Năm 2016, tỉnh Lâm Đồng dành tới một nửa nguồn kinh phí khuyến công thực hiện mô hình hỗ trợ vốn có thu hồi. Đây cũng được xác định là nội dung trọng tâm của khuyến công Lâm Đồng trong những năm tiếp theo.
Hỗ trợ vốn có thu hồi góp phần giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp
Khẳng định hiệu quả
Hỗ trợ có thu hồi là mô hình được khuyến công Lâm Đồng triển khai nhiều năm qua, nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đầu tư mới cho phát triển sản xuất. Mức hỗ trợ được căn cứ trên tổng đầu tư của đề án, nội dung và hạng mục chủ yếu là xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị. Trong thời gian tối thiểu 3 năm, tối đa 5 năm, doanh nghiệp phải hoàn trả toàn bộ kinh phí được hỗ trợ cho chương trình khuyến công.
Mô hình hỗ trợ này có ưu điểm lớn là nâng được nguồn kinh phí cho mỗi đề án, thời gian hỗ trợ dài đã góp phần giải quyết khó khăn về vốn trong việc đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, thông qua hình thức hỗ trợ có thu hồi, kinh phí hoạt động khuyến công hàng năm của Lâm Đồng không những được bảo toàn mà còn được bổ sung đáng kể.
Tại Hội nghị công tác khuyến công 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - nhấn mạnh: Lâm Đồng đang thực hiện rất tốt mô hình hỗ trợ có thu hồi vốn, đề nghị tiếp tục tập trung đẩy mạnh mô hình này. Các địa phương trong khu vực cũng học hỏi kinh nghiệm, áp dụng linh hoạt với tình hình địa phương nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động khuyến công.
Tiếp tục dành nguồn lực
Năm 2016, khuyến công Lâm Đồng được phê duyệt kinh phí 9,6 tỷ đồng, trong đó riêng kinh phí thu hồi từ các đề án khuyến công là 5,16 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ.
Ông Cao Xuân Khản - Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh Lâm Đồng - khẳng định: Mô hình hỗ trợ có thu hồi đã phát huy hiệu quả. Trong thời gian tới, khuyến công Lâm Đồng sẽ tiếp tục dành phần lớn nguồn kinh phí để thực hiện mô hình này. Hình thức hỗ trợ không thu hồi chỉ áp dụng cho một số nội dung như: Hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia hội chợ, triển lãm; đào tạo nghề; đào tạo khởi sự doanh nghiệp…Tuy nhiên, theo ông Khản, sau nhiều năm triển khai, nội dung của một số văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công không còn phù hợp với thực tế.
Cụ thể, Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương không quy định mức chi cụ thể cho nội dung hỗ trợ tổ chức, tham gia hội chợ, triển lãm trong nước, rất khó cho các địa phương trong quá trình triển khai. Để thực hiện Lâm Đồng đã phải đưa nội dung này vào mục chi chung cho hoạt động khuyến công. Mức chi cho cơ quan quản lý khuyến công tối đa 1,5% tổng kinh phí thực hiện đối với nhiều nội dung như: Xây dựng kế hoạch, đề án, giám sát, nghiệm thu… là quá thấp. Hay chi cho bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực không quá 100 triệu đồng/lần, cấp quốc gia không quá 200 triệu đồng/lần cũng thấp. Vì vậy, ông Khản đề xuất: Tăng mức chi cho bình chọn cấp khu vực lên 200 triệu đồng/lần, cấp quốc gia 300 triệu đồng/lần. Nâng mức chi cho cơ quan quản lý khuyến công lên 2,5% tổng kinh phí hàng năm.
Trước những đề xuất trên, ông Ngô Quang Trung - Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - cho biết: Cục đã đăng ký sửa đổi Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT/BTC-BCT về hướng dẫn trình tự lập, quản lý, sử dụng kinh phí khuyến công quốc gia và kinh phí khuyến công địa phương; Thông tư số 36/2013/TT-BCT về việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và quản lý kinh phí khuyến công quốc gia. Theo đó, Cục sẽ điều chỉnh về quy trình, thời gian xây dựng kế hoạch, phê duyệt đề án, mức chi hỗ trợ cho phù hợp với thực tế, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai nội dung khuyến công.
6 tháng đầu năm 2016, Lâm Đồng đã giải ngân tạm ứng và thanh toán 4,575 tỷ đồng/8,4 tỷ đồng kinh phí khuyến công địa phương, đạt 54,5%; hoàn thành 4/6 đề án khuyến công quốc gia, đạt 66,6% kế hoạch. |