Sau rất nhiều thời gian chuẩn bị, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng sẽ chính thức được khởi công giai đoạn I vào ngày mai (15/1).
Dự án động lực
Giai đoạn I của Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ USD, được triển khai tại địa bàn xã Hải An và xã Hải Ba (huyện Hải Lăng, Quảng Trị).
Trước đó, trong ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Quảng Trị đã trao Quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư dự án trong giai đoạn I. Chủ đầu tư là liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T - Tổng công ty Năng lượng Hanwha (HEC) - Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS) - Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).
Theo quy hoạch, giai đoạn I của Dự án có quy mô 120 ha, bao gồm 2 hạng mục chính: Trung tâm Kho cảng LNG Hải Lăng có thể tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 đến 226.000 m3, tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm; Trung tâm Điện lực Hải Lăng giai đoạn I, công suất phát điện 1.500 MW.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I hoạt động theo mô hình chuỗi khép kín, quy mô dự án lớn, gồm nhiều hạng mục công trình khác nhau và sẽ được đưa vào vận hành thương mại năm 2026-2027.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Đây sẽ là dự án năng lượng trọng điểm của tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030. Đồng thời, đây là tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.
Đại diện nhà đầu tư, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn T&T cho biết, với việc áp dụng công nghệ tua-bin khí thế hệ mới có hiệu suất phát điện cao, Dự án sau khi vận hành có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết.
“Việc sử dụng nhiên liệu LNG sạch sẽ góp phần giảm thiểu tác động ảnh hưởng đến môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, bảo đảm các tiêu chí về môi trường theo các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Dự án sẽ được tổ hợp nhà đầu tư trong và ngoài nước tập trung mọi nguồn lực, bảo đảm vận hành thương mại vào năm 2026-2027”, ông Hiển nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn thành dự án
Trước đó, việc khởi công Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng tưởng như chậm lại khi Dự án gặp nhiều vướng mắc về các thủ tục liên quan. Tuy vậy, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã sâu sát, đồng hành cùng nhà đầu tư khi liên tục tổ chức các cuộc họp giữa các bên nhằm tìm phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Dự án có thể đủ điều kiện khởi công sớm.
Ông Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị khẳng định: “Tỉnh Quảng Trị xác định đây là dự án trọng điểm, làm động lực để thu hút các dự án khác, nên thời gian qua, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp thực hiện các bước theo những nội dung đã cam kết và hỗ trợ nhà đầu tư”.
Trước đó, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung vào Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) ngày 4/2/2021, tại Văn bản số 154/TTg-CN. Tuy nhiên, theo Dự thảo Quy hoạch Điện VIII mà Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 6277/TTr-BCT ngày 8/10/2021, Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I không được cập nhật tiến độ vận hành vào năm 2026 - 2027, mà đưa vào vận hành trong giai đoạn 2036 - 2040, còn giai đoạn II của Dự án sẽ vận hành vào giai đoạn 2041 - 2045.
Việc này dẫn đến nguy cơ kéo dài dự án và gây ra những khó khăn rất lớn cho liên danh nhà đầu tư trong quá trình thực hiện; cũng như mục tiêu xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Trước những vướng mắc trên, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã kiên quyết bảo vệ ý kiến về việc thực hiện Dự án theo Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Dự kiến đến năm 2026 - 2027, sản lượng tiêu thụ điện sẽ tăng cao so với hiện tại. Cùng với đó, dòng khí từ các mỏ Báo Vàng, Kèn Bầu cũng dự kiến đáp bờ tại Khu kinh tế Đông Nam. Do vậy, tỉnh kiên quyết bảo vệ Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng giai đoạn I theo Quy hoạch Điện VII đã được phê duyệt”.
Tại Quảng Trị, Tập đoàn T&T đang là chủ đầu tư Dự án Khu dịch vụ - du lịch Gio Hải (huyện Gio Linh), tổng vốn đầu tư 4.470,65 tỷ đồng, diện tích đất 21,926 ha. Cùng với đó, Tập đoàn T&T tiếp tục nghiên cứu đầu tư dự án tổ hợp du lịch - dịch vụ - đô thị và sân golf tại khu vực xung quanh hồ Nghĩa Hy, thuộc khu vực xã Cam Thành và thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ), với quy mô đề xuất 614 ha, trong đó, quy mô sân golf khoảng 300 ha. |