Những cục đất sau khi đào về được người dân đem gọt tỉ mỉ, xắt thành miếng nhỏ như bánh quy. Đất có thể ăn sống hoặc đem hun khói với lá sim tươi. Đây là món ăn lạ, rất hiếm thấy ở Việt Nam.
Nằm ngay sau thị trấn Lập Thạch, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, có một ngôi làng được gọi với cái tên kỳ lạ là “làng ăn đất” hay “làng ăn đặc sản”. Với các bậc bô lão, từ nhiều đời nay, tục ăn đất chẳng có gì lạ. Thậm chí, đó là một thói quen gây nghiện. Đất là món quà vặt như ở nơi khác người ta ăn kẹo dồi, bánh khảo…
Đây chính là món ăn lạ hiếm thấy ở Việt Nam. (Ảnh: vietnamnet) |
Tục ăn đất ở đây đã có từ rất lâu, không ai nhớ rõ. Qua lời kể của những người lớn tuổi nhất trong làng thì từ khi sinh ra, họ đã thấy cha, ông thường ngày vẫn hay cầm miếng đất ngói ăn ngấu nghiến.
Khách thập phương nghe đến tên món ăn thì cất công tìm đến để được tận mắt chứng kiến nhưng ít ai người dám ăn thử. Còn theo người dân Lập Thạch, một khi đã ghiền món này thì người ăn không thể quên được vị béo, ngậy của đất, cộng thêm mùi thơm đặc trưng của lá sim tươi hun khói.
Loại đất mà người dân dùng để ăn không phải đất bình thường trồng trọt cây cối ở vườn mà chỉ có thể tìm thấy ở vùng Lập Thạch.Trước đây, đất ngói có thể tìm thấy trên nhiều ngọn núi, nhưng do việc khai thác diễn ra qua nhiều đời nên giờ số lượng chỉ còn rất ít. Muốn lấy được đất ngói phải đào hố sâu 3-7m, đến khi gặp những vỉa đất màu trắng như cục phấn mới dùng ăn được. Khi đào thấy đất phải dùng búa đục từng mảng một, cho vào rổ đưa cho người trên bờ.
Ngói có hai màu có thể dùng để ăn là màu trắng sữa như bánh khảo và màu xanh như chè lam. Theo kinh nghiệm, người khỏe răng có thể ăn được ngói màu xanh lam, người già chỉ ăn ngói màu trắng sữa. Ngói xanh ăn sẽ ngậy hơn nhưng cứng. Đất được khai thác về còn nhiều tạp đất, sạn nên cần phải gọt, đẽo thật sạch và tách thành từng miếng nhỏ như kẹo lạc.
Đất thường được hun với khói lá sim để có hương vị đặc trưng. (Ảnh: Internet) |
Ngói có thể ăn sống, nhưng để có mùi vị hấp dẫn cần trải qua công đoạn chế biến khá tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Người dùng phải hái thêm lá cây sim tươi đốt cháy rồi đưa đất lên hơ trước ngọn lửa. Khói sẽ ám vào từng miếng đất, làm cho đất thơm hơn. Nếu không có "gia vị" này, món ngói sẽ mất ngon, không thơm, không bùi. Khi miếng đất hơi ngả màu vàng và có mùi của lá sim là có thể thưởng thức được. Ăn vào sẽ có cảm giác như ăn miếng lương khô nhưng không bị khát nước.
Trước đây, không chỉ dân Lập Thạch ăn mà còn nhiều người ở các huyện, tỉnh lân cận cũng về mua về làm quà. Thậm chí, khoảng 20-30 năm trước, đất ăn được bày bán tràn lan ở chợ, như bán rau, bán thịt nên Lập Thạch từng là đầu mối cung cấp đất ăn cho nhiều địa phương trong, ngoài Vĩnh Phúc như: Tam Dương, Vĩnh Tường, Lâm Thao, Phù Ninh (Phú Thọ), xa hơn là ở tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang.
Ngày nay, không còn nhiều người trẻ giữ được thói quen ăn đất mà chỉ còn vài cụ cao niên trong thôn xem đất ngói là món ăn khoái khẩu, không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật như vợ chồng cụ Khổng Văn Loa và cụ Khổng Thị Biện, nay đều đã ngoài 82 tuổi.
Đất được cho là có nhiều tác dụng đối với sức khỏe con người. (Ảnh: vietnamnet) |
Những vị cao niên trong làng chia sẻ, người dân nơi đây ăn đất phần vì thói quen, phần vì suy nghĩ ăn loại đất này tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, đất ngói một thời từng được coi là “đầu câu chuyện”, gắn kết người dân trong làng vì mỗi khi gặp gỡ hay đến nhà ai, người dân nơi đây đều mời nhau ăn miếng đất ngói thay cho miếng trầu quen thuộc.
Về nguyên nhân ăn đất, nhiều nhà khoa học cho rằng, người ta ăn đất (ngói) để bổ sung lượng muối khoáng và nguyên tố vi lượng (chất dinh dưỡng vô cơ) mà cơ thể thiếu. Do đó, điều này đặc biệt dễ thấy ở những người đàn bà đang trong kỳ thai nghén.
Khoa học thế giới còn nhắc đến một số nguyên nhân khác, chẳng hạn: ăn đất do đói trong những thời kỳ đói kém, ăn đất để tiêu độc, giải độc, trị đau bụng hay nhằm giải tỏa căng thẳng về thần kinh, tâm sinh lý.
Hoàng Ngọc / dantri
Tổng hợp