Khu du lịch Tam Đảo nằm trên dãy núi Tam Đảo ở độ cao trên 900 m so với mực nước biển. Cách thủ đô Hà Nội khoảng 80 km bao gồm 50 km theo quốc lộ 2 và khoảng 24 km theo đường quốc lộ 2B trong đó có 13 km đường đèo. Nằm ở phía Bắc huyện Tam Đảo, khu du lịch Tam Đảo được bao bọc bởi rừng nguyên sinh Quốc gia Tam Đảo, có khí hậu trong sạch, mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 18°C. Là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… Từ lâu đây đã là khu nghỉ mát nổi tiếng trong nước, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách trong nước và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng, nghiên cứu. Nhiều nhóm các bạn trẻ cũng lựa chọn phượt Tam Đảo cho hành trình vui chơi mỗi dịp cuối tuần.
Vườn quốc gia Tam Đảo Đảo đang có dấu hiệu bị tàn phá bởi một dự án xây khu nghỉ dưỡng cao cấp giữa vùng lõi của vườn quốc gia. Một khi dự án này triển khai thì hệ sinh thái ở đây sẽ bị thay đổi gây nguy hại tới cảnh quan môi trường một cách nghiêm trọng.
Cây rừng nguyên sinh bị chặt hạ, một con đường lớn sẽ chia cắt vườn thành hai khu vực tách biệt khiến ho nguồn nước và các hệ động vật bị cản trở đi lại. Đó là còn chưa thể đánh giá được sự thiếu hụt và ô nhiễm nguồn nước của hơn 200,000 dân sống xung quanh vườn quốc gia Tam Đảo.
Tam Đảo nhìn từ trên cao (Ảnh – Cùng Phượt)
Thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo có tổng diện tích tự nhiên là 214,85ha. Dân số là 693 nhân khẩu với 259 hộ chia làm 02 thôn: Thôn 1 và thôn 2; Khu du lịch Tam Đảo nằm chủ yếu tại thôn 1 và 1 phần của thôn 2.…
Khu du lịch Tam Ðảo được người Pháp phát hiện và xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 19. Ðến năm 1940, Tam Ðảo đã là một “đô thị” trên núi cao với 145 tòa nhà, biệt thự cao cấp, lộng lẫy; trong số này có tới 60 biệt thự với kiến trúc theo nhiều kiểu cách khác nhau. Nay những tòa biệt thự ngày xưa chỉ còn là phế tích trong hoang tàn, đổ nát, trơ ra những móng, tường, công trình ngầm nằm lẫn với cỏ cây, rêu phong, nắng mưa…
Nên đi du lịch Tam Đảo vào mùa nào
Khu nghỉ dưỡng Tam Đảo đông đặc biệt vào dịp cuối tuần (Ảnh – Cùng Phượt)
Tam Đảo có phong cảnh núi non hùng vĩ, bao quát cả một vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn. Khí hậu mát mẻ quanh năm, nhiệt độ trung bình là 18°C – 25°C. Mùa hè từ tháng 5 đến tháng 9 nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng thường oi bức từ khoảng 27°C – 38°C thì Tam Đảo là nơi nghỉ mát lý tưởng với sự luân chuyển rõ rệt 4 mùa trong một ngày. Buổi sáng se se gió xuân, buổi trưa nóng ấm mùa hạ, buổi chiều lãng đãng heo may mùa thu, buổi tối lạnh giá của mùa đông. Với những gợi ý rõ ràng như vậy, bạn đã biết nên đi Tam Đảo vào mùa nào chưa ?
Phương tiện đi và tới Tam Đảo
Đường lên Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Phương tiện xe máy
Từ Hà Nội đi ra hướng đường Phạm Văn Đồng (hoặc đường vành đai 3 thẳng lên) sau đó đi tới cầu Thăng Long, xe máy không được phép đi trên tầng 2 của cầu nên các bạn chú ý theo biển chỉ dẫn đi dưới tầng 1. Qua cầu Thăng Long, đi thẳng đường Nội Bài đến ngã 4 Nam Hồng (có cầu vượt bắc ngang qua) các bạn rẽ trái theo hướng đi Mê Linh (Phúc Yên), đi thẳng đường này theo biển chỉ dẫn để tiếp tục đi tới Vĩnh Yên. Ngay đầu vào thành phố sẽ có biển chỉ dẫn các bạn đi Tây Thiên – Tam Đảo.
Chú ý: Không đi XE GA lên Tam Đảo bởi mức độ nguy hiểm khá cao. Xe số khi xuống dốc bản thân việc gài số thấp (1-2) đã là một cách để giảm tốc độ khá nhiều, xe ga thì không làm được như vậy nên quán tính tạo ra khi xuống dốc rất lớn dẫn tới việc bạn sẽ phải dùng phanh nhiều -> tăng rủi ro của việc cháy phanh dẫn tới mất kiểm soát và xảy ra tai nạn. Thời gian vừa qua rất nhiều vụ tai nạn do đi xe ga khi xuống dốc ở Tam Đảo, nhiều vụ gây tử vong hoặc nhẹ hơn thì gãy chân gãy tay
Phương tiện xe buýt
Bắt xe buýt số 58 (Xe buýt Hà Nội) tới điểm dừng Mê Linh plaza, tiếp tục bắt xe buýt 01 (Xe buýt Vĩnh Phúc) tới Bến xe Vĩnh Yên thì chuyển sang tuyến buýt 07 của Vĩnh Phúc đi Tây Thiên. Khi lên xe bạn nhờ lái hoặc phụ xe chỉ giúp điểm gần nhất để đi Tam Đảo (ngã 4 Tây Thiên – Tam Đảo) rồi từ đó bắt xe ôm lên khu du lịch Tam Đảo khoảng 11-12km nữa.
