Mô hình phát triển nông nghiệp do JICA hỗ trợ sẽ đưa Đà Lạt trở thành trung tâm nông nghiệp có giá trị cao của Đông Nam Á.
Trong khuôn khổ chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đang tích cực hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng triển khai dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Tuy dự án mới vừa khởi động nhưng đã bước đầu mở ra những kỳ vọng mới trong phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Trong thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với các chuyên gia, các nhà tư vấn của JICA, cùng các nhà đầu tư và các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản tổ chức nhiều buổi hội thảo, tổng hợp ý kiến và đi đến thống nhất triển khai thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng theo hình thức hợp tác công – tư.
Khách du lịch thăm quan, tìm hiểu kĩ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Đà Lạt, Lâm Đồng.
Phía Nhật Bản cử các chuyên gia tham vấn và hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng tiếp cận công nghệ sản xuất và sau thu hoạch, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thị và xuất khẩu, mục tiêu là đưa Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành trung tâm nông nghiệp có giá trị cao của Đông Nam Á, có thương hiệu nông nghiệp số 1 của Việt Nam, là điểm đến du lịch canh nông hàng đầu tại Đông Nam Á và là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho cả khu vực.
Đến nay, tuy dự án chỉ mới bắt đầu triển khai nhưng đã có những dấu hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng mới trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, mô hình du lịch canh nông hay còn gọi là du lịch nông nghiệp được xem là mục tiêu phát triển đầy tiềm năng và triển vọng, bước đầu đã thu hút hơn 30 đơn vị, doanh nghiệp tại Đà Lạt – Lâm Đồng đầu tư, khai thác.
Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt rau thủy canh - đơn vị tham gia hoạt động du lịch nông nghiệp ở làng hoa Vạn Thành, phường 5, thành phố Đà Lạt cho biết, công ty mới mở cửa trang trại tiếp đón du khách vào tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với điểm nhấn là sản xuất rau thủy canh. Qua việc giới thiệu với khách du lịch, công ty muốn quảng bá, phát triển thương hiệu rau thủy canh cũng như góp phần vào sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Đà Lạt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, ngoài du lịch nông nghiệp đã có sự định hình và đang từng bước phát triển, giá trị và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng cũng không ngừng được nâng lên đáng kể.
“Lâm Đồng thực hiện rất tốt việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất và giá trị không ngừng tăng lên. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, vướng mắc, đó là quan hệ sản xuất, tổ chức sản xuất và xây dựng thương hiệu, phát triển thương hiệu sản phẩm chủ lực của Lâm Đồng, đặc biệt sản phẩm rau hoa đặc trưng của Đà Lạt còn những hạn chế nhất định. Dự án có sự hỗ trợ của JICA sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, xây dựng các chuỗi liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với doanh nghiệp để tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đồng đều về chất lượng và đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”, ông Sơn cho biết.
Trên cơ sở hợp tác giữa Lâm Đồng và JICA, ngày càng có nhiều doanh nghiệp từ Nhật Bản đến Lâm Đồng để tìm cơ hội đầu tư. Tính đến nay, đã có 11 dự án do các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đầu tư vào Lâm Đồng, với tổng vốn đăng ký hơn 32 triệu USD.
Đặc biệt, khi Lâm Đồng xây dựng xong khu công nghiệp nông nghiệp có diện tích rộng hơn 300ha để tiếp tục đáp ứng nhu cầu thuê đất, mở rộng phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, chắc chắn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào vùng đất đầy tiềm năng này./.
Theo Sa Oanh
VOV