Con số tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm tại TPHCM ước tăng 3,55%. Mặc dù mới dừng lại ở dự báo nhưng "đầu tàu kinh tế" đang cho thấy đã lấy lại đà tăng trưởng sau quý đầu năm không mấy tích cực. Thành phố cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào cơ chế đặc thù giúp khơi thông các nguồn lực xã hội, tạo động lực mới.
Những tín hiệu tích cực
Ngay từ 6h sáng, một số chợ dân sinh tại TP Thủ Đức đã tấp nập người mua kẻ bán. Đây là thời kỳ cao điểm trong năm, nhiều cửa hàng bày bán đa dạng các mặt hàng trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, xoài, vải thiều Lục Ngạn...
Chị Thu, một tiểu thương nhỏ trong khu chợ kế bên Chung cư Bộ Công an nói trái cây đang vào mùa nên chị nhập về bán mỗi ngày, lượng hàng dồi dào mà giá hợp lý. Khách ưa mua các loại trái cây đặc sản đang nở rộ như vải thiều Lục Ngạn hay chôm chôm miền tây, mỗi ngày chị bán cả trăm kg.
Không chỉ tại các chợ dân sinh, hệ thống siêu thị hay trung tâm thương mại cũng đang dành nhiều diện tích để bày bán các loại trái cây đặc sản đang vào mùa thu hoạch. Một số chuỗi siêu thị lớn còn triển khai các chương trình kích cầu giảm giá sâu vào cuối tuần để thu hút người mua. Siêu thị MM Mega Market bán sầu riêng Ri6 với giá chỉ 70.000 đồng/kg hay Co.op Food bán xoài Hòa Lộc chỉ khoảng 40.000 đồng/kg.
Thành phố còn tiếp tục triển khai nhiều chương trình kích thích tiêu dùng, như Tuần lễ Trái cây "Trên bến dưới thuyền" tại quận 8, dự kiến diễn ra giữa tháng 6; hay phiên chợ quê "Hoa thơm trái ngọt vùng Đất thép năm 2023" tại huyện Củ Chi...
Lễ hội trái cây Nam Bộ 2023 vừa chính thức khai mạc ngày 1/6 (Ảnh: BTC).
Những nỗ lực của TPHCM trong việc kích thích sức mua nội địa là không thể phủ nhận. Điều này cũng được thể hiện trong báo cáo của Cục Thống kê TPHCM với số liệu 5 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 9,4% so với cùng kỳ. Sức mua nội địa tăng trưởng được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm. Một số ngành hàng thương mại, dịch vụ có chuyển biến tích cực, như bán lẻ đồ dùng dụng cụ gia đình tăng 6,5%; bán lẻ điện thoại, máy tính, linh kiện điện từ tăng 8,4%; dịch vụ lữ hành tăng 12%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 7,9%...
Cùng với đó, nhiều chỉ số khác của kinh tế thành phố cũng có sự gia tăng. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 4 và tháng 5, sau giai đoạn tăng trưởng âm ở quý I. Chỉ số sản xuất các ngành như dược phẩm, cơ khí, sản xuất hàng điện tử, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống... đều tăng.
Đối với ngành bất động sản, TPHCM cũng có nhiều biện pháp tháo gỡ vướng mắc, giúp thị trường ổn định trở lại. Cuối tháng 5, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM công bố kết quả giải quyết 101 kiến nghị liên quan 96 dự án của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Theo đó, 10 kiến nghị đã được hoàn thành giải quyết; 73 kiến nghị đang được thực hiện; 7 kiến nghị đang tạm dừng giải quyết; 2 kiến nghị không phù hợp với pháp lý hiện tại; 2 kiến nghị không thuộc trách nhiệm giải quyết của Sở này. Một số dự án của Tập đoàn Novaland hay Tập đoàn Hưng Thịnh được gỡ vướng, từ đó doanh nghiệp công bố tái khởi động xây dựng, hứa hẹn đem lại nguồn cung mới cho thị trường.
Thị trường bất động sản TPHCM đã đạt được một số kết quả gỡ vướng (Ảnh: Khổng Chiêm).
Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác cũng cho biết lượng hàng bán ra đã cao hơn giai đoạn trước, "liên tục" chốt giao dịch. Công ty Đầu tư Nam Long cho biết tính từ đầu năm cho đến hết trung tuần tháng 5 ghi nhận doanh số bán hàng đạt 448 tỷ đồng từ các dự án Mizuki Park, Akari City (TPHCM) và Waterpoint (Long An). Hay Công ty Bất động sản An Gia tiếp tục bán hàng, rồi bàn giao sổ hồng cho cư dân tại dự án Westgate (TPHCM) và The Standard (Bình Dương). "Thị trường đã chạy hơn được đôi chút", một đại diện của doanh nghiệp bất động sản cho hay.
Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều khởi sắc. Trong tháng 5, TPHCM giải ngân 6.611 tỷ đồng, cao nhất một năm trở lại đây. Tính chung 5 tháng, thành phố đã giải ngân 9.086 tỷ đồng, thực hiện gần 13% kế hoạch Chính phủ giao.
Dự báo và những kỳ vọng
Cục Thống kê TPHCM ước tính quý II, tốc độ tăng trưởng kinh tế thành phố đạt khoảng 5,87%, cao hơn 0,15 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng cao nhất, ở mức 7,16%; công nghiệp xây dựng tăng 4,77%...
Từ đó, Cục ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng tăng 3,55%, cao hơn 1,47 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Trụ cột tăng trưởng chính ở khu vực dịch vụ (tăng 4,96%), đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP.
Đơn vị này đánh giá số liệu 5 tháng cho thấy kinh tế TPHCM đã có những chuyển biến tích cực, tạo tiền đề tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng con số "chỉ là dự báo". TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, cho rằng số liệu dự báo của Cục Thống kê TPHCM "chỉ là dự báo thôi, giống như nhiều dự báo khác. Vấn đề là có khả thi hay không, phụ thuộc nhiều vào nỗ lực của thành phố chứ không phải dự báo như thế là sẽ được như thế".
Cũng theo ông Lực, đây là số liệu dùng để tham khảo, cần so với mức nền thấp năm trước. Ông ghi nhận TPHCM có nhiều tín hiệu tích cực liên quan tới bất động sản, tài chính, khối doanh nghiệp, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh… nhưng rõ ràng là chưa có đột phá nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển cho biết từ cuối năm 2022, mặc dù nhiều người bày tỏ lạc quan nhưng các chuyên gia đều cho rằng thị trường tài chính, kinh tế năm 2023 diễn biến xấu vì áp lực lạm phát, lãi suất huy động tăng, đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào quý I-II năm nay là rất lớn. Tới quý I, thị trường mới thấm khó khăn khi xuất khẩu giảm sút nhưng suy giảm nội địa còn mạnh hơn. Giai đoạn 2008-2011 khủng hoảng kinh tế toàn cầu, xuất khẩu trong nước cũng suy giảm nhưng không suy giảm nội địa như hiện nay.
Xuất khẩu suy giảm trong các tháng đầu năm tại TPHCM (Ảnh: Khổng Chiêm).
Chuyên gia cũng nhìn nhận trong những tháng đầu năm nay, tâm lý bi quan đè nặng lên doanh nghiệp. Trong khi đó, vĩ mô thế giới đã lóe lên những điểm sáng nhưng doanh nghiệp vẫn chưa tin, như kinh tế châu Âu đã phục hồi, khắc phục vấn đề giá nguyên liệu cao, tạo tín hiệu xuất khẩu mới cho Việt Nam... "Từ quý IV/2022, tôi cho rằng lãi suất ngân hàng sẽ hạ nhiệt vào quý I và ổn định vào quý II năm nay. Bây giờ, tín hiệu ổn định đã sẵn sàng, kinh tế năm 2023 sẽ là hình chữ V, ngược lại với năm trước", ông Hiển nói.
