Lai Châu là tỉnh miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, có diện tích tự nhiên là 906.878,7 ha, trong đó đất sản xuất nông lâm nghiệp chiếm 91,83%, đất chưa sử dụng chiếm 49.515,96 ha. Là vùng đầu nguồn đặc biệt xung yếu của sông Đà, nguồn sinh thủy dồi dào và ổn định, cấp nước cho các công trình thủy điện lớn như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình và vùng châu thổ sông Hồng. Đây là điều kiện quan trọng để Lai Châu phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp - thủy sản, góp phần giúp cho kinh tế của tỉnh phát triển bền vững. Tỉnh Lai Châu có 265,095 km đường biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở tiểu ngạch, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu có độ cao trung bình trên 1000m so với mực nước biển, nhiều vùng có khí hậu ôn đới (như Cao nguyên Sìn Hồ, các xã vùng cao biên giới huyện Mường Tè, Phong Thổ, các xã gắn với dãy Hoàng Liên Sơn), rất thích hợp cho việc trồng và phát triển các loại hoa, rau màu, cây ăn quả, cây dược liệu, nuôi cá nước lạnh và phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch cộng đồng. Lai Châu nằm ở vùng thượng lưu của Sông Đà, có mật độ sông suối cao, diện tích lưu vực lớn, địa hình dốc, nguồn thủy năng dồi dào, là điều kiện tốt để phát triển hệ thống thủy điện nhỏ và vừa. Ngoài ra, Lai Châu còn là địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên với 120 điểm mỏ có trữ lượng lớn, đặc biệt là các mỏ đất hiếm với trữ lượng khoảng 14 triệu tấn. Đây là cơ hội để tỉnh phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và công nghiệp chế biến.
Hiện tỉnh Lai Châu có 08 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 07 huyện và 01 thành phố với dân số tính đến hết năm 2013 là 414.800 người. Phía bắc giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; phía đông giáp tỉnh Lào Cai, Yên Bái; phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Điện Biên và Sơn La. Lai Châu có vị trí chiến lược, quan trọng về bảo đảm quốc phòng an ninh và bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, Lai Châu còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy điện vừa và nhỏ, thương mại và du lịch. Sau 10 năm chia tách và thành lập, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và nhà nước, sự đoàn kết, cố gắng nỗ lực vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân, nâng cao hiệu quả quá trình phát triển kinh tế xã hội. Trong những năm qua, kinh tế xã hội của tỉnh luôn phát triển nhanh và ổn định, năm sau cao hơn năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiệu quả và năng lực cạnh tranh sản phẩm từng bước được nâng lên, tốc độ thu ngân sách trên địa bàn tăng nhanh. Nông lâm nghiệp phát triển tương đối bền vững, sản lượng lương thực tăng cao và vững chắc, hình thành một số cánh đồng lớn sản xuất tập trung như: Mường Than, Bình Lư, Mường So,... Cao su đại điền phát triển mạnh, tạo hướng đi mới cho xóa đói, giảm nghèo, ổn định dân cư; vùng chè được cải tạo chất lượng, khôi phục sản xuất và thương hiệu chè Lai Châu; Kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, nhiều công trình quan trọng đã được đầu tư và đưa vào sử dụng, hệ thống đô thị phát triển nhanh, xây dựng hiện đại, đồng bộ; đời sống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, nhất là nhân dân các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa đã có nhiều khởi sắc và ngày càng được nâng lên. Có được kết quả đó là nhờ tỉnh đã có chiến lược phát triển đúng đắn trên cơ sở tận dụng khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, ban hành nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư; đồng thời đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại địa bàn tỉnh.