Xe buýt NEWWAY (Xí nghiệp Vận tải du lịch Hà Nội), có 2 điểm xuất phát tại 32 Nguyễn Công Trứ, Hai Bà Trưng, Hà Nội và 122 Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội. Các bạn có thể liên hệ theo số điện thoại 024 35654898 để đặt vé
Phương tiện xe khách
Nhà xe Tiến Thịnh có chuyến xuất phát đi Tam Đảo tại bến Mỹ Đình vào lúc 9h50 và 11h40. Các bạn có thể xem thông tin chi tiết trong bài
Khách sạn nhà nghỉ tại Tam Đảo
Nhà nghỉ Học viện Kỹ thuật Quân sự (Ảnh – Cùng Phượt)
Tam Đảo còn hàng nghìn khách sạn nhà nghỉ khác cho bạn lựa chọn. Các bạn lưu ý một điều là do khí hậu ở Tam Đảo khá ẩm nên một số khách sạn nhà nghỉ bình dân và các đồ dùng sẽ thường có mùi ẩm, khi lựa chọn khách sạn có thể bỏ qua tiêu chí này, cứ ngon bổ rẻ và thuận lợi cho đoàn mình là được.
Khách sạn tốt ở Tam Đảo
Thường vào dịp cuối tuần, số lượng du khách lên Tam Đảo rất đông nên phòng nghỉ luôn trong tình trạng cháy. Giá phòng nghỉ thường cũng chỉ dao động 400-500k cho phòng đôi tuy nhiên các bạn cần chủ động đặt trước từ 2-3 ngày bởi trên đó khá nhiều cò dịch vụ bỏ tiền ra mua phòng trước với giá gốc rồi bán lại cho các bạn với giá gấp đôi.
Ngoài ra, nếu bạn nào đi trekking Tam Đảo hoặc tham gia các tour khám phá trong Vườn quốc gia Tam Đảo có thể nghỉ và thuê các dịch vụ ăn uống tại nhà chị Cúc 0211 3824 369 ngay trong cổng VQG.
Các khách sạn tốt, nhiều review cao
Là Nhà
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0963 798836
Với view 3 mặt thoáng nhìn về phía núi, Là Nhà là một villa 3 tầng có 3 phòng ngủ nằm ở ngay trục đường chính lên Tam Đảo, cách trung tâm thị trấn khoảng 2km. Là Nhà có khoảng sân rất rộng để các bạn có thể vui chơi, ngắm sao vào mỗi tối hay làm những bữa tiệc nướng BBQ.
Khách sạn Nam Á
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 098 300 98 60
Xem giá phòng ưu đãi từ: https://www.facebook.com/%C4%90%E1%BA%B7t-ph%C3%B2ng-resort-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-gi%C3%A1-r%E1%BA%BB-324509645125638/?ref=bookmarks
Khách sạn Chân Mây
Địa chỉ: Khu 1, Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 244
Xem giá phòng ưu đãi từ: https://www.facebook.com/%C4%90%E1%BA%B7t-ph%C3%B2ng-resort-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-gi%C3%A1-r%E1%BA%BB-324509645125638/?ref=bookmarks
Khách sạn Anh Minh
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 279
Xem giá phòng ưu đãi từ: https://www.facebook.com/%C4%90%E1%BA%B7t-ph%C3%B2ng-resort-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-gi%C3%A1-r%E1%BA%BB-324509645125638/?ref=bookmarks
Belvedere Tam Dao Resort
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 098 296 12 68
Xem giá phòng ưu đãi từ: https://www.facebook.com/%C4%90%E1%BA%B7t-ph%C3%B2ng-resort-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-gi%C3%A1-r%E1%BA%BB-324509645125638/?ref=bookmarks
Khách sạn Ciao Bella
Địa chỉ: Thị trấn Tam Đảo, Tam Đảo, Vĩnh Phúc
Điện thoại: 0211 3824 559
Xem giá phòng ưu đãi từ: https://www.facebook.com/%C4%90%E1%BA%B7t-ph%C3%B2ng-resort-kh%C3%A1ch-s%E1%BA%A1n-gi%C3%A1-r%E1%BA%BB-324509645125638/?ref=bookmarks
Các địa điểm du lịch ở Tam Đảo
Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên
Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên
Bạn có thể kết hợp trước khi lên Tam Đảo ghé thăm Thiền Viện Trúc Lâm Tây Thiên. Đây là một thiền viện thuộc dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử nằm tại xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây. Cùng với Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên là một trong 3 thiền viện lớn nhất của Việt Nam. Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên xây dựng ngay bên cạnh Khu di tích danh thắng Tây Thiên cổ tự (Chùa Tây Thiên, Đền Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, Đền Cô, Đền Cậu, Đền Thõng, Thác Bạc).
