Cho đến lúc này, có thể khẳng định thiệt hại về kinh tế do dịch Covid-19 đã nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP thế giới tăng trưởng âm 3%, Oxford Economics cũng vừa đưa ra một dự báo ở con số âm 2,8%.
Cả hai con số này, có lẽ đều ngoài sức tưởng tượng của các nhà kinh tế và hoạch định chính sách vì khủng hoảng năm 2009 GDP thế giới chỉ ở mức âm 0,1%.
Kinh tế Việt Nam cần chuyển hướng hơn về thị trường nội địa, giảm nhập khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước. Ảnh: THÀNH HOA
Nhưng tác động của dịch Covid-19 đến từng quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào cấu trúc và độ mở của nền kinh tế đó. Qua số liệu thống kê những năm gần đây, có thể thấy rằng sự phụ thuộc của Việt Nam vào xuất, nhập khẩu là rất lớn, như năm 2019, tổng giá trị xuất, nhập khẩu gần gấp 3 lần GDP.
Chính vì vậy, một câu hỏi khá quan trọng đặt ra là độ co giãn của xuất khẩu Việt Nam với GDP thế giới là bao nhiêu? Vì nếu có một cú sốc đối với kinh tế thế giới như hiện nay, thì GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào?
Nhóm tác giả đã xây dựng một mô hình kinh tế vĩ mô đơn giản theo tổng cầu dựa trên lý thuyết Neo-Keynesian. Theo đó, GDP (Y) là một hàm dựa trên Tiêu dùng của chính phủ (G), Tiêu dùng của khu vực tư (C), Đầu tư (I), Xuất khẩu (X), và Nhập khẩu (M):
Y = C+I+G+X-M
Dựa vào số liệu của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới (WB) từ 1989-2019, chúng tôi đã ước lượng các tham số của các phương trình chính như (C), (I), (X), (M), và hàm Giá (P). Kết quả các tham số được ước lượng của các hàm như bảng 1.
Kết quả cho thấy, độ co giãn của xuất khẩu phụ thuộc rất lớn vào GDP của thế giới, hệ số co giãn lên đến 5,39. Trong khi đó, độ co giãn của nhập khẩu phụ thuộc vào GDP trong nước lên đến 2,6.
Từ kết quả này, với dự báo về kinh tế thế giới trong năm 2020 là âm 3%, chúng tôi có thể dự báo GDP Việt Nam trong năm 2020 với nhiều kịch bản khác nhau, thông qua điều chỉnh mức Tiêu dùng của chính phủ (G), giả định lãi suất danh nghĩa ở mức 3,5%, và chỉ số giảm phát GDP thế giới là âm 3%.
Mô hình được trình bày ở trên có những hàm ý quan trọng như sau:
Thứ nhất, sự phụ thuộc của xuất khẩu Việt Nam vào GDP thế giới là rất lớn. Khi có cú sốc trên thị trường thế giới thì xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo GDP. Như ước lượng ở bảng 2, nếu các điều kiện khác không thay đổi, GDP thế giới âm 3% thì GDP Việt Nam âm 4,48%.
Thứ hai, nhập khẩu của Việt Nam hiện đang phụ thuộc nhiều vào GDP trong nước. Đặc biệt, hàm nhập khẩu của Việt Nam đang có tính chất Giffen, giá thế giới tăng thì vẫn tăng nhập khẩu, vì phải nhập hàng hóa thiết bị trung gian cho xuất khẩu, cũng như chất lượng hàng hóa trong nước chưa đảm bảo, có tâm lý sính hàng ngoại. Nếu giảm được nhập khẩu trong khi các yếu tố khác không đổi thì GDP sẽ tăng đáng kể.
Thứ ba, trong điều kiện xuất khẩu bị suy giảm, GDP của Việt Nam vẫn có thể trụ được, hoặc tăng trưởng vừa phải chỉ với tăng Tiêu dùng của Chính phủ. Việc tăng trần nợ công, tăng thâm hụt ngân sách trong hoàn cảnh hiện tại cũng là lựa chọn của rất nhiều Chính phủ. Trong một báo cáo toàn cảnh cập nhật tháng 4-2020 của BlackRock, bảng cân đối kế toán của các ngân hàng trung ương Anh, Eurozone, đặc biệt là Mỹ, dự báo tăng vọt trong giai đoạn 2020-2021. Các gói kích cầu chưa có tiền lệ cũng được khởi động ở nhiều nước. Dự báo nợ của các nước Eurozone lên đến gần 120% GDP, tăng 20-30% so với dự báo của IMF, riêng Mỹ có thể lên đến 140% GDP.
Những câu hỏi như nguồn ngân sách huy động từ đâu, sử dụng như thế nào để hiệu quả không nằm trong trao đổi này của nhóm tác giả. Mục đích chính của bài viết này là chỉ ra cho thấy cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam, trong mối tương quan giữa các cấu phần của GDP theo phương pháp tổng cầu. Tuy nhiên, sử dụng ngân sách cần lưu ý ưu tiên hỗ trợ đến nguồn lao động trực tiếp, các doanh nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế, hệ thống y tế, việc sắp xếp tổ chức lại các dịch vụ thiết yếu như trường học, bệnh viện, nguồn cung lương thực thực phẩm.
Các biện pháp ngoại lệ được sử dụng trong ngắn hạn để thích ứng với tình huống chưa có tiền lệ. Khủng hoảng do dịch Covid-19 có khi giúp các nhà hoạch định chính sách giật mình xem lại sự quá lệ thuộc vào một yếu tố, để từ đó có thể dần dần hài hòa hơn giữa các trọng số. Khủng hoảng rồi sẽ qua, kinh tế Việt Nam cần chuyển hướng hơn về thị trường nội địa, giảm nhập khẩu, kích thích tiêu dùng trong nước.