Về Nông - Lâm nghiệp: Tỉnh Lai Châu có diện tích lớn, có chế độ khí hậu, thổ nhưỡng phong phú, đa dạng, là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại cây trồng nông - lâm nghiệp như trồng rừng, trồng cây lương thực, rau hoa màu, và đặc biệt rất thuận lợi để phát triển một số loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: cao su, chè, thảo quả và các cây ăn quả ôn đới,.... Nhận thấy được tiềm năng đó, tỉnh đã có chủ trương và ban hành những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp đối với các nhà đầu tư trong việc phát triển vùng chè, cao su và thảo quả tập trung với quy mô lớn. Tính đến nay, toàn tỉnh Lai Châu có gần 3.300 ha chè, trong đó chè kinh doanh có trên 2.800 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Uyên, Tam Đường và Thành phố Lai Châu. Bên cạnh đó, Lai Châu vẫn còn nhiều diện tích đất trống chưa sử dụng có thể trồng, phát triển cây chè và nhiều loại cây trồng khác. Tỉnh cũng đã có chủ trương và ban hành chính sách phát triển diện tích cây chè đến năm 2015 với phương châm “phát triển tập trung không dàn trải, chú trọng trồng và chế biến chè chất lượng cao”. Hiện Lai Châu có 5 nhà máy lớn và trên 100 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và chế biến chè, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng, đã và đang được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như: Chè Than Uyên, Chè Tam Đường. Nhờ có chính sách phát triển phù hợp nên những công ty này đã chú trọng đầu tư công nghệ cao để sản xuất, chế biến chè chất lượng cao, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài như Nga, Nhật bản, Pakiztan, ….
- Cùng với cây Chè, Chương trình phát triển cây cao su cũng đã và đang trở thành hướng đi đột phá trong phát triển Nông - Lâm nghiệp của tỉnh. Tính đến hết năm 2013, tỉnh đã thu hút được 3 công ty cổ phần cao su thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam vào đầu tư với tổng diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đạt 11.138 ha; do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên số diện tích cao su hiện có đang sinh trưởng và phát triển tốt. Cây cao su đang được đánh giá là cây công nghiệp mũi nhọn và có nhiều triển vọng để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa trong những năm tới của tỉnh. Việc đưa vào trồng cây cao su không chỉ tận dụng được những diện tích đất trống, đồi núi hoang hóa mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm, thay đổi tập quán canh tác, nhận thức, nâng cao trình độ dân trí cho nhân dân các dân tộc trong vùng dự án. Năm 2014, tỉnh Lai Châu đã có kế hoạch trồng mới 2.000 ha cây Cao su ở các huyện: Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Than Uyên và Mường Tè. Đặc biệt, Lai Châu còn quy hoạch được nhiều diện tích rừng kém hiệu quả để trồng cao su, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cùng tỉnh phát triển các vùng cao su đại điền.
- Bên cạnh cây chè và cây cao su đang phát triển mạnh thì cây thảo quả cũng được coi là cây trồng có nhiều triển vọng để phát triển, góp phần nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh có 5.357 ha cây thảo quả với sản lượng đạt gần 1.300 tấn, tăng 4,1lần so với năm 2004.
- Cùng với diện tích đất trồng cây công nghiệp, Lai Châu còn có tiềm năng lớn để phát triển cây lương thực theo hướng sản xuất hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có trên 52.000ha đất trồng cây lương thực có hạt. Với tiềm năng về đất đai cùng điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp để gieo trồng các giống lúa chất lượng cao và phát triển thành vùng thâm canh cây lương thực theo mô hình cánh đồng lớn như: cánh đồng Mường Than, cánh đồng Bình Lư, cánh đồng Mường So,… Nhờ vậy, mà từ chỗ là tỉnh sản xuất lương thực mang tính tự cung tự cấp, đến nay tỉnh đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lương thực theo hướng hàng hóa chất lượng cao. Ngoài ra, Lai Châu còn có nguồn tài nguyên rừng đa dạng và phong phú. Toàn tỉnh hiện có gần 400.000 ha đất có rừng, có hệ thống thảm thực vật đa dạng, đặc biệt có nhiều loại sản phẩm lâm sản có giá trị cao như nghiến, táu, pơmu,.... Do có chính sách thu hút, ưu đãi hợp lý, đến nay Lai Châu đã thu hút được nhiều doanh nghiệp vào tham gia trồng và phát triển rừng kinh tế, rừng nguyên liệu phục vụ cho phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Cũng nhờ đó, đã nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt hơn 43,6%.
- Tiềm năng nuôi trồng thủy sản: Với hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc, Lai châu có diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản rộng hơn 740ha và hơn 16.000 ha diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, rất thuận lợi cho phát triển ngành nuôi trồng thủy sản, thủy cầm. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều nguồn nước sạch và lạnh có thể nuôi trồng thủy sản nước lạnh có giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm, tôm càng xanh,... tập chung chủ yếu ở các huyện: Sìn Hồ, Phong Thổ, Tam Đường. Hiện nay, tỉnh đã có chủ trương nuôi thử nghiệm cá tầm lấy trứng ở địa bàn huyện Tân Uyên. Nhờ có những chính sách phát triển hợp lí đã góp phần đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng cao, sản lượng thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể là: sản lượng thủy sản đã tăng từ 774 tấn năm 2005 lên 1.736 tấn năm 2013. Để khai thác tiềm năng này, tỉnh đã tổ chức khảo sát và có chủ trương phát triển kinh tế vùng lòng hồ, trong đó lấy nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn làm chiến lược phát triển lâu dài.