Thiền viện Tây Thiên là nơi đào tạo về Phật giáo một cách có hệ thống, tạo điều kiện để Phật giáo Việt Nam phát triển cả về bề rộng cũng như chiều sâu và đẩy mạnh giao lưu với các dòng phật giáo của các nước khác.
Nếu muốn dùng bữa cơm chay với nhà chùa các bạn có thể đăng ký trước với chùa theo số điện thoại 0211 3814858. Theo Cùng Phượt thì đây là một trong những trải nghiệm khá thú vị nếu bạn chưa từng tham gia những hoạt động tương tự trước đây, ăn cơm chay và sinh hoạt cùng với các thầy trong khoảng 45 phút.
Quán Gió Tam Đảo
Quán Gió Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Một quán cafe nhỏ nằm nhô hẳn ra mặt đường nhựa và ngay trên các vách núi với tầm nhìn vô cùng đẹp cũng như không gian thoáng mát. Quán không có mái che nhưng cho dù ngồi ngay dưới trời nắng cũng không quá khó chịu bởi không khí mát mẻ từ dưới vách núi thổi lên. Một điểm trừ nữa là quán hơi ít bàn và nhân viên cũng không chủ động sắp xếp bàn cho bạn thế nên các bạn nếu muốn có chỗ đẹp thì nên bố trí lên sớm để “giành” chỗ nhé.
Tháp truyền hình Tam Đảo
Tháp truyền hình Tam Đảo nhìn từ phiá dưới chân núi (Ảnh – Cùng Phượt)
Nằm trên đỉnh Thiên Thị có độ cao 1.375 m. Ðường đi lên tuy vất vả nhưng lãng mạn, nên thơ. Dọc đường lên là hoa phong lan, hoa cúc quỳ và các loài hoa dại không tên khác nở đầy lối đi, tỏa hương thơm lạ, mầu sắc rực rỡ… Ở nơi đây nhiều loại bướm đủ mầu rập rờn trên hoa lá, đậu, bay theo du khách như các sứ giả đón khách ghé thăm.
Để xây dựng thành công, các kỹ sư và chuyên gia trong nước cũng như nước ngoài đã phải nghiên cứu một cách rất công phu từng chi tiết nhỏ: Từ chọn vị trí ở một nơi cao như vậy có đảm bảo sự vững chắc, lắp thế nào khi tầng trên cùng của tháp thò ra vực sâu, phương án dựng tháp bằng hình thức nào (kéo cẩu hay là đẩy), đặt máy ra sao để có sức đẩy một khối lượng nặng mấy trăm tấn…Và sau bao vất vả, tính đi tính lại việc xây tháp đã hoàn thành, hiện ngọn tháp cao hơn 100m này đang tồn tại trên đỉnh núi cao 1200m.
Để lên được tháp, du khách phải leo 1394 bậc đá dốc thoai thoải, tuy không cách trở như đường lên Yên Tử hay chùa Hương nhưng cũng là một hành trình thú vị. Đường lên được bao bọc bởi cây cối hai bên. Người leo tháp vừa đi vừa nghỉ và hít thở không khí trong lành, nói chuyện cho quên đi cái mệt và nghe những âm thanh từ tiềng gió, tiếng chim hót vọng ra từ rừng.
Đền Bà Chúa Thượng Ngàn
Đường vào đền Bà Chúa Thượng Ngàn (Ảnh – Cùng Phượt)
Đền Chúa là ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, nơi nổi tiếng nhất của cả thị trấn đất đồi Tam Đảo. Theo truyền thuyết, hồi đầu thế kỷ 20, khi Pháp khám phá ra thung lũng xinh đẹp nầy, biến thành nơi nghỉ mát dành cho quan chức của họ, thì họ cho làm các con đường. Khi đó có một nhà thầu phụ người Việt đã bỏ tiền xây đền Chúa. Theo lời truyền khẩu của dân địa phương và một số tư liệu, đây là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.
Có con đường dốc thoai thoải, cảnh trí đẹp, nổi tiếng linh thiêng, đền Chúa thu hút nhiều khách thập phương đến viếng, lễ bái. Hấp dẫn nhất là những ngày mồng Một, ngày rằm hàng tháng, đền Chúa đều có hầu đồng. Trong tiếng trống, tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng nhị, tiếng phách hối hả rền vang của phường chầu văn là giọng hát qua máy vi âm bổng trầm như kể lể, tha thiết, lê thê của chàng cung văn, các bà, các cô đồng xinh đẹp áo quần lộng lẫy biểu diễn những màn khua hương, múa hoa, múa kiếm, cỡi ngựa… rất mềm mại và điêu luyện.
Thác Bạc
Toàn cảnh Thác Bạc – Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Thác Bạc nằm trong địa phận thị trấn Tam Đảo, là thác đẹp nhất có dòng nước trong vắt bắt nguồn từ khe núi len lỏi qua các vòm cây xanh mát. Để đến với dòng thác thơ mộng này, bạn tản bộ đến khu chợ trung tâm thị trấn rồi vòng qua con đường hướng phía đông sẽ gặp đường xuống thác.
