Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa. Vốn FDI năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD.
Sáng 11/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết từ năm 2020 đến nay, thế giới đang thay đổi rất nhanh, căn bản, toàn diện và sâu sắc, đồng thời cũng rất phức tạp, khó khăn, khó dự báo trên nhiều lĩnh vực về kinh tế, tài chính, chính trị, xã hội, an ninh khu vực và toàn cầu.
Thế giới năm 2023 có thể vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình thay đổi này, với hàng loạt biến động từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Kinh tế Trung Quốc chậm lại. Đối đầu về công nghệ, tài nguyên chiến lược giữa Mỹ, Trung Quốc và EU. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực.
Căng thẳng địa chính trị, xung đột thúc đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thương mại, đầu tư toàn cầu, hình thành trật tự, cấu trúc kinh tế mới, địa phương thế giới "đa cực, đa trung tâm", cạnh tranh, đối đầu và xung đột nhiều hơn.
Bối cảnh tình hình thế giới đã tác động không nhỏ, trong cả trước mắt và lâu dài đến nền kinh tế của cả nước và các địa phương. Tuy nhiên Bộ trưởng cho biết Việt Nam đã vững chắc vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2023, đặc biệt trong tâm thế bản lĩnh, tự tin, từng bước giải quyết những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế trong thời hạn ngắn.
Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế thế giới.
Thu hút FDI đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết năm 2023 được đánh giá là năm thành công thu hút vốn FDI. Cụ thể, vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD với hàng loạt dự án chất lượng cao như các dự án sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip.
Vốn FDI vào Việt Nam năm 2023 đạt kỷ lục 36,6 tỷ USD (Ảnh: IT).
Trình bày báo cáo tổng kết, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã có những cải thiện rõ rệt qua từng tháng, là động lực quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế năm nay. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 ước đạt khoảng 95%, cao hơn năm 2022 khoảng 3,58 điểm % (91,42%).
Hoạt động đầu tư công đã nỗ lực khắc phục bằng được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển… các "quả đấm thép" cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.
Cụ thể như đã giảm từ khoảng 60 chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 xuống 21 chương trình giai đoạn 2016-2020, đến nay chỉ còn 3 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025.
12.000 dự án sử dụng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2016-2020 được cắt giảm xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung đầu tư trọng tâm, trọng điểm những dự án lớn, quan trọng, nền tảng kết cấu hạ tầng của nền kinh tế. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.
Dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam
Năm 2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiều hoạt động về đổi mới sáng tạo, tham mưu nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, thúc đẩy phong trào đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
"Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ, đã bước đầu viết nên câu chuyện về đổi mới sáng tạo, dần định hình hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam", Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo.
Trong đó, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính là hạt nhân, là đầu tàu tiên phong. NIC là nhân tố quan trọng hình thành hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ cho đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.
Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm và các giải pháp công nghệ mới trong 8 lĩnh vực trọng tâm của NIC cũng thu hút hơn 50.000 người tham dự.