Ngắm bình minh trên con là sông biên giới Việt Nam - Campuchia, bước lên làng nổi và khám phá văn hóa người Chăm là trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến đi.
Anh Huỳnh Đăng Khoa (1984), quản lý một doanh nghiệp địa phương, thường dẫn bạn bè và khách trải nghiệm bình minh trên sông Châu Đốc, kèm theo khám phá văn hóa Kinh, Chăm địa phương. Nam doanh nhân tâm đắc với tuyến du lịch đường thủy này, bên cạnh những điểm du lịch nổi tiếng miền biên giới Châu Đốc như núi Sam, miếu Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư, chợ Tịnh Biên...
Chuyến tham quan bắt đầu từ khoảng 6h để ngắm bình minh, và đi trong vòng 3 giờ. Đi sớm hơn thì quang cảnh sinh hoạt của người dân chưa nhộn nhịp, đi muộn hơn thì trời nắng gắt.
Anh Khoa thường tự túc đi từ bến thuyền phía sau chợ Châu Đốc. Ngoài ra khách có thể khởi hành từ các bến thuyền xung quanh khu ngã ba sông Châu Đốc hoặc đi tàu du lịch ở bến phà Châu Giang.
Bên cạnh di chuyển bằng thuyền động cơ, du khách còn được tiếp cận và tìm hiểu những con thuyền gỗ truyền thống của người địa phương. Ảnh: NVCC
Điểm đầu tiên, thuyền đưa mọi người đến cồn Khánh Hòa ngắm bình minh. Nơi đây như đảo nhỏ nằm giữa đầu nguồn sông Hậu giáp ranh dòng chảy thuộc phía Campuchia. Thuyền neo yên tĩnh trong một hồ nước ven sông. Từ đây, bạn có thể nhìn thấy cảnh người dân cất vó cá trong sương sớm, mờ ảo trong ánh bình minh. Từng nhiều lần đến đây, anh Khoa thường rủ bạn bè lên cồn chụp ảnh, vì sau mùa nước nổi, cồn Khánh Hòa phủ sắc xanh của cây cỏ và hoa màu của người dân.
Thuyền tiếp tục hành trình đến chợ nổi trên sông Hậu. Du khách thường nhận xét chợ nơi đây yên bình, ít tiếng động cơ và không quá sầm uất như chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ). Bạn có thể thưởng thức bún cá, cháo lòng, cơm tấm sườn, xôi chè, hay uống cà phê khi lênh đênh trên thuyền. Điều anh Khoa thích thú nhất là được người dân kể khách nghe về cấu tạo, hình vẽ và một số câu chuyện của tàu thuyền địa phương.
Điểm đến tiếp theo là làng nổi Châu Đốc, nơi quy tụ những căn nhà dập dềnh theo dòng nước thượng nguồn sông Cửu Long, kéo dài vài cây số. Người dân "trên" làng đã sống và nuôi cá theo mô hình này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khách đi qua, thấy nhà nào đang cho cá ăn thì hãy xin ghé vào. Tại đây, những câu chuyện về cuộc sống mưu sinh, kết cấu nhà bè, quy trình nuôi cá nước ngọt tự nhiên, sẽ được chủ hộ hoặc hướng dẫn viên địa phương kể lại. Thú vị hơn, khách còn được tự tay cho hàng trăm con cá dưới sàn nhà ăn.
Ở làng nổi, anh Huỳnh Đăng Khoa biết đến khu người dân giở chà, nếu đi qua đúng lúc ngư dân đang làm, sẽ giới thiệu cho khách tham quan. "Giở chà" là cách đánh bắt cá đặc trưng của người miền Tây sông nước, bằng cách bó cành cây khô ngâm dưới nước, có lưới vây quanh dụ cá vào. Khi thu lưới, cá nhảy lon ton trong đó, nhìn lấp lánh trong làn nước và ánh nắng. Hình ảnh này khiến nhiều vị khách của anh Khoa ngạc nhiên và thích thú.