Đường dẫn xuống thác Bạc không quá dài nhưng cheo leo dựng đứng được thiết kế bằng những bậc tam cấp lót đá xanh. Do đường mở trong núi, một bên núi một bên vực nên thành đường có tay vịn, có một vài điểm để khách dừng nghỉ chân. Hiện nay, dọc đường xuống thác, nhất là vào những ngày cuối tuần khách đến tham quan chật cả đường đi. Cũng dọc con đường này, có rất nhiều hàng nước, bạn có thể dừng chân nghỉ bất cứ lúc nào.
Đặc biệt xuống thác Bạc, bạn như có cảm giác được về với khu rừng nguyên sinh trù phú. Ở đây khí hậu mát mẻ, cây rừng xanh tốt uy nghiêm tỏa bóng. bạn không còn lạ mắt khi thấy những chú chim rừng, chú sóc dạn dĩ quen thuộc bên đường.
Theo người bản địa, những khi trời mưa dòng nước thác sẽ lớn hơn, đẹp hơn. Lúc này nhìn dòng thác trắng xóa như mái tóc bà tiên buông xõa dài theo vách núi đá giữa đại ngàn. Những khi trời nắng kéo dài, dòng nước sẽ chảy nhẹ nhàng hơn.
Nhà thờ đá cổ Tam Đảo
Nhà thờ đá Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Đây là một điểm tham quan khá lý thú, đứng trên nhà thờ cổ bạn cũng có thể nhìn thấy toàn cảnh thiên nhiên Tam đảo rất mộng mơ. Bạn có thể chụp ảnh lưu niệm với bạn bè và người thân của mình. Rất nhiều cặp tình nhân chọn nơi này làm nơi chụp ảnh cưới cho mình.
Tam Đảo nhìn từ trên nhà thờ đá (Ảnh – Cùng Phượt)
Theo tài liệu, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng từ năm 1906 đến năm 1912, tọa lạc tại trung tâm thị trấn Tam Đảo, bên con đường dẫn lên đỉnh núi Thiên Nhị. Ban đầu, người Pháp chỉ dựng mô hình nhà sàn lợp lá, đến năm 1937 nhà thờ chính thức được xây dựng lại kiên cố bằng đá và tồn tại cho tới ngày nay. Về mặt kiến trúc, nhà thờ Tam Đảo được xây dựng bằng đá trên một triền đất cao theo mô hình kiến trúc Gothic. Công trình đứng uy nghi, trầm mặc. Tầng dưới của tòa nhà rộng rãi, có nhiều lối đi bên cạnh mặt đường lớn, hai bên có hai cầu thang dẫn lên tầng trên. Tầng trên có một khoảng sân rộng với những vòm cửa cong cong bao quanh, thoáng đãng. Bên trong là ngôi thánh đường rộng và liền đó là gian tháp chuông cao vút đứng chọc trời.
Cổng trời Tam Đảo
Trên cổng trời Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Đây là điểm cao mà bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khu du lịch Tam Đảo, vào những ngày thời tiết trong xanh và hơi se lạnh có thể bạn sẽ nhìn thấy Tam Đảo mờ ảo trong những làn sương. Từ phía nhà thờ, bạn đi thẳng theo con đường trước mặt (hướng về phía đường xuống núi). Đây cũng là nơi các bạn có thể mua các tour khám phá Tam Đảo từ bên ban quản lý Vườn quốc gia.
Trekking Tam Đảo 2 và Đỉnh Rùng Rình
Từ trên đỉnh Tam Đảo (Ảnh – NghiaSS)
Nói đến Tam Đảo, du khách thường hình dung về một khu nghỉ mát hấp dẫn, của những biệt thự nghỉ dưỡng tiện nghi,… còn có một Tam Đảo rất khác. Một Tam Đảo với những ngọn núi nối tiếp nhau khoe mình dưới nắng, những khu rừng xanh mướt tầm mắt, của rừng trúc đẹp như trong mộng, của của những con dốc cao nối tiếp nhau tưởng như vô tận; hay những con đường dưới chân là thảm lá, trên đầu là bóng cây che; là một Tam Đảo của bầu trời xanh rì, của nắng chiều vừa đủ để làm má người con gái ửng hồng. Là Tam Đảo của đêm trên đỉnh núi gió thổi lạnh tê người, vầng trăng khuyết chưa bao giờ đẹp đến thế. Nơi hấp dẫn các bạn trẻ và du khách ưa khám phá trong và ngoài nước, bởi đây là điểm xuất phát cho các cung đường trekking xuyên rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo. Du khách sẽ thật sự ngỡ ngàng trước sự hùng vĩ của núi rừng và sự tươi đẹp của thiên nhiên nơi đây.
Tam Đảo là dãy núi có chiều dài khoảng 50km, với diện tích 850km2, theo hướng Đông Bắc – Đông Nam, nằm trên địa bàn ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Ngọn cao nhất có độ cao tuyệt đối là 1.591m. Gọi là Tam Đảo, vì ở đây có 3 ngọn núi nhấp nhô ẩn hiện trong biển mây là đỉnh Thiên Thị (cao 1.591m), đỉnh Thạch Bàn (cao 1.420m) và đỉnh Phù Nghĩa (Phù Nghì, Máng Chỉ, cao 1.250m), về độ cao và tên gọi của 3 đỉnh này hiện các nguồn thông tin vẫn chưa thống nhất. Hiện nay, có nhiều tuyến trekking tại Vườn quốc gia Tam Đảo, trong số đó cung đường được lựa chọn nhiều nhất là chinh phục ba đỉnh Tam Đảo.
