Mặc dù được gọi là phở nhưng món ăn này không giống các món phở thông thường mà có cách chế biến và hình thức phục vụ riêng, hấp dẫn thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức.
Những du khách từng đặt chân tới Gia Lai, nhất là các tín đồ “cuồng” phở thường truyền tai nhau rằng, nếu đến đây nhất định phải thưởng thức “phở hai tô” – một trong những món ăn không thể bỏ lỡ của phố núi.
“Phở hai tô” hay còn được biết đến với tên gọi khác là phở khô. Sở dĩ có tên gọi độc đáo như vậy là do quá trình chế biến, hình thức phục vụ và cách thưởng thức của món ăn này không giống các tô phở thông thường.
"Phở 2 tô" thực chất là món phở khô với phần bánh phở và tô nước dùng được để riêng (Ảnh: Phở khô Hưng Huỳnh).
Thay vì chan nước dùng (nước lèo) trực tiếp lên phở, người Gia Lai sẽ phục vụ thực khách cùng lúc hai tô, một tô đựng bánh phở và một tô đựng nước dùng. Khi ăn, thực khách thưởng thức bánh phở riêng rồi húp một ngụm nhỏ nước dùng đậm đà.
Ở Gia Lai, một tô phở khô thông thường có các nguyên liệu như bánh phở đã trụng kèm tóp mỡ, hành phi, hành lá, thịt xay… Ngoài ra, trong phần nước dùng còn có thêm thịt bò, bò viên hoặc xương. Tùy theo bí quyết chế biến của từng quán hoặc khẩu vị, sở thích của thực khách mà phở khô sẽ được phục vụ với các nguyên liệu khác nhau.
Phở khô Gia Lai là một trong mười đặc sản Việt Nam được tổ chức kỉ lục châu Á công nhận đạt giá trị ẩm thực châu Á vào năm 2012 (Ảnh: Uka Nguyen).
Một trong những thành phần tạo nên sự khác biệt cho món "phở 2 tô" chính là bánh phở. Nguyên liệu này khiến nhiều người thoạt nhìn sẽ lầm tưởng với hủ tiếu nhưng thực chất nó là loại bánh phở đặc trưng chỉ có thể tìm thấy ở Gia Lai.
Phở ở đây được làm hoàn toàn từ gạo, sợi tròn và mảnh chứ không mềm, dẹt như phở thông thường. Bởi vậy, khi trụng xong, phở vẫn có độ dai và thơm chứ không bị nhũn hay nát.
Loại phở khô đặc trưng ở phố núi Gia Lai (Ảnh: Huyền Trang).
Khi thực khách gọi món, chủ quán bắt đầu trụng phở rồi trộn sẵn thêm các gia vị, tóp mỡ, hành phi và thịt băm. Tuy nhiên, để món ăn có hương vị lạ miệng, đặc trưng hơn, người dân nơi đây còn cho thêm tương đậu đen được lên men từ đậu nành, đem rưới đều và trộn với phở giúp dậy mùi thơm.
Muốn tương đen ngon, người ta phải tuyển chọn kỹ lưỡng từ những hạt đậu nành chất lượng của vùng cao nguyên, đảm bảo to, mẩy, mịn và bóng, sau đó trải qua các bước nấu, ủ kỳ công để tạo nên lớp tương sánh mịn, thơm ngon rất riêng.
Tương đen được ví như "linh hồn" của món "phở 2 tô" (Ảnh: Phở khô Hưng Huỳnh).
Yếu tố hấp dẫn của món “phở 2 tô” còn nằm ở phần nước dùng hầm từ xương heo, được chế biến cầu kỳ để có độ trong và ngọt thanh tự nhiên bày biện kèm vài lát thịt bò tươi thái mỏng. Ngoài ra còn có gầu bò, bò viên xắt miếng vừa ăn.
Khi thưởng thức, thực khách trộn đều các nguyên liệu có trong tô, thêm chút rau thơm, giá đỗ thanh mát và rưới thêm chút tương đen hấp dẫn rồi từ từ cảm nhận. Vị bùi ngậy của tương, hòa lẫn với sợi phở dai mịn, thêm chút nước dùng đậm đà khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi.
Phở khô Gia Lai được nhận xét là món ăn không dành cho người vội vàng. Tuy không nóng hổi như các món phở khác nhưng “phở 2 tô” đòi hỏi người ăn phải kiên nhẫn, tỉ mỉ gia giảm các nguyên liệu rồi trộn đều và từ từ thưởng thức (Ảnh: Hưng Huỳnh).
Tới phố núi, du khách có thể dễ dàng tìm và thưởng thức món phở khô tại nhiều nhà hàng, quán ăn ven đường với mức giá từ 35.000 – 40.000 đồng/bát.