Với vai trò đầu mối quản lý tại địa bàn Khu kinh tế cửa khẩu (KKKCK) Ma Lù Thàng, Ban quản lý (BQL) KKT đã tham mưu thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp (DN) hoạt động. Ông Bùi Duy Thời, Phó Trưởng BQL KKTCK Ma Lù Thàng có buổi trao đổi về vấn đề này.
Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện các chỉ tiêu nổi bật của KKTCK Ma Lù Thàng và hoạt động của Ban trong năm 2017?
Trong những năm gần đây, các hoạt động trong KKTCK Ma Lù Thàng có nhiều chuyển biến tích cực. Các chỉ tiêu cơ bản về kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách, số lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh đều tăng đáng kể.
Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 205,99 triệu USD; thu ngân sách 52,7 tỷ đồng; số người xuất nhập cảnh 132.957 lượt. Điển hình trong 10 tháng đầu năm 2017, Ban đã đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 378,5 triệu USD (dự kiến cả năm 452 triệu USD, vượt 57% kế hoạch năm 2017, tăng 120% so năm 2016); thu ngân sách 56,5 tỷ đồng (ước cả năm đạt 67 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch giao năm 2017, tăng 27% so năm 2016); số người xuất nhập cảnh đạt 134.546 lượt (ước cả năm đạt 160.000 lượt, vượt 33% kế hoạch giao, tăng 20% so năm 2016).
Bên cạnh đó là việc tăng cường các hoạt động đối nội, đối ngoại như: Tổ chức thành công Hội đàm lần thứ 2 giữa các lực lượng liên ngành hai bên cửa khẩu Ma Lù Thàng (Việt Nam)-Kim Thủy Hà (Trung Quốc); tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và các huyện, thành phố thực hiện tốt kế hoạch phục vụ giao lưu quốc phòng lần thứ tư tổ chức tại Lai Châu… và đón tiếp nhiều đoàn khách đến thăm, làm việc tại cửa khẩu.
Ngoài ra, Ban còn chỉ đạo các lực lượng liên ngành thực hiện tốt công tác phối hợp và giữ gìn an ninh trật tự, an toàn trong khu vực, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Ông nhận định gì về tình hình hoạt động của DN tại KKTCK Ma Lù Thàng trong những năm gần đây?
KKTCK có 118 DN đang hoạt động, trong đó có 58 DN tại các lối mở, cửa khẩu phụ và 60 DN tại cửa khẩu chính, chủ yếu kinh doanh hàng hóa tạm nhập, tái xuất như: đường trắng, các loại quả, hạt, thực phẩm đông lạnh… Các DN kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa hầu hết đăng ký kinh doanh và có trụ sở tại các địa phương khác nên không có sự đầu tư ổn định, lâu dài tại cửa khẩu. Còn các DN địa phương chủ yếu phát triển về lĩnh vực dịch vụ hải quan, kho, bãi, vận tải hàng hóa; một số hoạt động xuất nhập khẩu nông sản nhưng lượng hàng hóa ít, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Các DN hoạt động trong KKTCK còn chưa có sự phối kết hợp tốt. Nhìn chung hoạt động của DN còn phụ thuộc vào chính sách biên mậu phía Trung Quốc. Một số DN mạnh dạn đầu tư đi tiên phong trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, bến bãi như DNTN Xuân Tính, Công ty TNHH MTV Thảo Lan, Công ty TNHH MTV Khánh Bảo Lai Châu.
Một vài chia sẻ của ông về việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tại KKTCK Ma Lù Thàng và hạ tầng kết nối Khu với bên ngoài trong giai đoạn hiện nay?
Cơ sở hạ tầng tại CK Ma Lù Thàng chủ yếu được đầu tư trong giai đoạn 2005-2011 nên hiện có một số công trình bắt đầu xuống cấp, nhất là hệ thống giao thông nội bộ, kho, bãi… Một số tuyến đường kết nối đến cửa khẩu như Quốc lộ 4D, Quốc lộ 12, đường dẫn đến các lối mở biên giới cũng hư hỏng, gây khó khăn cho việc vận chuyển hàng hóa.
Để thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu và thu hút các DN vào đầu tư tại Khu, Ban đã chủ động đề xuất UBND tỉnh quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong KKT; tham mưu danh mục các dự án đầu tư công trung hạn 2016 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời tăng cường công tác thu hút DN đầu tư hệ thống hạ tầng kho, bãi, dịch vụ.
Trong KKTCK hiện có 27 DN đã được thuê đất để thực hiện đầu tư xây dựng 34 dự án (chủ yếu là các dự án kho, bãi có quy mô nhỏ, dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, văn phòng đại diện...) với tổng vốn đăng ký 190 tỷ đồng.
Ông đánh giá thế nào về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của BQL KKT CK trong những năm qua?
Công tác cải cách TTHC được tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động và đầu tư kinh doanh trong KKTCK.
Điển hình, ngày 08/7/2016, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định số 846/QĐ-UBND về việc công bố TTHC ban hành mới; sửa đổi, bổ sung; bãi bỏ, hủy bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của BQL. Việc thực hiện quyết định trên đã tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong thực hiện nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh để giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Quyết định trên cũng đã giảm bớt 22 TTHC; rút ngắn thời gian giải quyết giữa các cơ quan chuyên môn; tạo thuận lợi trong việc giải quyết các hồ sơ cho tổ chức, cá nhân.