Từ những năm 30 – 40 của thế kỷ trước, Tam Đảo và vùng phụ cận hiến cho du khách một hệ thống đường du ngoạn, thám hiểm phong phú, thú vị không kém nơi nghỉ mát nào khác. Tính từ trung tâm thị trấn, đó là các tuyến: Tuyến lên đỉnh phía Bắc; tuyến lên đèo Thái Nguyên; tuyến lên đỉnh phía Nam; tuyến khám phá vành đai; tuyến lên đỉnh Thạch Bàn, Thiên Thị; tuyến đường Đá trổ.
Ảnh – Johannes Lundberg
Những ai từng trek Tam Đảo hầu hết thừa nhận ở Tam Đảo có những cung đường độc đáo rất đáng để khám phá, thậm chí còn hấp dẫn và phiêu lưu hơn chinh phục đỉnh Fansipan. Bao trùm Tam Đảo là những cánh rừng biến đổi liên tục theo độ cao của núi, từ rừng rậm nhiệt đới ẩm nguyên sơ với các thân cây lớn, lá to, dây leo chằng chịt, tới cây lá kim, cây thấp và bụi rậm ẩm thấp, rừng thứ sinh trồng keo, bạch đàn ở dưới chân núi và lưng chừng núi. Lên gần tới đỉnh núi lại là những rừng trúc bạt ngàn với thân nhỏ, chắc, thẳng tắp, lá xanh mướt ken dày đặc vào nhau. Đi trong rừng trúc, phảng phất một chút sương khói tạo nên bởi độ cao, cho bạn cảm giác bồng bềnh mờ ảo bao trùm khắp không gian…
Ảnh – Thắng Thân Thương
Cung đường trek từ thị trấn Tam Đảo sang chùa Địa Ngục như dẫn bạn vào một mê cung. Qua mỗi khúc cua, bạn tưởng rằng mình đã đi qua khúc cua đó, nhưng kỳ thực không phải vậy. Thi thoảng xuất hiện những lá cờ phướn như để dẫn lối vào chùa Địa Ngục. Nhiều đoạn tán rừng che hầu hết ánh sáng, có đoạn rừng trúc phủ kín chỉ còn một lối mòn sâu hun hút. Bạn sẽ thấy hồ hởi khi đi qua đoạn quang đãng, ánh mặt trời khích lệ người chinh phục càng hăng say tiến về phía trước. Bạn cũng có thể tận dụng những đoạn này để chụp những tấm ảnh làm kỷ niệm. Chừng nửa đoạn đường giữa một khúc cua cạnh con suối thấy xuất hiện một bát hương gợi màu sắc tâm linh. Mùa hè số lượng các lạch suối nhiều hơn, nhưng mùa nào cũng vậy, những dòng suối vẫn mát lạnh, chảy hiền lành và trong leo lẻo. Trước khi đến chùa Địa Ngục, có một lối mòn dẫn bạn lên đỉnh một đỉnh núi mang một cái tên rất lạ. Theo những người dân sinh sống lâu năm tại đây cho biết, khi leo lên đỉnh này ở độ cao hơn 1.200m dưới những tán rừng nguyên sinh rong rêu bao phủ, du khách sẽ bước trên các thảm thực vật và có cảm giác êm ái bập bềnh. Chính vì thế ngọn núi này được người địa phương gọi là đỉnh Rùng Rình.
Có nhiều nhóm trek đi về trong ngày, nhưng một số các nhóm sẽ cắm trại qua đêm phụ thuộc vào việc lựa chọn tuyến trek. Thường địa điểm cắm trại gần các đỉnh núi (Thạch Bàn, Thiên Thị) vì từ đó bạn có thể ngắm vùng đồng bằng về đêm. Cắm trại đêm trên núi, nhất là những đêm giữa tháng, trăng sáng vằng vặc, thật là một cảm giác phiêu bồng. Đêm trên đỉnh, nhìn ra xung quanh, thấy đất trời tối thẫm một màu như được nối liền bằng một dải sương màu bạc. Xa xa thấp thoáng một vài ánh đèn của thị trấn Tam Đảo ẩn hiện trong làn sương. Xung quanh là rất nhiều đỉnh núi lớn nhỏ đứng trầm mặc như canh gác cho những người khách bộ hành. Văng vẳng trong đêm là tiếng kêu của muông thú đi ăn. Càng về khuya trời càng lạnh. Sương lúc này đã đọng thành từng hạt rơi lộp bộp trên mái lều, xào xạc trên các tán cây rừng. Giữa rừng núi mênh mang sương lạnh, bồng bềnh như tiên cảnh, nhấp một ngụm rượu ngọt thơm, bạn sẽ thấy ấm áp lạ kỳ…
Nhiều đoạn đường khá dốc (Ảnh – Thắng Thân Thương)
Cảnh sắc đẹp và nên thơ là vậy, nhưng đường trek Tam Đảo phần nhiều đi qua rừng rậm, rừng trúc, độ dốc không quá lớn nhưng một số đoạn, đặc biệt những đoạn gần tới đỉnh Thiên Thị, Thạch Bàn và phần lớn đường leo lên đỉnh Phù Nghĩa có độ dốc khá cao, nhiều đoạn gần như thẳng đứng, không có lối đi. Những trekker phải bám vào các rễ cây, tảng đá để leo lên. Nhiều đoạn gần như phải đu mình trên các rễ cây rừng, nếu không cẩn thận có thể trượt ngã. Những lúc gặp mưa rừng là những lúc khó khăn nhất. Thường thì các nhóm trek thuê porter (người khuôn vác) vừa là người chỉ đường (thay cho hướng dẫn viên địa phương – local guide), vừa giúp khuôn vác đồ. Dẫu vậy, người đi trước vẫn phải bám theo người đi sau hoặc dùng dao chặt vào thân cây để đánh dấu tránh lạc đường.
