Ngũ Hành Sơn được hình thành bởi quần thể năm ngọn núi Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ được “bao bọc” bởi rất nhiều huyền thoại khác nhau. Đây là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng.
Ngũ Hành Sơn nằm cách trung tâm Đà Nẵng khoảng 8 km về phía Đông Nam, trên một bãi cát mênh mông gần bờ biển, thuộc làng Hòa Khuê, ấp Sơn Thủy, huyện Hòa Vang nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
Nơi đây, các dấu ấn văn hóa - lịch sử còn in đậm trên mỗi công trình chùa, tháp đầu thế kỷ XIX, trên mỗi tác phẩm điêu khắc Chăm của thế kỷ XIV, XV. Những bút tích thi ca thời Lê, Trần còn in dấu trên các vách đá rêu phong trong các hang động.
Những di tích văn hóa - lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), bút tích sắc phong quốc tự còn lưu giữ tại chùa Tam Thai của triều Nguyễn, đến các di tích lịch sử đấu tranh cách mạng như: Địa đạo núi đá Chồng, hang Bà Tho, núi Kim Sơn, hang Âm Phủ,… Tất cả chứng minh hùng hồn về một Ngũ Hành Sơn huyền thoại, về một vùng đất địa linh nhân kiệt đầy chất sử thi.
Chùa Tam Thai
Chùa Tam Thai tọa lạc trên ngọn Thủy Sơn - một trong năm ngọn Ngũ Hành Sơn thuộc quần thể danh thắng Non Nước - Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Là một ngôi chùa cổ (xây dựng năm 1930), được xem là quốc tự và di tích Phật giáo. Năm 1825, Minh Mạng trong chuyến tuần du Ngũ Hành Sơn đã cho xây dựng lại chùa, năm 1827 cho đúc 9 tượng và 3 chuông lớn. Thời vua Minh Mạng có một công chúa (con vua Gia Long) đến xin xuất gia. Tương truyền vua đã thiết lập du cung ở đây để nghỉ ngơi và tham quan thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.
Chánh điện thờ Phật Di Lặc bằng đồng lớn ngồi trên tòa sen, hai bên thờ tượng Quan Thánh và Bồ Tát. Chùa là nơi từng được quốc sư Hưng Liên trụ trì và đã truyền từ lúc khai sơn đến nay được 18 đời.
Chùa cũng là nơi có nhiều khách hàng hương thăm viếng, cầu Phật, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết.
Động Âm Phủ
Hệ thống hang động trong quần thể Ngũ Hành Sơn là cả một thế giới kỳ bí. Với sự kiến tạo độc đáo của thiên nhiên, động Âm Phủ được xem là một trong những hang động lớn và huyền bí nhất trong quần thể hang động ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Động Âm Phủ có tên từ thời vua Minh Mạng (đầu thế kỷ 19), khi nhà vua vi hành đến ngọn núi này. Theo thuyết âm dương, trong đời sống con người và vạn vật luôn tồn tại hai mặt đối lập: có ngày phải có đêm, có sinh phải có tử. Vì thế, trên ngọn Thủy Sơn có đường lên trời thì dưới chân có động xuống Âm Phủ. Trong động Âm Phủ có nhiều truyền thuyết vừa thực, vừa ảo. Thực ở đây là con người ai cũng có một lần sinh và một lần tử, còn ảo ở đây là sự phân xử của tạo hóa về cái thiện và cái ác của kiếp con người.
Bởi thế, trong động Âm Phủ được chia làm hai ngách, đó là ngách lên trời và ngách xuống âm phủ. Âm phủ là thế giới của người chết. Theo giáo lý của đạo Phật, chết không phải là hết mà là sự chuyển tiếp để đầu thai về cảnh giới khác. Người tích thiện nhiều sẽ được siêu thoát, kẻ gây nên tội ác sẽ bị đọa đày. Thiện và ác đến đây sẽ được phân minh. Theo định luật âm ty, con người trước khi chết, các linh hồn phải qua chiếc cầu Âm Dương trên sông Nại Hà định mệnh.
