Hàng năm vào những ngày đầu xuân năm mới, rất nhiều lễ hội độc đáo như: lễ hội Linh tinh tình phộc (Phú Thọ), lễ cướp chiếu cầu quý tử ở Vĩnh Phúc hay hội làng Triều Khúc nổi tiếng với điệu múa “con đĩ đánh bồng”… lại thu hút hàng nghìn du khách đến tham dự, cầu may mắn…
Lễ hội “phồn thực” độc nhất Việt Nam
Lễ Linh tinh tình phộc được tổ chức tại miếu Trò làng Trám (còn có tên là miếu Đụ Đị), xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Nghi lễ tái hiện cảnh giao hợp của đàn ông và đàn bà và được xem là biểu hiện của tín ngưỡng phồn tực của cư dân nông nghiệp xưa, với mong muốn vạn vật sinh sôi nảy nở. Miếu Trò nơi diễn ra nghi lễ đóng cửa quanh năm, chỉ mở cửa đúng vào đêm 11, rạng sáng ngày 12 tháng Giêng. Trong miếu thờ linh vật dân gian gọi là Nõ – Nường, biểu tượng của “người nam” và “người nữ”.
Hộp Nõ và Nường được đặt trước bàn thờ để chuẩn bị cho nghi thức quan trọng nhất. Ảnh: Mạnh Thắng |
Đúng 0 giờ đêm 11, rạng sáng ngày 12, cụ chủ lễ sẽ lấy ra cặp sinh thực khí bằng gỗ được cất rất cẩn thận trong chiếc hòm đỏ phía trên bàn thờ trong miếu.Tiếp đó, cụ chủ lễ đưa “linh vật” cho một cặp nam nữ, người nam cầm “cái của nam” còn người nữ cầm “cái của nữ”. Đèn tắt phụt, đồng thời vang lên khẩu lệnh của cụ chủ lễ “linh tinh tình phộc”. Sau khẩu lệnh, đôi nam nữ “phộc” sinh thực khí bằng gỗ vào nhau 3 lần.
Khẩu lệnh “Linh tinh tình… Phộc” lặp lại 3 lần, sau mỗi lần, trong bóng tối, người nam dùng Nõ đâm “phộc” vào Nường. Theo quan niệm của người dân, nếu cả ba lần Nõ đâm trúng Nường thì năm đó thời tiết thuận hòa, mùa màng bội thu… Ảnh: Mạnh Thắng
Lễ hội thu hút hàng nghìn người đến tham dự. Ảnh: Mạnh Thắng |
Trong bóng tối, dân làng nín thở chờ đợi. Họ tin rằng nếu đôi trai gái đâm trúng cả 3 lần thì năm đó, âm dương hòa hợp, mùa màng tươi tốt, cây cối xanh tươi...
Lễ mật xong, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái trong làng được “tự do yêu đương”, thỏa sức làm “chuyện trai gái” nếu muốn. Nếu 9 tháng 10 ngày sau sinh con, đứa con ấy được coi là “trời ban”, cả làng sẽ cùng nhau nuôi dưỡng.
Kỳ lạ lễ hội “đánh nhau, cầu may” ở Thanh Hóa
Đến hẹn lại lên, hàng năm cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng, hàng nghìn người lại đổ về chợ Chuộng, xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa để dự lễ hội “đánh nhau, cầu may”. Vì thế, phiên chợ đặc biệt này còn được gọi là: chợ ẩu đả, chợ choảng nhau, chợ ân oán, giải xui…
Cứ đến mùng 6 âm lịch hàng năm, người người ở khắp nơi đổ về chợ Chuộng ở Đông Hoàng để ném nhau cầu may mắn. Ảnh: Nguyễn Thùy |
Nét độc đáo của phiên chợ là là không phân biệt già trẻ, gái trai, càng nhiều người đến tham gia càng vui. Những người đến chợ sẽ được hòa vào không khí rượt đuổi nhau, đánh ném nhau bằng cà chua để xua đi cái xui xẻo của năm cũ và mong đón một cái năm mới bình an, thuận lợi.
Người dân quan niệm năm nào càng “ choảng nhau ” to, người nào nhận được nhiều cà chua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm, xuôi gió.
Độc đáo ở phiên chợ chuộng là ném nhau để cầu bình an, may mắn. Ảnh: Nguyễn Thùy |
Người dân quan niệm năm nào càng “ choảng nhau ” to, người nào nhận được nhiều cà chua thì năm đó sẽ gặp nhiều may mắn, làm ăn thuận buồm, xuôi gió. Ảnh: Nguyễn Thùy |
Vài năm trước, chợ Chuộng đã để lại nhiều hình ảnh xấu xí cho người dân và du khách bởi tình trạng “đánh nhau” cầu may đã trở thành đánh nhau thật. Bởi sự thù hằn của thanh niên làng với nhau đều chờ đến phiên chợ Chuộng để “giải quyết” khiến nhiều người sứt đầu mẻ trán.
Khoảng vài năm trở lại đây, chợ Chuộng đã dần lấy lại được hình ảnh khi chính quyền địa phương đã siết chặt công tác chuẩn bị nên cảnh tượng “ đánh nhau ” thật đã không còn.
Độc đáo lễ hội con trai lả lơi giả gái trong lễ hội “con đĩ đánh bồng”
Lễ hội nàng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) thường được tổ chức vào ngày mùng 9.1 hàng năm. Lễ hội được dân làng tổ chức để tưởng nhớ Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng – Vị vua được người dân Triều Khúc tôn xưng là thánh hay Thành Hoàng làng.
