Một trong những nội dung của Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch đang được xây dựng là Chính phủ sẽ rót 200 - 300 tỷ đồng trong 3 năm đầu thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch.
So sánh giá với sản phẩm du lịch của các nước trong khu vực, Việt Nam hiện kém cạnh tranh hơn. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet |
Vốn mồi
Trước thông tin này, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) tỏ ra khá hào hứng: “Đây sẽ là vốn mồi cho xúc tiến du lịch. Điều này cũng phù hợp thông lệ quốc tế, hầu hết các nước hỗ trợ vốn mồi ban đầu, giúp quỹ xúc tiến vận hành. Qua cam kết của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ thấy Chính phủ quan tâm, ủng hộ xúc tiến, từ đó mới kêu gọi được sự sẵn sàng tham gia của doanh nghiệp trong việc thu hút nguồn lực vào quỹ này. Tôi tin, không chỉ là 200 - 300 tỷ đồng, mà số tiền có được từ quỹ có thể lên tới 400 tỷ đồng, hoặc hơn nếu có sự vào cuộc của doanh nghiệp”.
Cần phải nói thêm, trước khi có dự thảo này, ông Chính đã thay mặt các thành viên của TAB đưa ra cam kết tới cuối năm nay sẽ huy động khoảng 70 tỷ đồng cho hoạt động xúc tiến du lịch, với mục tiêu nâng tầm du lịch Việt Nam.
Tuy vậy, câu chuyện cần bàn tới không phải tiền của doanh nghiệp hay của Nhà nước, mà là làm sao để hoạt động xúc tiến thực sự hiệu quả, tránh hình thức.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: “Quỹ chỉ có thể phát triển bền vững khi huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội hóa. Điều này chỉ làm được khi mọi chi phí cho hoạt động xúc tiến phải công khai, minh bạch”.
Ông Bình lấy ví dụ, kinh phí tổ chức Hội chợ du lịch VITM hàng năm hoàn toàn được huy động từ xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng doanh nghiệp tham gia rất đông vì họ thấy có lợi.
“Bài học là muốn đẩy mạnh xã hội hóa thì trách nhiệm mỗi bên phải rõ ràng, phân vai rõ ràng, từ đó hợp tác sẽ mang lại lợi ích to lớn”, ông Bình nói.
Khi được hỏi, nếu đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, doanh nghiệp sẽ quan tâm tới vấn đề gì nhất, ông Võ Văn Tài, Phó giám đốc Công ty Du lịch Saigontourist khẳng định: “Khi doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển chung, thì vấn đề doanh nghiệp quan tâm là hiệu quả mang lại từ chương trình hợp tác này thế nào với ngành du lịch và với doanh nghiệp, từ đó, doanh nghiệp mới có động lực”.
Quan trọng là hiệu quả
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết, điều họ quan tâm là những bước đi cụ thể cho hoạt động xúc tiến du lịch sẽ được thực hiện thế nào cho hiệu quả.
Ông Võ Văn Tài đặt câu hỏi: “Nếu coi du lịch Việt Nam là một mặt hàng, đặt chung một kệ hàng với các sản phẩm khác của các nước trong khu vực, thì đâu là điểm nổi trội của mặt hàng đó?”.
Thực tế, nếu so sánh giá với sản phẩm du lịch của các nước trong khu vực, rõ ràng Việt Nam kém cạnh tranh hơn.
Nguyên nhân, theo nhiều doanh nghiệp du lịch, là do sản phẩm nối tuyến của Việt Nam không có nhiều, thủ tục nhiều rườm rà và không có nhiều đường bay thẳng từ Việt Nam tới các nước khác, khiến việc quá cảnh không chỉ làm mất thời gian của khách, mà còn đẩy giá tour cao hơn, trong khi mức cạnh tranh về du lịch của Việt Nam so với các nước trong khu vực không bằng.
“Công tác xúc tiến du lịch của Việt Nam, theo tôi, dường như mới dừng lại ở thiết kế lô-gô Vietnam Timeless Charm, còn kế hoạch hành động cụ thể thì chưa rõ”, ông Tài nhận xét.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel cho rằng: “Các nước trong khu vực Đông Nam Á gần giống nhau về tài nguyên du lịch. Chúng ta có biển đảo, các nước khác cũng có. Vấn đề khác nhau là văn hóa và ẩm thực. Không thể nói là nổi trội, nhưng du lịch Việt Nam có sự khác biệt, khai thác khác biệt chính là chìa khóa cho công tác xúc tiến. Tuy nhiên, trong hai yếu tố này thì văn hóa mới bước đầu được khai thác, trong khi quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới hầu như chưa có”.
Theo ông Duy, khi nguồn lực không nhiều, Vietravel đang phải tự làm bằng cách thông qua các đơn vị, địa phương, cập nhật sản phẩm, sự kiện mới cho các đối tác nước ngoài, hay phối hợp với đại sứ quán Việt Nam tổ chức sự kiện Vietnamlives ở một số quốc gia mà doanh nghiệp hướng tới xúc tiến như Ấn Độ, UAE, Nhật Bản… nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch, để từ đó các đối tác có cơ sở đưa khách vào Việt Nam.
“Chúng tôi thậm chí còn phối hợp với một số bên liên quan để mở đường bay trực tiếp với mục đích đưa khách đến Việt Nam”, ông Duy nói.
Một trong những đường bay mà doanh nghiệp này mở để phục vụ nhu cầu của khách du lịch gần đây nhất có thể kể tới là đường bay thẳng từ Bangkok tới các địa phương của Việt Nam như Cần Thơ, Huế, Vinh, Thanh Hóa.
Đây cũng là những bằng chứng rõ nét cho thấy, để có bước đi hiệu quả trong xúc tiến, quảng bá du lịch thì tiền mới là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Quan trọng hơn là phải có một kế hoạch bài bản, chi tiết, nhấn mạnh trọng tâm định xúc tiến là những sản phẩm gì.
Hải Hà / baodautu