Động Huyền Không
Nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, Huyền Không là một trong những động đẹp nhất, huyền ảo nhất, có giá trị tâm linh to lớn nhất. Động Huyền Không là một động lộ thiên, vòm hình tròn, nền bằng phẳng, trên vòm có 5 lỗ thông ra bên ngoài, ánh sáng tràn vào đây tạo một không khí huyền bí lung linh cho hang động.
Có chu vi khoảng 25m, Huyền Không động được bài trí khá đa dạng, ngay bậc cấp bước xuống động, hai bên là tượng của các vị Thiện và Ác như nhắc nhở con người phải luôn thánh thiện, từ bi hướng đến cõi sắc không của Phật.
Trên cao nhất là tượng Phật Thích Ca, được làm vào năm 1960 bởi nghệ nhân Nguyễn Chất, người nổi tiếng ở làng đá mỹ nghệ Non Nước. Bên dưới là bàn thờ Phật Địa Tạng Vương Bồ Tát. Bên trái động có đền thờ bà Ngọc Phi (bà Chúa Tiên), là nơi du khách đến cầu tài, cầu lộc; đền thờ bà Lồi Phi (Chúa Thượng Ngàn) được du khách đến cầu nguyện về sức khỏe và sự bình an.
Sâu bên phải là đền Trang Nghiêm Tự cổ kính được xây dựng năm 1825, gồm ba gian. Gian chính thờ Phật Quan Âm, bên trái thờ 3 vị Thánh (gồm Quan Công, Quan Bình và Châu Xương) tượng trưng cho đức độ, trí dũng và lòng trung thành. Đặc biệt, gian bên phải thờ Ông Tơ, Bà Nguyệt, nơi các đôi trai gái đến cầu duyên, mong được Nguyệt Lão buộc sợi chỉ hồng trăm năm hạnh phúc.
Quanh vòm động có nhiều nhiễu đá bám vào vách tạo nên những hình thù lạ, đó là khuôn mặt ông già nhìn nghiêng, là hình con chim hạc hay đà điểu, hình hai đầu voi với chiếc vòi thả xuống, là con cò cùng chiếc mỏ dài nhọn ép vào vách động…
Động Vân Thông
Động Vân Thông nằm gọn trong lòng núi, hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có một tấm bia cổ, khắc 3 chữ “Ngũ Uẩn Sơn”, giữa động có một tượng Phật rất lớn. Sau lưng là đường đi lên động, càng vào sâu càng hẹp và hướng lên đỉnh núi, phải bám vào các tảng đá mới lên được. Cuối động là miệng thông ra ngoài to bằng cái nong (đường kính khoảng hơn 1m). Ánh sáng từ đỉnh dọi vào trong động, tạo ánh hào quang rực rỡ.
Ở động Quan Âm, nhiều thạch nhũ tạo ra những bức tượng Phật rất độc đáo, trong đó, khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế Âm Bồ Tát hoàn hảo, đẹp hơn bất cứ pho tượng nào do thợ điêu khắc tạc nên. Cuối động là hồ nước mát trong, lạnh ngọt quanh năm, được gọi là hồ nước Cam lồ. Trên những vách đá rêu phong, du khách đến đây còn có thể tìm thấy những bút tích đề thơ, vịnh cảnh của các thi nhân từ thời Trần, Lê…
Đặc biệt, đứng ở Vọng Giang Đài trên ngọn Thủy Sơn, có thể nhìn con sông Trường Giang chảy xanh biếc, phóng tầm mắt bao quát phong cảnh và khám phá những hang động nổi tiếng.
Ngũ Hành Sơn được ví như hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng. Cùng với Bà Nà, Sơn Trà, nơi đây được xem là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi đến với miền Trung trên hành trình khám phá các di sản thế giới./.