Tiềm năng phát triển công nghiệp: Lai Châu có nguồn tài nguyên vô cùng phong phú để phát triển công nghiệp khai khoáng, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Qua khảo sát ban đầu cho thấy, trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 120 điểm khoáng sản với nhiều chủng loại khác nhau như đất hiếm ở Nậm xe (huyện Phong Thổ), Đông Pao (huyện Tam Đường),.... với trữ lượng khảo sát ban đầu khoảng 14 triệu tấn và nhiều điểm quặng kim loại màu như đồng, chì, kẽm, vàng,... ở khu vực các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Sìn Hồ, Tân Uyên,…Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 điểm mỏ đá lợp nhưng mới có điểm mỏ ở Hát Xum(Sìn Hồ) được đầu tư thăm dò và khai thác. Đặc biệt, tỉnh Lai Châu còn có nhiều mỏ đá vôi, nhiều mỏ có hàm lượng Canxi lớn, có thể khai thác để phát triển công nghiệp sản xuất Xi Măng và sản xuất vật liệu xây dựng. Cùng với đó, Lai Châu còn có mật độ sông suối lớn, từ 5,5 - 6 km/km2, trong đó có một số con sông lớn như: sông Đà, Sông Nậm Mu, Nậm Na…. Những con sông này có độ dốc cao, dòng chảy siết là một nguồn thủy năng lớn để phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Một số thủy điện đã được quy hoạch xây dựng và đi vào hoạt động như: thủy điện Huội Quảng công suất 520 MW, thủy điện Bản Chát có công suất 220 MW, thủy điện Nậm Na I, Nậm Na II, thủy điện Thiên Nam,… Đặc biệt, ngày 05/01/2011, Thủ tướng chính phủ nhấn nút khởi công công trình thủy điện Lai Châu với công suất 1.200 MW là công trình thủy điện lớn thứ 3 sau thủy điện Sơn La và Hòa Bình. Toàn tỉnh có 49 công trình thủy điện vừa và nhỏ đã được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất là 2.635 MW. Thu hút và cấp giấy chứng nhận đầu tư 38 dự án với tổng công suất là 2.596 MW. Hiện 20 dự án đã và đang được đầu tư, trong đó có 5 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng với công suất là 240 MW và điện lượng bình quân 900 triệu Kwh/năm.
Tiềm năng du lịch - dịch vụ - thương mại: Tỉnh Lai Châu có vị trí nằm giữa hai điểm du lịch nổi tiếng là Sa Pa và Điện Biên Phủ, có các quốc lộ 4D, QL32 và QL12 nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Lào Cai và Vân Nam (Trung Quốc); có hệ thống đường thủy Sông Đà và các hồ lớn tại các công trình thủy điện như: Sơn La, Huội Quảng, Bản Chát; có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: động Tiên Sơn và thác Tác Tình (Tam Đường), động Pusamcap (Thành phố Lai Châu), núi đá ô tại Sìn Hồ, các khu rừng trên sườn núi Hoàng Liên Sơn; có nhiều địa danh gắn liền với lịch sử như bản Lướt (ở Mường Kim), miếu Nàng Han, dinh thự Đèo Văn Long, bia Lê Lợi,... cùng với những bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em, những nét độc đáo của các phiên chợ vùng cao như: San Thàng (Thành phố Lai Châu), Dào San và Mường So (Phong Thổ). Đặc biệt, cao nguyên Sìn Hồ (có độ cao trên 1.500m) có chế độ khí hậu mát mẻ. Đây là những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước, là điều kiện thuận lợi để tỉnh có thể tận dụng khai thác, phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như: du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm,.... Đặc biệt khi công trình thủy điện Lai Châu với công suất 1200 MW hoàn thành đi vào hoạt động, tạo thành vùng lòng hồ rộng lớn cùng với nhà máy thủy điện Lai Châu sẽ thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, và là điểm du lịch sinh thái vùng lòng hồ rất hấp dẫn đối với du khách. Với những tiềm năng lợi thế sẵn có đã giúp cho hoạt động du lịch của tỉnh ngày càng phát triển. Cụ thể, lượng khách bình quân giai đoạn 2004 - 2013 tăng 16%/năm, doanh thu năm 2013 đạt 140,5 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ: với trên 265km đường biên giới, giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), có cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều lối mở tiểu ngạch và hệ thống các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư thông thoáng, đồng thời triển khai nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đó là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhân dân hai nước tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa, dịch vụ và giao lưu văn hóa qua biên giới. Nhờ vậy mà hoạt động thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, mạng lưới kinh doanh được mở rộng, với tổng mức bản lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2013 đạt 2.414 tỷ đồng; tổng giá trị xuất khẩu hàng địa phương năm 2013 đạt 6,753 triệu USD.
