Dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025 Khu Kinh Tế Nghi Sơn sẽ thu hút đầu tư mới đạt 17 tỷ USD đầu tư nước ngoài và 250.000 tỷ đồng đầu tư trong nước.
Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự ủng hộ giúp đỡ của Chính phủ cùng các bộ, ngành Trung ương, trong 5 năm qua, Khu kinh tế Nghi Sơn đã đạt được những kết quả ấn tượng, tạo tiền đề cơ bản trở thành Trung tâm đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ ven biển đồng bộ, hiện đại, trọng điểm của cả nước, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư.
Toàn cảnh Khu Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Những kết quả ấn tượng trong giai đoạn 2016 - 2020
Ngày 7/12/2018, tại Quyết định số 1699/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn (KKT) đến năm 2035, tầm nhìn 2050 với tổng diện tích 106.000 ha (gồm 66.497,57 ha đất liền và đảo, 39.502,43 ha mặt nước biển).
Trong 5 năm (2016 - 2020), giá trị sản xuất công nghiệp - thương mại dịch vụ Khu kinh tế Nghi Sơn đạt 412.838 tỷ đồng (99,6%), sản xuất công nghiệp đạt 392.651 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 20.187 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu đạt 4.024 triệu USD (vượt 11,1%). Thu ngân sách đạt 50.428 tỷ đồng (63,8%). Giải quyết việc làm cho 31.000 lao động.
Ngay sau có khi Quyết định mở rộng của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn cùng các đơn vị lập quy hoạch các phân khu chức năng. Theo đó, KKT Nghi Sơn được chia thành 55 phân khu quy hoạch.
Cụ thể, Phân khu cảng biển (741,2 ha) đã lựa chọn được nhà thầu tư vấn và đang triển khai lập quy hoạch. Trong 25 phân khu công nghiệp (9.057,9 ha), 8 phân khu đã giao cho các nhà đầu tư Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Xi măng Nghi Sơn, Gang thép Nghi Sơn, Nhiệt điện Nghi Sơn, Xi măng Đại Dương, Xi măng Công Thanh... 5 phân khu đã được duyệt từ giai đoạn trước và 6 phân khu đang triển khai đầu tư.
Trong 17 phân khu đô thị (6.012,7 ha), 3 phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt từ giai đoạn trước, 5 phân khu đang triển khai đầu tư. Trong 9 phân khu sinh thái ( 6.665,9 ha), 2 phân khu đã hoàn thành là ST-06 (Hồ Khe Nhòi) và ST-09 (Đảo Mê), phân khu ST-04 (Hồ Quế Sơn) đã có nhà đầu tư và phân khu ST-02 (Sông Bạng) đang triển khai.
Tổng vốn ngân sách bố trí cho đầu tư phát triển hạ tầng KKT giai đoạn 2016 - 2020 là trên 13.000 tỷ đồng. Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN được giao 3.114 tỷ đồng đầu tư 17 dự án chuyển tiếp và 12 dự án mới. Đến nay đã hoàn thành 17 dự án, đưa tổng dự án vào khai thác là 60 dự án. Cùng với đó, nguồn đầu tư ngoài ngân sách đã thu hút được 23 dự án, tổng vốn đăng ký là 12.396 tỷ đồng.
Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư đặc biệt, cơ bản đã đảm bảo kết nối giữa các phân khu chức năng trong KKT với hệ thống giao thông vùng, quốc gia. Trong đó đã hoàn thành dự án đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn; đường ven biển nối đường 513 với đường ven biển tỉnh Nghệ An; đường Yên Cát - Thanh Quân cùng một số tuyến trên địa bàn thị xã Nghi Sơn và các huyện.
Đang triển khai đường ven biển từ Đại lộ Nam Sông Mã đến đường Bắc Nam 2 - KKT Nghi Sơn; từ đường 513 nối với đường ven biển Nghệ An; nâng cấp Quốc lộ 15 và phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải triển khai tuyến đường cao tốc Bắc - Nam.
KKT Nghi Sơn đã hình thành và khai thác tuyến container quốc tế do Tập đoàn CMA CGM (Pháp) triển khai. Đến tháng 12/2020 đã có 66 chuyến tàu cập cảng, tổng lượng hàng là 17.226 TEU, tăng thu ngân sách khoảng 800 tỷ đồng.
Đưa vào hoạt động 5 bến tổng hợp của Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn. Đang triển khai đầu tư 6 bến dự kiến hoàn thành năm 2021, chấp thuận đầu tư 10 bến container của Công ty TNHH Long Sơn, Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn và Tập đoàn Lee&Man.