Ngắm mây từ đỉnh Tam Đảo (Ảnh – Thắng Thân Thương)
Vượt qua khó khăn và mệt mỏi, các đỉnh Thạch Bàn, Phù Nghĩa lần lượt được chinh phục. Đứng trên đỉnh núi, ngồi nghỉ ngơi, uống nước rồi thong thả ngắm cảnh núi rừng, ngắm đất trời mở rộng về bốn phía mới thấy đẹp đến nao lòng. Thú vị là đứng trên đỉnh Phù Nghĩa vào những ngày trời trong, còn có thể nhìn thấy TP Thái Nguyên và hồ Núi Cốc thấp thoáng ở xa xa. Nhìn ngắm thị trấn Tam Đảo nhỏ bé, xinh đẹp hiện ra trong nắng chiều vàng như rót mật, hẳn những ai ưa khám phá đều mong có những dịp như vậy.
Chùa Địa Ngục (Địa Ngục Tự)
Chùa Địa Ngục (Ảnh – Quốc lộ 1)
Chùa Địa Ngục không rõ xây từ thời nào, nhưng theo cuốn Kiến Văn Tiểu lục của Lê Quý Đôn mô tả là một khối kiến trúc vuông vức, mỗi cạnh dài khoảng một trượng, các tường bao quanh chùa đều bằng đá. Thường ngày hai cánh cửa ra vào khóa kỹ bằng một khóa sắt lớn và trong khuôn viên có đặt viên đá ghi rõ: Địa Ngục tự (tức chùa Địa Ngục)
Vườn Quốc Gia Tam Đảo
Vườn quốc gia Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10–15 km chạy theo hướng Tây Bắc-Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc.
Hiện Vườn Quốc Gia Tam Đảo đang có một số tuyến du lịch cho du khách như sau
– Tour du lịch xem chim tại VQG Tam Đảo
– VQG Tam Đảo – Rốn Rồng – Rừng Thông – Bãi Đá Mom Cày – Hồ Xạ Hương
– VQG Tam Đảo – Trường Rừng – Rốn Rồng – Trung tâm cứu hộ gấu
– VQG Tam Đảo – Thị trấn Tam Đảo – Thăm 3 đỉnh núi
Chi phí cho các tour này như sau
– Vé vào vườn : 40k (Sinh viên 20k)
– Phí cho hướng dẫn viên tùy chặng, dao động trong khoảng 400k-700k
Đền thờ cậu bé trường sinh (Đền Cậu Tây Thiên)
Đền thờ Cậu bé trường sinh (Ảnh – Cùng Phượt)
Theo như lời kể của nhân dân thì đền Cậu khởi nguồn là khe Trường Sinh, ở đây có đặt một bát hương và có một hòn đá, tương truyền là Cậu ngự ở đây, tập trung và nuôi quân trước khi đưa quân lên trên Mẫu. Đền được ban quản lý và nhân dân chung sức tu sửa lại vào năm 1993.
Đền thờ Nhị vị vương cô nhà Trần
Đền thờ Nhị vị vương cô nhà Trần (Ảnh – Cùng Phượt)
Nằm ngay cây số 18 là Đền thờ Nhị Vị Vương Cô Nhà Trần. Cửa chính đền có cặp liễn đối, ghi: “Vạn thế lưu truyền hiển lưu danh. Ức niên đăng hỏa như minh nguyệt”. Theo lời bà thủ nhang Trần Thị Như, 64 tuổi, đền thờ Địa Mẫu, 12 cô Sơn Trang, hậu cung thờ Cô Đệ Nhất và Cô Đệ Nhị – 2 cô con gái Đức Thánh Trần. Theo truyền thuyết, Đệ Nhị Vương Cô (Vương Bà), Đại Hoàng Công Chúa Trần Thị Tĩnh là con gái thứ của Trần Hưng Đạo. Sợ phạm luật nhà Trần (chỉ gả bán trong hoàng tộc), Đức Thánh cho cô ra làm con nuôi, để tiện gả cho Phạm Ngũ Lão. Lễ vía đền cùng ngày tổ chức lễ vía Đức Thánh Trần, có hầu đồng rôm rả.
