Trong tháng 4, kinh tế TP.HCM phục hồi mạnh mẽ với chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 3,2%...
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp chiều 26/4.
Chiều 26/4/2022, UBND TP.HCM đã tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách tháng 4, triển khai nhiệm vụ tháng 5/2022. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp cùng với sự tham dự của các phó chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo các sở, ban, ngành.
SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP, BÁN LẺ PHỤC HỒI
Kinh tế TP.HCM đã hồi phục và có nhiều "điểm sáng". Theo đó, kinh tế thành phố tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 4/2022 ước tính tăng 2% so với tháng 3/2022 và tăng 9,7% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ.
So với cùng kỳ năm ngoái, trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 168.177,017 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán, tăng 13,87%; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6%; chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 6%.
Trong tháng 5, chính quyền thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý và khai thác nguồn thu, tăng cường kiểm soát chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách. Cụ thể, ngành thuế nắm chắc các nguồn thu, nguyên nhân tác động làm tăng giảm nguồn thu theo từng địa bàn, tăng cường thông tin về thủ tục hành chính thuế và tiếp tục cải cách hệ thống thuế, đơn giản thủ tục.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục duy trì mức lãi suất thấp theo sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước, trong đó, lãi suất huy động tiền gửi dưới 6 tháng không quá 4%/năm và lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành áp dụng tối đa 4,5%/năm.
Ngoài ra, Ban quản lý Khu Công nghệ cao tập trung rà soát quy trình, thủ tục, tháo gỡ các khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư mở rộng; đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án xây dựng đường Vành đai 3; tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Sở Tài chính triển khai đồng bộ các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý chi tiêu ngân sách; theo dõi chặt chẽ tình hình thu ngân sách. Cục Hải quan hỗ trợ doanh nghiệp xuất nhập khẩu, từng bước áp dụng chữ ký số vào việc phát hành văn bản điện tử, tăng cường dịch vụ công trực tuyến 24/7.
Chính quyền thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát việc giao đất, các trường hợp thuê đất để yêu cầu các đơn vị thực hiện nghĩa vụ tài chính, ký hợp đồng thuê đất hoặc điều chỉnh hợp đồng theo quy định.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố cũng giao cho Sở Giao thông Vận tải duy trì thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cảng biển để tạo nguồn thu cho ngân sách; giao cho Sở Xây dựng rà soát toàn bộ quỹ nhà tái định cư, có phương án điều chuyển hoặc bán đấu giá quỹ nhà tái định cư để thu hồi vốn tạm ứng, tránh xuống cấp gây lãng phí. UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức khai thác nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản công.
THU HÚT 1,28 TỶ USD ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI
Tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh và thu chi ngân sách tháng 4, Lãnh đạo TP.HCM thông tin thêm: Trong 4 tháng đầu năm 2022, TP.HCM đã thu hút được 1,28 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 12,18% so cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, các dự án đầu tư nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có 181 dự án với tổng vốn đầu tư là 186,25 triệu USD (tăng 81% số dự án cấp mới và giảm 48,28% vốn đầu tư so với cùng kỳ). Có 44 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước thực hiện điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm 640,42 triệu USD (bao gồm các dự án tăng và giảm vốn), tăng 46,67% về số dự án và tăng 58,91% về vốn điều chỉnh so với cùng kỳ.
Thành phố cũng chấp thuận cho 722 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước với vốn góp đăng ký tương đương 453,04 triệu USD, tăng 31,99% so với cùng kỳ về số trường hợp, tăng 19,97% về vốn.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, một số doanh nghiệp FDI đã bắt đầu tìm kiếm các nhà cung ứng trong nước để thay thế nguồn nguyên liệu và phụ tùng nhập khẩu. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Cũng trong tháng 4, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao ước đạt 2,028 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu đạt 1,839 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ và giá trị nhập khẩu đạt 1,730 tỷ USD, tăng 11,5%. Tính chung, 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất sản phẩm công nghệ cao ước đạt 8,112 tỷ USD, giá trị xuất khẩu đạt 7,356 tỷ USD và giá trị nhập khẩu đạt 6,922 tỷ USD. Tính đến nay, Khu Công nghệ cao có 164 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 11,232 tỷ USD.