Những nhà nổi ở Châu Đốc thường được dựng từ gỗ, mái tôn, được làm nổi bằng các thùng phuy gắn ở đáy sàn, bên dưới sâu khoảng 5m được quây lưới để nuôi cá. Phương tiện đi lại chính của người dân là ghe, thuyền. Ảnh: NVCC
Điểm cuối cùng trên sông, thuyền sẽ đưa khách vào làng Chăm Đa Phước có tuổi đời hơn 100 năm. Giữa hơn 10 làng Chăm ở An Giang, khu làng ở Đa Phước là một trong số ít còn giữ vẻ bình dị, có nhiều ngôi nhà sàn nguyên bản và không bị các công trình hiện đại xen vào, anh Khoa mô tả. Trong làng có thánh đường Hồi giáo, quán ăn, quán cà phê, chợ di động họp lúc 7h – 10h mỗi sáng.
Các du khách cho rằng đây là điểm dừng chân mang đến nhiều bức ảnh đặc trưng văn hóa địa phương nhất. Người dân mặc trang phục xà-rông nhiều màu sắc, quấn khăn kín đầu. Chợ di động bán nhiều đặc sản dân dã mà khách có thể thưởng thức tại chỗ và mua về như bún cá, tung lò mò, chè Campuchia, bánh tét nhân chuối, cá sông...
Người Chăm ở An Giang nổi tiếng với thổ cẩm dệt tay. Bạn có thể xin vào nhà dân xem những người phụ nữ Chăm ngồi bên khung cửi, thậm chí được hướng dẫn dệt thử. Bán sản phẩm thổ cẩm là một trong những nguồn thu nhập của người Chăm. Do đó, bạn hãy thử mua về một món đồ lưu niệm như khăn, túi xách, ví tiền... với giá từ vài chục nghìn đồng.
Ngoài ra, anh Khoa còn dẫn bạn đến những thánh đường Hồi giáo địa phương. Thánh đường ở làng Đa Phước không bề thế như các làng khác, nhưng vị trí gần nhau và gần phía bến thuyền, tiện cho du khách di chuyển.
Vì đường ở làng Chăm ở Đa Phước khá nhỏ, bạn nên đi bộ thong thả để ngắm nhìn khung cảnh sinh hoạt của người dân và thưởng thức các món ăn. Nếu du khách đi bằng phà sang sông thì có thể mang xe máy. "Mình mong muốn tương lai địa phương sẽ có dịch vụ xe điện không tiếng ồn đến những điểm tham quan nhất định, để dễ cho khách tham quan", anh Khoa bày tỏ.
Đến làng Chăm, du khách đừng bỏ lỡ những sản phẩm thổ cẩm thủ công của người Chăm như vải, khăn, áo, váy, túi xách... Ảnh: NVCC
Kết thúc chuyến đi, thuyền chở khách về lại bến đỗ sau chợ Châu Đốc. Bạn hãy vào tham quan vương quốc mắm, ăn bánh mì chả lụa bò, tráng miệng bằng ly nước thốt nốt trước khi tiếp tục hành trình đến nơi khác.
Du khách có thể khám phá làng nổi Châu Đốc theo tour hoặc tự túc. Trong tour gồm hướng dẫn viên có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, nước uống, bữa ăn nhẹ và đưa khách đến ba điểm cố định là chợ nổi, làng bè và làng Chăm. Giá tour đầu người từ 250.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy số lượng khách, thuyền chở khoảng 10 khách.
Nếu tự túc, bạn có thể thương lượng với chủ thuyền đến và dừng ở một số điểm dọc đường đi. Tuy nhiên, người lái thuyền thường không cung cấp thông tin về điểm đến. Giá 250.000 – 300.000 đồng một khách. Các thuyền đều trang bị áo phao.
Từ TP HCM, du khách có thể đi xe khách đêm giá 150.000 - 300.000 đồng một lượt, đến Châu Đốc vào khoảng 5h sáng hôm sau, thích hợp đi tour khám phá trên.