Dù đều là nam song để múa điệu "đĩ đánh bồng" họ đều được hóa trang giả nữ với son phấn, váy áo mớ ba mớ bảy... đội khăn xếp bên trong khăn mỏ quạ. Ảnh: Hữu Nghị |
Một trong những phần đặc sắc nhất được người dân mong chờ trong lễ hội là màn múa “Con đĩ đánh bồng” được biểu diễn bởi trai làng Triều Khúc. Đây là điệu múa “độc nhất vô nhị” của hội làng Triều Khúc, gần như không ở đâu có được. Sở dĩ điệu múa phải sử dụng các chàng trai giả gái là vì đình làng là khu vực linh thiêng, trước đây phụ nữ không được phép đặt chân vào.
Điệu múa trai giả gái không phải hiếm gặp song các động tác múa thể hiện sự lả lơi đã giúp điệu múa này ngày càng trở nên nổi tiếng. Ảnh: Hữu Nghị |
Cũng vì thế mà những chàng được chọn để múa Bồng đều là trai làng và phải là những chàng trai trẻ, khôi ngô, có nhân phẩm tốt. Đặc biệt, các chàng trai được lựa chọn để thực hiện múa Bồng đều phải trải qua quá trình tuyển chọn và huấn luyện kỹ càng, đều phải là các thanh niên trẻ, đổ tuổi trên dưới 20, khi thực hiện điệu múa động tác phải uyển chuyển, nét mặt tươi cười không khác gì phụ nữ.
Lễ hội “cướp chiếu” cầu quý tử ở Vĩnh Phúc
Lễ hội độc đáo này có tên là “Đúc Bụt” được tổ chức vào ngày mùng 8 tháng Giêng hàng năm tại thôn Phù Liễu, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương, Vĩnh Phúc).
Trát bùn xong, ba chiếc chiếu được chuẩn bị từ trước được chụp lên ba Bụt. Trên đỉnh chiếu có gắn bó mạ nhỏ. Ảnh: Quý Đoàn |
Lễ hội diễn ra theo truyền tích Đức bà Ngọc Kinh công chúa chiêu tập nghĩa sĩ dưới ngọn cờ cứu nước của Hai Bà Trưng. Trong đó, phần hấp dẫn nhất của lễ hội là nghi thức cướp chiếu cói bởi theo tâm linh ai giành được manh chiếu sẽ mang lại may mắn cả năm, các gia đình nào chưa có con cái sẽ sinh được quý tử.
Cảnh tranh cướp diễn ra quyết liệt. Ai cũng muốn lấy được một vài cọng chiếu với hy vọng sẽ có được tài lộc, con cái. Ảnh: Quý Đoàn |
Theo đó, sẽ có 3 “bụt” đươc chọn để làm lễ là những thanh niên chưa vợ, ngoan ngoãn, xuất thân trong gia đình văn hóa. Mở đầu, 3 bụt sẽ được làm lễ trong đền Đức Bà, sau đó tắm ở giếng nước thiêng đầu thôn và trát bùn toàn thân. Cuối cùng, 3 chiếc chiếu cói sẽ được chụp lên đầu mỗi bụt, trên đỉnh là bó mạ non xanh mướt. Khi bụt vào cổng đình làm lễ xong, hàng nghìn người dân đã vào giằng co, cướp chiếu.
Cảnh tranh cướp diễn ra quyết liệt. Ai cũng muốn lấy được một vài cọng chiếu với hy vọng sẽ có được tài lộc, con cái. Hàng năm, lễ hội độc đáo này thu hút hàng nghìn người dân địa phương và du khách các tỉnh lân cận đến tham dự.
Hội thề không tham nhũng ở Hải Phòng
Đây là lễ hội Minh Thề, được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm tại miếu làng Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Lễ hội Minh Thề thể hiện sự quyết tâm của con người về một đạo lý, nhân cách sống trong sạch, tử tế, không tham của công.
Rượu thiêng được dâng lên cho các bô lão trong làng uống thề không tham nhũng. Ảnh: Thu Hằng |
Trong lễ hội, một người sẽ được chọn để đọc Hịch văn Minh Thề như: “Chúng tôi gồm những người làm việc công của làng, họp trước đền theo tục lệ uống máu ăn thề, xin thề các điều sau: Nếu lấy của công làm việc công thì được các thần linh ủng hộ. Nhược bằng, có lòng tham, lấy của công làm của tư, nguyện cầu các chư vị thần linh đả tử! Y như lời thề…”.
Lời tuyên thệ được một nông dân trong làng đọc vang lên đầy uy nghiêm trong lễ Minh Thề. Ảnh: Thu Hằng |
Sau mỗi đoạn của hịch văn minh thề, các vị trong đoàn bồi lễ giơ tay biểu lộ quyết tâm cùng nhau: “Y như lời thề”. Sau nghi lễ cắt tiết gà hòa rượu ăn thề, các bô lão cùng dâng rượu thề lên quan khách, nhân dân đến tham dự. Lễ hội này bị gián đoạn trong những năm chiến tranh và được phục dựng lại cách đây hơn 13 năm, với mong muốn giữ gìn một nét đẹp văn hóa và kỷ cương làng xã. Tuy nhiên, dù thu hút đông du khách nhưng rất hiếm quan chức đến đọc lời thề ở lễ hội.
Hiệp Nguyễn (Dân trí)
Tổng hợp