Các món ăn ngon và đặc sản ở Tam Đảo
Rau và quả su su
Một góc khu vực trồng su su của Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Tam Đảo không chỉ có khí hậu mát mẻ, nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp với trồng rau Su Su. Một điều đặc biệt là Su Su trồng ở thị trấn Tam Đảo sau khi chế biến vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, độ giòn, vị ngọt và hương thơm đặc trưng, không giống với bất kỳ vùng, miền trồng Su Su nào khác, quả Su Su cũng vậy. Rau, quả Su Su luộc chấm với muối vừng, muối lạc là món khai vị ưa thích trong tất các các mâm cỗ dù là người bình dân hay khách hàng sang trọng. Trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn Tam Đảo không thể không có món rau Su Su xào hoặc luộc.
Từ trên cao nhìn xuống Tam Đảo chỉ thấy một màu xanh ngợp cả tầm mắt, đứng dưới thấp nhìn lên từng quả su su đưa lọt xuống qua giàn cũng xanh mướt. Su su ở Tam Đảo trồng quanh năm, từ năm này qua năm khách. Cứ ba ngày người dân lại cắt ngọn một lần để hạn chế việc ra quả, bởi su su ở đây chủ yếu là trồng để lấy ngọn chứ không thu hoạch quả như ở nhiều nơi.
Gà nướng Tam Đảo
Gà nướng Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Gà Tam Đảo chủ yếu là gà tre, gà ri, thả trên núi, vì thời tiết lạnh nên số lượng không nhiều. Vì thế nếu không tinh ý, bạn dễ ăn phải món gà mềm, bở được nhập mua dưới xuôi thường bán ngoài chợ. Gà Tam Đảo rất dai và thơm, được chế thành nhiều món ngon như luộc, hấp, quay, bọc đất nướng… Phổ biến nhất là gà bọc giấy bạc đất nướng và gà nướng mật ong.
Cá bống suối Tam Đảo
Cá bống suối kho tiêu (Ảnh – Cùng Phượt)
Dân Tam Đảo sử dụng phương pháp đắp đập chăn nuôi để phát triển cá bống suối tự nhiên. Cá bống được lựa chọn để chế biến món ăn là cá bống cát, to bằng món tay, mình tròn lẳn, chắc mẩy, màu vàng nhạt hoặc vàng ươm. Ngày nay, không phải nơi nào cũng tìm được cá bống cát, do đó được thưởng thức loại cá này ở Tam Đảo là một trải nghiệm nên có của thực khách tứ phương. Cá bống cát có thể chế biến thành rất nhiều món khác nhau, món nào cũng hấp dẫn nhờ vị thơm ngọt của thịt cá.
Đồ nướng Tam Đảo
Bò cuốn cải và nấm nướng (Ảnh – Cùng Phượt)
Với khí hậu mát mẻ, Tam Đảo là một địa điểm lý tưởng để thưởng thức các loại đồ nướng ngon. Ở Tam Đảo, không quá khó khăn để tìm được một quán nướng bình dân, các món như bò cuốn lá cải, bò cuốn nấm kim châm, chim cút nướng, gà nướng, thịt lợn xiên nướng, trừng nướng … là những món bạn nên thử.
Chú ý: Những món ăn được kể phía dưới đây là đặc sản Tam Đảo nhưng khó tìm thấy trong các quán ăn bình thường. Trên Tam Đảo hiện giờ cũng chỉ có đồ nướng là mấy món ăn phổ biến và dễ tìm.
Thịt tái bò kiến đốt
Thịt tái bò kiến đốt là một món ăn lạ ở Tam Đảo
Nghe tên đã thấy lạ tai, ăn càng lạ miệng và cách chế biến thì lại càng độc đáo. Thịt bê mới mổ còn nóng, cắt miếng khoảng 1kg đem treo ngay cạnh các tổ kiến trên cây rừng. Chọc cho lũ kiến trong tổ tức khí bung ra bâu kín vào miếng thịt. Hàng vạn con kiến hung dữ thi nhau cong đuôi đốt vào miếng thịt còn nóng đó cho thật chán chê càng nhiều càng tốt. Nếu kỳ công, mỗi miếng thịt đem treo vào tổ mỗi loài kiến khác nhau sẽ được nhiều hương vị khác nhau. Kiến vống đỏ có mùi thơm chua, kiến vống đen có mùi thơm hắc, kiến bồ nọt có vị cay ngọt, kiến ngạt có vị thơm mùi cà cuống… Chỉ treo thịt bê “nhờ” kiến sống trên cây đốt hộ chứ không “khiến” lũ kiến chuyên làm tổ dưới đất vì bọn kiến này có lối sống hơi mất vệ sinh!
Sau đó, các miếng thịt đem về dội qua nước muối loãng cho sạch bụi bẩn, để ráo nước rồi đem thui trên bếp lửa than hồng cho chín tái. Thái miếng mỏng ngang thớ, bày ra đĩa theo từng loại, đặt thứ tự lên mâm để nhắm rượu. Nhưng không chỉ có thế, các nguyên liệu ăn kèm và cách ăn cũng rất công phu, ngoài các loại rau sống ăn kèm thì không thể thiếu được chuối xanh và rau ngổ. Chuối xanh rửa sạch, để cả vỏ và thái lát cho vào bát nước cùng với một chút nước cốt chanh. Cuối cùng là nước chấm. Người dân ở đây dùng một loại tương làm từ ngô và đậu, pha thêm gừng băm nhỏ và một chút đường. Khi ăn dùng tay đặt miếng thịt bò trên rau sống, tiếp theo là một lát chuối nhỏ và một chiếc rau ngổ đặt lên trên sau đó cuốn chúng lại nhúng vào bát nước chấm và thưởng thức.
