Làng xây nhà bằng tiểu sành, làng có những quả bí đao to nhất Việt Nam hay Làng Trinh Tiết, làng có hình con cá chép là những địa danh độc đáo ở Việt Nam. Và cả bốn làng ấy đều mang những bản sắc tốt đẹp đang được người dân gìn giữ từ bao đời nay.
Làng hình cá chép
Làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, Nam Định được bao quanh làng là hai nhánh của một con sông nhỏ rộng khoảng 7m, được gọi là sông Con (để phân biệt với sông Cái – sông Ninh Cơ là một nhánh của sông Hồng). Theo các bậc cao niên trong làng, có hai giả thiết về việc hình thành lên con sông này.
Giả thiết thứ nhất cho rằng chúng được tạo thành một cách tự nhiên, những cư dân đến ở chỉ là người khai khẩn, chỉnh trang lại như địa thế ngày nay. Giả thiết thứ hai được nhiều người tán thành hơn, đó là chính những cư dân đầu tiên đã "quy hoạch" ngôi làng và tiến hành đào lên hai con sông theo ý đồ trước đó, nhằm mục đích phù hợp với phong thủy và ngăn giặc cướp.
Điều làm nên sự kì ảo của hai nhánh con sông này chính là việc nó đã tạo hình dáng con cá chép của ngôi làng. Nhìn từ trên cao, hai nhánh con sông như những đường viền ngăn cách ngôi làng với vùng đất bên cạnh, khiến cho khu đất bên trong hiện lên hình dáng "lý ngư", những cây cầu xung quanh làng cũng được xây dựng ở vị trí tương ứng với các loại vây trên mình cá, tại phần đầu cá còn có một chiếc giếng khơi, nước trong vắt nên được gọi là giếng Mắt cá.
Quả thực nếu nhìn trên bản đồ ta sẽ thấy làng Hành Thiện xuất hiện rõ nét với hình ảnh của một chú cá chép khổng lồ, đầu hướng về Nam, đuôi vòng phía Bắc đang trong tư thế vẫy vùng như muốn tung mình lao ra biển Đông.
Làng Trinh Tiết
Làng Trinh Tiết (xã Đại Hưng, Mỹ Đức, Hà Nội) vốn nổi tiếng với những người phụ nữ đảm đang, khéo léo, chung thủy. Tương truyền, thế kỷ thứ XI, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy, nhìn thây cảnh đẹp thơ mộng của làng đã ghé vào thăm. Nhà vua vô cùng hài lòng khi thấy các thiếu nữ trong vùng vừa xinh đẹp, nết na, khéo léo, lại một lòng tiết hạnh nuôi dưỡng mẹ già, chờ chồng khi ra trận. Trước khi rời khỏi nơi cảnh đẹp hữu tình, nhà vua ban xuống đặt tên làng Trinh Tiết để phong tặng cho nét đẹp truyền thống của phụ nữ nơi đây.
Những năm tháng kháng chiến chống Mỹ xâm lược, làng Trinh Tiết luôn được tuyên dương là hậu phương vững chắc. Phụ nữ trong vùng ngoài “chắc tay cày, đảm tay cấy” còn là một trong những nơi giúp đỡ, che chở cho bộ đội vững chắc nhất.
Làng bí đao khổng lồ
Làng Chánh Trạch (Đình Định) là nguyên quán của một loại sản vật kỳ lạ, đó là những quả bí đao khổng lồ. Bí đao bình thường trông ở những nơi khác chỉ nặng tầm 7 – 10 kg, nhưng riêng bí trồng ở Chánh Trạch, quả nào quả nấy nặng từ 40 – 50 kg, thậm chí nhiều quả còn nặng gần 1 tạ. Hiện nay vẫn chưa ai lý giải được tại sao ở làng quê rất đỗi bình thường ấy lại trồng được những quả bí đao to “khủng khiếp” đến vậy.
Làng xây nhà bằng tiểu sành
Đó là làng Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Vốn làng có nghề gốm cho nên từ nhiều đời nay, người dân tận dụng những chiếc tiểu sành (đựng hài cốt) vỡ, hỏng không bán được để xây tường.
Chính bởi những tiểu sành này rỗng bên trong, lại có những lỗ nhỏ bên ngoài nên được loài ong “tận dụng” làm thành tổ của mình. Vì thế, mỗi bức tường nhà của người dân Thổ Hà có đến vài ba chục đàn ong sinh sống.
Mặc dù vậy, như một thứ luật bất thành văn, chủ mỗi ngôi nhà có ong trú ngụ không bao giờ được lấy mật bởi điều đó có thể khiến chúng bỏ đi hoặc tấn công nguy hiểm.
Theo Hữu Thắng - Dân Trí