Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã được Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang (Lâm Đồng) lựa chọn trong việc hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, hoạt động và phát triển trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học.
Hoạt động du lịch ở Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ảnh: Báo Lâm Đồng
Tỉnh Lâm Đồng vừa thành lập Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang, đồng thời thành lập Hội đồng tư vấn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang với 11 thành viên, trong đó có 7 thành viên là các giáo sư, tiến sĩ đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Australia.
Ngoài tăng cường các hoạt động truyền thông cho nhân dân, các tổ chức, chính quyền và du khách; triển khai thực hiện các giải pháp nghiên cứu khoa học và bảo tồn đa dạng sinh học... Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển cũng sẽ chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế.
Theo đó, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang đã chọn Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để hỗ trợ xây dựng hệ thống quản lý, hoạt động và phát triển.
Ông Oda Kensei, Cố vấn trưởng hợp phần đa dạng sinh học dự án JICA cho biết dự án về quản lý thiên nhiên bền vững của JICA đang thực hiện tại Việt Nam có 4 hợp phần, trong đó, JICA muốn triển khai tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang hợp phần thứ 3 là bảo tồn đa dạng sinh học.
Các hoạt động chính của hợp phần 3 gồm: Diễn đàn quản lý hợp tác; giám sát đa dạng sinh học, theo dõi diễn tiến rừng. Những yếu tố hưởng lợi là: Sản xuất nông nghiệp sinh lợi; thu nhập tăng thêm; tài chính thuận lợi; sinh kế nâng cấp và ổn định đời sống cộng đồng, cộng đồng tham gia và hưởng lợi...
Dự kiến, hợp phần nói trên sẽ được thực hiện đến năm 2020.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang có diện tích 275.439ha, trong đó vùng lõi là 34.943 ha, chủ yếu thuộc địa phần thành phố Đà Lạt và huyện Lạc Dương. Bên trong Khu dự trữ có 1.940 loài thực vật thuộc 825 chi và 180 họ thuộc 4 ngành; có 748 loài động vật thuộc 507 giống, 123 họ, 6 lớp.
PV / baochinhphu.vn