Rượu chít Tam Đảo
Rượu sâu chít có thể thấy ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc (Ảnh – Nguyen Dinh Nguyen)
Vườn Quốc gia Tam Đảo chập trùng núi cao với trăm suối ngàn khe cùng bát ngát những cánh rừng hỗn giao xen kẽ các vạt rừng nguyên chủng. Rừng chít cũng là đặc điểm rất riêng của vùng núi đồi Tam Đảo.
Rừng cỏ lau thường mọc trên đồi cao còn rừng cỏ chít mọc ven các khe suối và tạo thành các cánh rừng phủ kín những bãi bồi. Cây chít cho lá gói bánh cho hoa râm chổi và còn cho một món ăn đặc sản quý giá. Đó là con sâu chít, một vị thuốc bổ tráng dương, một món ăn quý hiếm thường được ví vơi ‘Đông trùng hạ thảo” trong thuốc bắc của Trung Quốc.
Vào dịp cuối năm, bà con các dân tộc Sán Dìu, Cao Lan … thưởng vào rừng lấy lá chít về gói bánh đồng thời ảm bắt sâu chít về ngâm rượu gọi là rượu chít. Trong bụi chít, tìm ngọn cây nào bị héo úa là bóc ra sẽ bắt được con sâu đang nằm gọn giữa thân cây. Con sâu chít màu trắng ngà chỉ dài chừng hai đất tay giống như con tằm nhỏ. Mỗi người mỗi buổi luồn rừng dù tích cực cũng chỉ bắt được vài chục con.Con sâu chít đem về có thể thả ngay vào chai với số lượng không hạn chế, đổ đầy rượu ngâm chìm rồi đặt vào góc tủ. Khoảng một tháng sau sẽ trở thành rượu bổ vơi màu trông hơi trắng ngà. Rượu này rất phù hợp với những người đàn ông bị ” bất lực “. Những ai cẩn thận và cầu kỳ hơn thì thả sâu chít còn tươi vào nước muối pha loãng, rửa sạch vớt ra cho ráo nước. Dùng gạo nếp thơm cho vào chảo rang vàng rồi rắc lần lượt sâu chít vào tiếp tục đảo cùng gạo nếp đến khi các con sâu chít đều cùng chín vàng như gạo rang thì lấy ra cho vào ngâm rượu hoặc để dành dùng dần. Rượu này có màu vàng bắt mắt và rất thơm ngon.Con sâu chít Ở Tam Đảo vừa là vị thuốc vừa là thực phẩm quý hiếm và rất bổ dường đối với cả những người mới ốm dậy. Trẻ nhỏ và người già suy dinh đường nếu thường xuyên được bồi dưỡng bằng sâu chít hấp cách thuỷ cùng lòng đỏ trứng gà sẽ rất nhanh lại sức.
Lịch trình đi phượt Tam Đảo
Hoàng hôn Tam Đảo (Ảnh – Cùng Phượt)
Ngày 1 : Hà Nội – Thiền viện Tây Thiên (Hoặc chùa Tây Thiên) – Tam Đảo
– 8h : Khởi hành từ Hà Nội
– 10h : Có mặt tại Thiền viện Tây Thiên (hoặc đi Chùa Tây Thiên)
– 10h – 11h : Thăm quan Thiền viện, tìm hiểu về một trong những cái nôi lớn của Thiền Tông Việt Nam
– 11h : Dùng cơm chay (Bạn cần đăng ký trước số lượng vào ngày hôm trước để Chùa còn chuẩn bị cơm)
– 12h : Khởi hành đi Tam Đảo
– 13h : Có mặt tại Tam Đảo, nhận phòng và sắp xếp đồ đạc
– 14h : Tham quan Tháp truyền hình Tam Đảo
– 17h : Quay về khách sạn nghỉ ngơi
– Tối ăn uống và đi chơi tự do, có thể đi quanh quanh ăn đồ nướng trong cái tiết trời se lạnh của Tam Đảo
Ngày 2 : Tam Đảo – Hà Nội
– 8h : Ăn sáng, mua một số đặc sản về làm quà
– 8h30 : Tham quan Thác Bạc, Nhà thờ Tam Đảo
– 10h : Vào vườn quốc gia Tam Đảo, có thể đăng ký tham gia 1 vài tour ngắn. Mang theo đồ ăn để dã ngoại
– 14h : Trở về khách sạn làm thủ tục trả phòng, dọn đồ
– 14h30 : Khởi hành về Hà Nội
– 16h30 : Có mặt tại Hà Nội, kết thúc chuyến đi
Lưu ý khi đi phượt Tam Đảo
Có một vài lưu ý nhỏ dành cho các bạn khi đi phượt Tam Đảo, những lưu ý này được tổng hợp và đúc rút từ những bạn/đoàn đi trước, các bạn không nhất thiết phải làm theo nhưng nên đọc để tham khảo.
Theo Cùng Phượt