Để giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm đầu tư tại Lai Châu. Ngay từ khi chia tách và thành lập, tỉnh đã có chủ trương ban hành và áp dụng hệ thống chính sách, cơ chế thông thoáng để thu hút kêu gọi và sẵn sàng tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, lựa chọn các hình thức đầu tư phù hợp đến hợp tác và thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư và danh mục dự án kêu gọi thu hút đầu tư như: Quyết định số 02/2004/QĐ-UBND ngày 10/3/2004 về việc Ban hành Quy chế quản lý và chính sách ưu đãi đối với Khu KTCK Ma Lù Thàng; QĐ12/2008 của UBND tỉnh ban hành chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 08/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh về việc Ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, trình tự, thủ tục thực hiện ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Quyết định 1003/QĐ-UBND ngày 03/8/2010 và 315/QĐ-UBND ngày 29/3/2012 về việc phê duyệt danh mục các dự án kêu gọi thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Lai Châu; Các chính sách hỗ trợ các đơn vị doanh nghiệp tham gia trồng rừng; QĐ 23/2008 ban hành quy định tạm thời chính sách hỗ trợ chuyển đổi đất và hỗ trợ đầu tư phát triển cao su đại điền trên địa bàn tỉnh Lai Châu; QĐ75/2006 ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp giai đoạn 2006 - 2010; QĐ441 của UBND tỉnh về việc ban hành tạm thời chính sách hỗ trợ đầu tư và cơ chế quản lý vùng nguyên liệu chè tập trung trên địa bàn tỉnh,…. Ngoài các chính sách, chế độ ưu đãi được hưởng theo pháp luật, các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào Lai châu còn được hưởng chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, bảo lãnh tín dụng,…. Để giúp các doanh nghiệp tìm hiểu thông tin và có sự lựa chọn đầu tư phù hợp, tỉnh đã thành lập các Trung tâm như: Trung tâm Tư vấn và Xúc tiến đầu tư, Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại, Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch để thực hiện công tác tư vấn, hỗ trợ cho nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu, lựa chọn, xây dựng phương án triển khai dự án đầu tư.
Với nguồn tài nguyên phong phú và cơ chế, chính sách hợp lý mà tỉnh Lai Châu đã và đang thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Sau hơn 10 năm chia tách và thành lập, Lai Châu đã thu hút được hơn 160 dự án của các nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng kí đạt gần 83.000 tỷ đồng. Trong đó có 19 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông - lâm nghiệp, thủy sản với tổng số vốn đăng kí gần 4.500 tỷ đồng. Về phát triển doanh nghiệp, tính đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là 957 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký hơn 9.500 tỷ đồng và 253 hợp tác xã đang hoạt động. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã và đang làm ăn có hiệu quả, đóng góp hàng tỷ đồng tiền thuế vào ngân sách nhà nước, điển hình như công ty cổ phần Trà Than Uyên.
Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, đặc biệt là lĩnh vực nông - lâm - thủy sản, khoáng sản, thủy điện cùng với tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó đi lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh và đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, cùng với hệ thống cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư phù hợp, đặc biệt tỉnh cũng như chính quyền các cấp, các ngành sẽ luôn sát cánh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh, đưa Lai Châu trở thành điểm đến lí tưởng, hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đảng bộ, chính quyền các cấp của tỉnh Lai Châu cam kết thực hiện nghiêm túc các chính sách về đầu tư, kinh doanh theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật, với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lai Châu phát triển”./.
(Theo skhdt.laichau.gov.vn)