Các tín hiệu vĩ mô tích cực trên tác động tới kinh tế TPHCM. Theo ông Hiển, lãi suất giảm giúp tiêu dùng hồi phục, nền sản xuất được khởi động trở lại. Lượng khách quốc tế đến TPHCM đang phục hồi nhanh, tuy nhiên nếu Việt Nam công bố hết dịch thì số lượng này còn nhanh hơn nữa. Ông kỳ vọng quý IV/2023, Việt Nam mở cửa hoàn toàn với khách du lịch từ đó kích thích phục hồi thương mại, dịch vụ của TPHCM - những ngành đang ghi nhận tín hiệu tăng trưởng khả quan trong 5 tháng đầu năm.
Đối với bất động sản, xây dựng, ông Hiển cho rằng lĩnh vực này quan trọng với nền kinh tế thành phố nhưng không phải chỉ số duy nhất để đánh giá tăng trưởng. Trong nửa cuối năm, bất động sản, xây dựng chưa thể có chuyển biến tích cực vì nhiều vấn đề pháp lý, xử lý nợ... và chỉ có thể từng bước phục hồi. Vị chuyên gia nhấn mạnh phát triển sản xuất, thương mại dịch vụ mới là nòng cốt của TPHCM trong các tháng tiếp theo.
Cần đột phá, quyết liệt hơn nữa
TS. Cấn Văn Lực cho rằng kể cả con số dự báo tăng trưởng 6 tháng là 3,55% thì để hoàn thành mục tiêu cả năm 7-7,5% cũng rất thách thức cho TPHCM. Ông cho rằng TPHCM cần sự đột phá, quyết liệt hơn nữa để hoàn thành mục tiêu này.
Ở chiều ngược lại, TS Đinh Thế Hiển lạc quan với kết quả dự báo 6 tháng, không có lý do gì TPHCM không đạt được mục tiêu cả năm. Ông đặt nhiều kỳ vọng vào lĩnh vực thương mại dịch vụ, khi du lịch được mở cửa, khách quốc tế đến TPHCM nhiều hơn. Điều này cũng sẽ làm giảm tình trạng hàng loạt cửa hàng bỏ trống ở các tuyến phố vàng mà báo chí phản ánh rầm rộ thời gian qua.
TPHCM cần các giải pháp quyết liệt để thúc đẩy nền kinh tế (Ảnh: Khổng Chiêm).
Nhìn nhận thẳng thắn, Cục Thống kê TPHCM cũng lưu ý tình hình xuất khẩu của TPHCM tiếp tục khó khăn trong 5 tháng đầu năm khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi. Thu ngân sách Nhà nước giảm 4,5% so với cùng kỳ, ước tính 5 tháng đạt 43% dự toán.
Từ nay đến cuối năm, theo lãnh đạo Cục Thống kê TPHCM, thành phố cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp như hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm pháp, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả phía cung và cầu. Song song đó, thành phố có giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tăng cường xúc tiến đầu tư, thay thế, bổ sung các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống đang gặp khó khăn…
Ngày 8/6 tới đây, Quốc hội sẽ xem xét dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế đột phá phát triển TPHCM. Phát biểu tại buổi thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 30/5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu rõ lần này các cơ chế chính sách tập trung khơi thông các nguồn lực xã hội: Nguồn lực đầu tư xã hội thông qua các hình thức PPP, BOT, BT… hay các cơ chế giúp TPHCM huy động các nguồn lực qua phát hành trái phiếu… Ông Phan Văn Mãi tin nếu làm tốt các cơ chế này, TPHCM trong 5 năm tới sẽ huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Đây sẽ trở thành động lực mới của TPHCM và đất nước.
Cũng trong buổi thảo luận này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay có nhiều ý kiến nói TPHCM đang trong chiếc áo quá chật, cần nới ra ngay để thành phố phát triển. Vì thế, các chính sách thiết kế tại dự thảo nghị quyết về thí điểm cơ chế đột phá phát triển TPHCM sẽ được Quốc hội đưa ra nhằm giúp TPHCM có thêm nguồn lực, tự chủ, phân cấp phân quyền và giúp thành phố phát triển mạnh mẽ, xứng tầm.