Từ xa xưa, người dân gọi 2 giếng nước phía tây nam hành điện Vạn Lại là giếng Mắt Rồng. Điều kỳ lạ là hàng trăm năm trôi qua, dù mùa hạn nhưng người dân trong vùng chưa bao giờ thấy 2 giếng cạn nước.
Ở thế kỷ XVI, vùng đất xã Thuận Minh và Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay là kinh đô kháng chiến mang tên Vạn Lại - Yên Trường. Gần 500 năm qua, kinh đô từng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc trung hưng nhà Lê nhưng dường như đang bị quên lãng. |
Dưới chân đồi Phủ, thôn 8, xã Thuận Minh, cách cửa nghinh môn của hành cung Vạn Lại khoảng 300m còn tồn tại một cặp giếng tựa hình mắt rồng (ở thế ẩn). Cặp giếng Mắt Rồng tọa lạc tại cánh đồng Sao, thôn 7, xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Con đường dẫn vào khu vực giếng Mắt Rồng ở kinh đô Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Hạnh Linh).
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - Chủ tịch Hội khoa học - lịch sử Thọ Xuân (Thanh Hóa), giếng Mắt Rồng nằm ở hướng tây nam của hành cung Vạn Lại, với thế đất hình rồng vàng. Trên lưng con rồng là thế quốc ấn.
Bằng kinh nghiệm nghiên cứu của mình, ông Hùng cho biết, đây là thế đất đẹp được chọn xây dựng hành điện. Nhờ thế đất vàng ấy mà từ đây đã giúp nhà Lê Trung Hưng ngày càng phát triển, quân hùng, tướng mạnh, thực hiện thắng lợi việc trung hưng, đánh lui nhà Mạc, thu phục lại đất nước sau hơn 60 năm nội chiến.
Kể về cặp giếng Mắt Rồng, bà Nguyễn Thị Đỡ (96 tuổi, thôn 6, xã Thuận Minh), cho biết thuở nhỏ, bà được nghe ông bà, bố, mẹ kể về hành cung Vạn Lại, là nơi vua ngự triều bàn việc với văn quan, võ tướng. Riêng cặp giếng Mắt Rồng một cái to, một cái nhỏ, là nguồn nước để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt ở hoàng cung.
"Ông bà căn dặn, khi đi chăn trâu, cắt cỏ, tuyệt đối không được trèo lên voi đá, ngựa đá ở cửa nghinh môn, là phạm húy, là có tội. Cặp giếng Mắt Rồng là đôi mắt thiêng của rồng vàng, khát có thể xin uống, nóng thì lấy nước tắm", bà Đỡ nhớ lại.
Cặp giếng Mắt Rồng còn sót lại ở kinh thành Vạn Lại - Yên Trường (Ảnh: Mai Ngọc).
Sống gần một thế kỷ, bà Đỡ chưa bao giờ thấy nước giếng cạn. Có những năm hạn hán, ruộng đồng quanh vùng nứt nẻ, giếng nước của người dân trong thôn cũng cạn kiệt nhưng nước giếng ở hành cung Vạn Lại vẫn đầy ăm ắp.
Giếng sâu, nước trong xanh, đứng trên bờ giếng có thể nhìn thấy đáy. Xung quanh thành giếng được bảo vệ bởi các tầng, lớp đá ong vững chắc.
Xung quanh giếng là tầng lớp đá ong, nước giếng trong (Ảnh: Hạnh Linh).
Ông Lữ Văn Trưởng - cán bộ công chức Văn hóa - Xã hội, xã Thuận Minh - cho biết, 2 giếng song song với nhau, cách nhau 7,51m. Giếng có kết cấu hình tròn, đường kính của 2 giếng khác nhau (giếng có vị trí thiên về phía tây, đường kính 2,01m. Giếng có vị trí thiên về phía đông, đường kính 3,72m).
Đây là 2 giếng có nguồn nước ngầm được dâng trào lên từ lòng đất. Do khúc xạ của ánh mặt trời, tạo ra một hình tròn bóng nước ngay giữa giếng rất ly kỳ.
Giếng nước một thời phục vụ sinh hoạt trong kinh đô xưa nay bị bỏ hoang, cỏ lan ra gần nửa giếng (Ảnh: Hạnh Linh).
"Năm 2020, khi người dân cùng chính quyền nạo vét, dọn dẹp cặp giếng, có vớt được rất nhiều đồng tiền xu cổ", ông Trưởng kể.
Theo ông Hoàng Hùng, nước tại 2 giếng Mắt Rồng là nguồn nước quý, chỉ dùng để hành lễ ở hành điện Vạn Lại và dùng sinh hoạt trong hoàng cung xưa.
Những đồng tiền cổ người dân vớt được khi nạo vét giếng Mắt Rồng năm 2020 (Ảnh: Lữ Văn Trưởng).
Có tài liệu đề cập, nước giếng mát trong về mùa hè, ấm về mùa đông. Nước có vị ngọt ít nơi nào sánh được. Dùng nước giếng này pha trà, hãm trà xanh có vị ngọt thanh, khó lẫn với nước giếng của những nơi khác.
Sau khi nhà Lê Trung Hưng di chuyển ra Thăng Long, hành điện Vạn Lại trở thành nơi thờ tự của nhà Lê cho đến khi bị quân Tây Sơn đốt phá.
Đến nay, 2 giếng bị bỏ hoang, cỏ mọc tràn bờ. Dù bị bỏ hoang, nhưng theo năm tháng, nguồn nước ở đây vẫn trong xanh, hương vị ngọt ngào.