Với việc Khu kinh tế Nam Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước giai đoạn 2016-2020, cộng thêm việc thế cô lập của tỉnh Phú Yên được phá bỏ qua 2 dự án hầm đường bộ Đèo Cả và Đèo Cù Mông, có thể nói, Khu kinh tế Nam Phú Yên đang đứng trước vận hội mới để có thể bứt phá.
Đột phá về hướng Đông
Ngay từ khi thành lập, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là các ngành công nghiệp chọn lọc, hoá dầu và các ngành công nghiệp sau dầu; là trung tâm công nghiệp và dịch vụ mang tính đột phá phát triển kinh tế - xã hội của Phú Yên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị văn minh hiện đại, tạo điều kiện tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh và khu vực lân cận.
Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phú Yên, tính đến hết năm 2015, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã thu hút luỹ kế được 22 dự án, với tổng vốn đăng ký 2.166,78 tỷ đồng và 3,19 triệu USD. Hoạt động của các dự án trong Khu kinh tế chiếm tỷ trọng đáng kể sản lượng công nghiệp của tỉnh.
Cảng Vũng Rô là một trong những công trình hạ tầng kỹ thuật quy mô của Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã và đang chứng tỏ vai trò quan trọng của mình đối với nền kinh tế toàn tỉnh. Với quyết tâm biến Khu kinh tế trở thành động lực phát triển kinh tế, tỉnh Phú Yên đã ưu tiên thực hiện đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng thiết yếu, nhằm tạo đột phá cho việc mời gọi nhà đầu tư vào tỉnh.
Trước hết, ngày 9/9/2014, Công ty Lọc dầu Vũng Rô đã tiến hành động thổ xây dựng cảng Bãi Gốc nằm ở phía Đông của Khu kinh tế Nam Phú Yên (tại xã Hoà Tâm, huyện Đông Hòa), là hạng mục đầu tiên trong Dự án Lọc hoá dầu Vũng Rô, có diện tích 134 ha mặt đất và 1.500 ha mặt nước. Sự kiện này đã đánh dấu cột mốc quan trọng với sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên nói riêng, tỉnh Phú Yên nói chung. Từ dự án này, Phú Yên kỳ vọng sẽ tạo ra sức hút đầu tư cho các ngành công nghiệp phụ trợ.
Sau khi hoàn thành, cảng Bãi Gốc sẽ trở thành cảng chuyên dụng lọc hoá dầu kết hợp cảng hàng tổng hợp, cảng hàng rời khô, cảng container và các bến dịch vụ phục vụ chung cho cả Khu kinh tế Nam Phú Yên. Theo thiết kế, cảng Bãi Gốc sẽ được chia thành 2 loại cảng, trong đó cảng dầu có khả năng tiếp nhận các loại tàu dầu khoảng 300.000 DWT; cảng tổng hợp có thể tiếp nhận tàu từ 50.000 đến 80.000 DWT.
“Cô gái xuân thì”
Cũng trong năm 2015, một sự kiện quan trọng tác động không nhỏ đến sự phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên, đó chính là việc Thủ tướng Chính phủ đã chọn khu kinh tế này trở thành một trong 8 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách trong giai đoạn 2016 - 2020. Điều này chứng tỏ sự kỳ vọng không nhỏ của Chính phủ vào vai trò của Khu kinh tế đối với sự phát triển của không chỉ riêng tỉnh Phú Yên, mà còn với cả khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ.
Có thể nói, tỉnh Phú Yên đã kỳ vọng rất nhiều khi xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên. Ngay từ đầu, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đã được xem là nhiệm vụ quan trọng nhất để biến khu kinh tế này trở thành “cô gái xuân thì” trong mắt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Với những tiềm năng, lợi thế về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến và đặc biệt là lĩnh vực du lịch, với những thắng cảnh nên thơ như vịnh Vũng Rô, Bãi Môn, Mũi Điện…, làm gì để có thể khai thác được các thế mạnh này của toàn bộ khu vực Nam Phú Yên, đó là một câu hỏi lớn được đặt ra khi tỉnh Phú Yên quy hoạch xây dựng Khu kinh tế. Lời giải đó chính là công trình tuyến đường ven biển nối dài từ đường Hùng Vương (TP. Tuy Hòa) đến vịnh Vũng Rô.
Lúc bấy giờ, mặc dù ngân sách còn eo hẹp, chỉ hơn 1.300 tỷ đồng/ năm, nhưng với ý nghĩa chiến lược của tuyến đường này đối với sự phát triển lâu dài của Khu kinh tế, tỉnh Phú Yên đã mạnh dạn đầu tư dự án. Đúng như tính toán, con đường này sau khi hoàn thành với chiều dài hơn 15 km đã thức tỉnh tiềm năng du lịch của khu vực Nam Phú Yên, kết nối các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế.
Mở cửa từ… trên cao
Cùng với tuyến đường giao thông dọc ven biển, việc chính thức vận hành công trình Nhà ga mới Sân bay Tuy Hoà (nằm ở phía Đông Sân bay Tuy Hòa, ngay trên trục đường ven biển, cách TP. Tuy Hòa 5 km, tổng kinh phí đầu tư 353 tỷ đồng) vào tháng 9/2013 cũng góp phần không nhỏ tạo đột phá trong thu hút đầu tư, khai phá tiềm năng, lợi thế của ngành du lịch tỉnh. Công trình mới này có tổng diện tích hơn 5.000 m², công suất phục vụ đạt 550.000 đến 1 triệu khách/ năm, đủ năng lực phục vụ 350 hành khách và 2 tàu bay tương đương A312/giờ cao điểm, thậm chí có thể dùng cho máy bay Airbus A330, Boeing 777…
Ông Nguyễn Chí Hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá, Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa, trong đó có hạng mục nhà ga, là bước ngoặt lớn cho địa phương. Điều này sẽ góp phần đáng kể đưa du lịch nói riêng và kinh tế Phú Yên nói chung bứt phá trong thời gian tới. “Trước đây, nhiều du khách rất muốn đến Phú Yên, nhưng do đi lại khó khăn, chi phí cao, nên du khách e ngại. Phú Yên tin rằng, khi Sân bay Tuy Hòa hoàn thiện sẽ là động lực cho du lịch Phú Yên phát triển”, ông Hiến cho biết.
Ông Trình Quang Bảo, Phó tổng giám đốc Khu nghỉ dưỡng Sao Việt cho rằng, hạ tầng giao thông là nút thắt của ngành du lịch và Dự án Nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa chính là một công trình quan trọng giúp khách du lịch ở hai đầu Hà Nội, TP.HCM có thể chọn Phú Yên trở thành điểm đến tham quan nghỉ dưỡng.
“Nhà ga mới Sân bay Tuy Hòa tọa lạc ngay trên tuyến đường ven biển của Phú Yên sẽ giúp du khách và cả nhà đầu tư có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Phú Yên khi vừa xuống sân bay. Trong tương lai không xa, những địa danh du lịch nổi tiếng trải đều trên tuyến đường này sẽ dần khẳng định tên tuổi trên bản đồ địa danh du lịch Việt Nam”, ông Bảo đánh giá.
Uông Ngọc / baodautu.vn