Người mua nhà, xe sắp được vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác. Lãi vay của các ngân hàng buộc phải hấp dẫn để cạnh tranh nếu muốn hút khách hàng?
Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016 quy định về hoạt động cho vay, với nhiều điều kiện tiếp cận vốn dễ dàng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/9.
Tại Thông tư cũ, việc vay vốn để trả khoản vay tại tổ chức tín dụng khác sẽ không được phép thực hiện, trừ trường hợp là vay trả nợ trước hạn khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh, có thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ và chưa thực hiện cơ cấu.
Tuy nhiên, tại Thông tư 06 mới ban hành, giới hạn "phục vụ hoạt động kinh doanh" không còn được đề cập. 2 điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu được giữ nguyên.
Theo đó, các ngân hàng có thể cho khách hàng vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại ngân hàng khác với mục đích phục vụ nhu cầu khác ngoài hoạt động kinh doanh, như các khoản nợ vay mua nhà, mua ô tô.
Người mua nhà, ô tô có thể vay ngân hàng này để đáo hạn ở nhà băng khác (Ảnh: Mạnh Quân).
Lãi suất có sắp giảm?
Theo TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính - đánh giá Thông tư mới tạo thuận lợi cho việc đảo nợ.
Trước đây, nếu muốn đảo khoản nợ giữa các ngân hàng, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Với quy định mới, khách hàng tăng khả tăng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác (nếu có).
Chưa kể, theo giới chuyên gia, với Thông tư mới, lãi vay của các ngân hàng buộc phải hấp dẫn để cạnh tranh nếu muốn hút khách hàng.
Tính đến hết tháng 7, lãi suất vay mua nhà ở thương mại tại các ngân hàng dao động trong khoảng 10,5-15,5%/năm, theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS). Người đi vay, từ đó cũng sẽ chủ động tìm được ngân hàng có lãi suất thấp hơn.
Tuy nhiên, không phải khách hàng nào cũng mừng khi có Thông tư mới này. Ngọc Hoa (26 tuổi, TPHCM) hiện còn nợ 500 triệu đồng tại một ngân hàng tư nhân với lãi suất thả nổi là 13,5%/năm, tỏ ra không mặn mà. Ban đầu, Hoa hiểu rằng chỉ cần trả lãi, chừng nào đáo hạn thì vay chỗ khác đắp vào.
Còn tại Thông tư mới, điều kiện còn lại về thời hạn và chưa thực hiện cơ cấu vẫn được giữ nguyên, tức chỉ được vay chỗ ngân hàng khác nếu thời hạn vay ngắn hơn thời hạn vay còn lại của nợ cũ.
Chưa kể, theo Hoa, cô đã tìm hiểu kỹ trước khi vay mua nhà, mức lãi vay của các ngân hàng chênh nhau năm đầu không quá lớn. Các ngân hàng cũng chỉ ưu đã lãi suất trong năm đầu, từ năm thứ 2 lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường.
"Ngoài ra, nếu muốn vay ngân hàng khác, lại tiếp tục phải có tài sản đảm bảo. Trong khi đó, khoản vay 500 triệu kia vốn đang được đảm bảo bằng căn chung cư của tôi tại TP Thủ Đức. Tôi cũng không còn tài sản nào đảm bảo để đem đi vay tiếp", Hoa nói.
Với quy định mới, khách hàng tăng khả tăng tiếp cận vốn tín dụng, có thêm cơ hội chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các ngân hàng khác nếu có (Ảnh: Mạnh Quân).
Nhật Quang (27 tuổi, Hà Nội), nhân viên tín dụng tại một ngân hàng tư nhân cũng không nghĩ Thông tư mới này giúp giải quyết tình trạng "ế" khách vay hiện tại.
Theo Quang, khách hàng đã vay ở ngân hàng cũ với hình thức thế chấp, có thể sang ngân hàng mới vay hình thức tín chấp, song quyết định giải ngân lại nằm ở phía ngân hàng. "Nếu lịch sử tín dụng của khách không tốt, thu nhập hàng tháng không quá cao, chúng tôi cũng khó lòng giải ngân", anh cho hay.
Khách lo ngân hàng tăng phí phạt trả nợ trước hạn
Những khách hàng như Hoa cho rằng lãi vay ở ngân hàng nào cũng cao, nếu có cạnh tranh, mức chênh lệch không quá lớn. Cô thậm chí còn thêm lo lắng nếu thực sự có thể đi vay ngân hàng mới để trả nợ ngân hàng cũ, thì phí phát trả nợ trước hạn có thể sắp tới sẽ tăng lên.
Khách lo ngân hàng tăng phí trả nợ trước hạn (Ảnh: Mạnh Quân).
"Hiện tại, các ngân hàng đang để phí phạt trả trước là khoảng 2-3% số tiền trả nợ trước hạn, nếu tăng lên 4-5%, thì có khi tiền phạt còn hơn cả chênh lệch lãi suất nếu chuyển sang ngân hàng khác", Hoa nói.
TS Nguyễn Đức Độ cho rằng phí phạt trả nợ trước hạn thuộc về nghiệp vụ ngân hàng. Nếu muốn biết có tăng không trong thời gian sắp tới sẽ phải chờ thêm thời gian.
Thực tế, Thông tư 06 mới chỉ nới rộng giới hạn mục đích vay bao gồm mua tiêu dùng như nhà, xe. Ý nghĩa của nới lỏng này là cho phép lựa chọn ngân hàng có lãi vay tốt hơn còn thời hạn trả khoản vay vẫn không đổi.
"Những quy định mới hiện có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của số đông, nhưng ít nhất khách hàng cá nhân đã có thêm lựa chọn để tự quyết định", TS Nguyễn Đức Độ cho hay.