lửa đều mang nét độc đáo, chứa đựng yếu tố huyền bí, tâm linh.
Lễ hội nhảy lửa là một trong một những sinh hoạt mang đậm nét đẹp văn hóa, có ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với dân tộc Dao đỏ nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung.
Hoàng Ngọc / dantri