18 bến và khu bến chuyên dụng trong đó Lọc hóa dầu Nghi Sơn 8 bến, Xi măng Nghi Sơn 1 bến nhô và Nhiệt điện Nghi Sơn 1 (2 bến) đang khai thác. Đang triển khai Khu phát triển Gas &LNG; hệ thống kho xăng dầu ngoại quan và nội địa; 3 bến cảng chuyên dụng của Nhiệt điện Nghi Sơn 2. Đã chấp thuận đầu tư bến cảng phục vụ kho LPG và kho nhựa đường lỏng.
Đưa vào khai thác 2 khu neo đậu tiếp nhận tàu trên 80.000 DWT và 2 khu neo đậu phục vụ Nhiệt điện Nghi Sơn 2 tiếp nhận tàu đến 210.000 DWT. Về logistics, đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Long Sơn và Công ty cổ phần Gang thép Nghi Sơn đầu tư khu dịch vụ hậu cần cảng.
Đã hoàn thành đầu tư hệ thống cấp nước do Công ty Anh Phát thực hiện, công suất nước thô 90.000 m3/ngày đêm, nước sạch 30.000 m3/ngày đêm và Nhà máy nước sạch 90.000 m3/ngày đêm do Công ty Bình Minh đầu tư. Hoàn thành giai đoạn I, Nhà máy xử lý rác thải Nghi Sơn, công suất 250 tấn/ngày.
Hạ tầng cấp điện KKT được đầu tư theo quy hoạch của ngành điện với hàng chục dự án, hạ tầng viễn thông với 1.907 km cáp viễn thông, 38 trạm chuyển mạch điện thoại cố định, 170 trạm truy cập Internet băng thông rộng... đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của toàn KKT.
Công tác xúc tiến đầu tư luôn đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ nhà đầu tư. Hơn 190 nhà đầu tư của nhiều quốc gia như Hyosung (Hàn Quốc), PEC (Singapore), Foxconn, ExxonMobil, INTCO, Millennium Ennergy đến tìm hiểu đầu tư. Kết quả, đã thu hút mới 106 dự án (91 dự án đầu tư trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký 40.792 tỷ đồng và 3.082 triệu USD.
Về phát triển công nghiệp, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động và đã xuất lô sản phẩm đầu tiên. KKT Nghi Sơn đã sản xuất một số sản phẩm mới như: dầu ăn và sản phẩm chiết xuất từ dầu ăn, phôi thép và thép cán, bao bì nhựa, viên nén năng lượng, FeroSilicon, FeroMangan... Một số dự án công nghiệp lớn đang triển khai như Nhiệt điện Nghi Sơn 2, Chế biến gỗ Đại Dương, Xi măng Đại Dương...
Về phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch, ngày 22/4/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Nghi Sơn. Hiện đã có 33 dự án dịch vụ du lịch tổng vốn 9.998 tỷ đồng. Nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng lớn đã mở chi nhánh và văn phòng giao dịch tại KKT Nghi Sơn.
Quy hoạch chung Khu kinh tế Nghi Sơn
Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư
Xây dựng và phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị - công nghiệp và dịch vụ ven biển đồng bộ, hiện đại, trọng điểm của cả nước; là trung tâm kinh tế động lực phía Nam, góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, trọng tâm là công nghiệp năng lượng và chế biến chế tạo như lọc hóa dầu, luyện cán thép cao cấp, cơ khí chế tạo, điện, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến hàng xuất khẩu… gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn, hình thành các sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, các loại hình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới.
Để hoàn thành mục tiêu chiến lược trên, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa đã xây dựng chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận tại hội nghị của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa góp ý kiến vào Chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp giai đoạn 2021-2025, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng khẳng định, đây là chương trình rất lớn, một trong 6 chương trình trọng tâm tạo ra sự đột phá mới của tỉnh.
Đồng chí Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: “Nội dung chương trình phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp cần phải quan tâm đến công tác xúc tiến đầu tư; tổ chức bộ máy và cải cách hành chính, nguồn nhân lực, các nguồn lực, huy động từ các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, chương trình phải tỏ rõ với các nhà đầu tư là, tỉnh Thanh Hóa sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có tâm huyết vào đầu tư xây dựng phát triển KKT Nghi Sơn, các KCN cũng như công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GRDP 11% trở lên mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh đã đề ra”.