Số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN cho thấy, giấy đã qua sử dụng chiếm tới 70% tổng lượng nguyên liệu sản xuất giấy. Giấy thu hồi là một nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành giấy và việc xây dựng phương án chủ động về nguyên liệu cho ngành giấy là việc làm cấp thiết.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN, mỗi năm toàn ngành phải dùng tới 70 % nguyên liệu giấy phế liệu để sản xuất, 50% trong số đó phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, giấy thu hồi nhập khẩu về Việt Nam được coi là phế liệu, nên thủ tục nhập khẩu rất nhiêu khê.
Đơn cử, tại công văn 6037/TCHQ -GSQL ngày 1/7/2015, Tổng cục Hải quan đã yêu cầu “Tăng cường kiểm tra chặt chẽ các lô hàng phế liệu nhập khẩu để kịp thời phát hiện những trường hợp phế liệu nhập khẩu không đúng với quy định, không đảm bảo các yêu cầu, điều kiện về bảo vệ môi trường; đồng thời thực hiện kiểm tra thực tế 100% các lô hàng phế liệu nhập khẩu, việc kiểm tra thực tế hàng hóa được thực hiện tại hải quan cửa khẩu nhập khẩu, không được chuyển về nhà máy, cơ sở sản xuất để kiểm tra”. Hệ lụy là, hiện có hàng ngàn tấn giấy nguyên liệu vẫn còn ách tắc tại các cảng.
Không chỉ chậm chễ, mất thời gian của doanh nghiệp trong việc thực hiện kiểm tra các lô hàng, các doanh nghiệp sản xuất giấy còn phải ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu. Theo quy định này, nếu đơn vị có sản lượng thấp nhất mỗi tháng nhập khoảng 1.000 tấn giấy đã qua sử dụng phải ký quỹ tới 800 triệu đồng/tháng; thậm chí có doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, khoảng 2.500 tấn/tháng thì phải ký quỹ tới 2 tỉ đồng…
Theo ý kiến của một số chuyên gia trong ngành, chính những vướng mắc này đã làm cho các nhà sản xuất giấy trong nước luôn thua các nhà sản xuất giấy nước ngoài. Doanh nghiệp trong nước bên cạnh việc phải lo cạnh tranh với sản phẩm giấy nhập khẩu, còn lo xử lý các khó khăn về thủ tục trong nước. Các chuyên gia cũng cho rằng, xây dựng phương án chủ động về nguyên liệu cho ngành giấy là việc làm cấp thiết. Giấy thu hồi được đánh giá là một nguồn nguyên liệu quan trọng của ngành giấy và nguồn nguyên liệu này cần được đặt đúng vị trí để phát huy ưu thế của nó.
Theo ông Vũ Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội Giấy và Bột Giấy Việt Nam, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giấy nói chung và các doanh nghiệp nhập khẩu giấy đã qua sử dụng nói riêng. Điển hình như sử dụng từ “ giấy thu hồi” thay cho “giấy phế liệu” để phát huy thế mạnh của loại nguyên liệu này, bởi thực tế hiện nay, trên thế giới, rất nhiều quốc gia có nền công nghiệp giấy phát triển vẫn đang sử dụng triệt để và có hiệu quả cao nguồn nguyên liệu này.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giảm thuế GTGT cho các loại giấy sử dụng nguyên liệu giấy thu hồi, đồng thời giảm ký quỹ từ 20% xuống 5% đối với các lô hàng nhập khẩu giấy thu hồi.
(theo DĐDN)