Lăng Khải Định là công trình cố xưa có kiến trúc vô cùng độc đáo và đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Lăng Khải Định hay còn được gọi là Ứng Lăng chính là lăng mộ của vua Khải Định, vị vua thứ 12 của triều Nguyễn. Đây là công trình có lối kiến trúc độc đáo pha trộn giữa nét hiện đại của Châu Âu và nét cố điển của Việt Nam.
Vua Khải Định (1916-1925) là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn và là người cuối cùng xây dựng lăng tẩm, chuẩn bị cho sự “ra đi” của một ông vua vào buổi mạt kỳ của chế độ phong kiến. Bước lên ngai vàng vào giữa tuổi 31, Khải Định say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng. Những công trình này làm hao tổn nhiều nhân lực, của cải của binh dân. Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise…,cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu… để kiến thiết công trình. So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có một diện tích rất khiêm tốn: 117m x 48,5m nhưng cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian.
Lăng tọa lạc trên núi Châu Chữ cách thành phố Huế khoảng 10km về phía Tây Nam. Vua Khải Định đã cho người sang Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản để thu mua nguyên liệu, phục vụ cho việc xây Lăng Mộ. Lăng được khởi công xây dựng vào ngày 4/9/1920 do Đô thống phủ Lê Văn Bá chỉ huy và kéo dài trong suốt 11 năm mới hoàn thành.
Địa thế của Lăng Khải Định được tính toán rất kỹ lưỡng, vị trí các ngọn núi đồi, khe suối xung quanh lăng đều ứng với các yếu tố phong thủy địa lý, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ. Kiến trúc của Lăng Khải Định rất lạ, khác hắn kiến trúc lăng mộ của các vị vua triều Nguyễn trước đó.
Lối vào Lăng Khải Định
Lối vào Lăng Khải Định là một cổng chào uy nghi sừng sững và 37 bậc cấp thang với thành được đắp tượng rồng rất lớn. Thêm 29 bậc nữa đến sân chầu Bái Đình. Hai bên sân chầu có hai hàng tượng lính hướng mặt vào giữa sân. Các bức tượng đều được làm bằng đá hiếm và được tạc rất công phu.
Tượng đá ở sân chầu trước Lăng Khải Định
Cung Thiên Định chia làm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành – chính là nơi để án thờ và chân dung vua Khải Định, chính giữa là pho tượng Bửu Tán – được hai người Pháp thực hiện ở Paris vào năm 1920 và mộ phần nhà vua ở phía dưới.
Cung Thiên Định
Cung Thiên Định ở vị trí cao nhất và là công trình chính của Lăng, được xây dựng rất công phu và tinh xảo. Toàn bộ nội thất trong cung đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Đó là các bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện… và các vật dụng hiện đại như đồng hồ báo thức, vợt tennis, đèn dầu hỏa… của vua cũng được trang trí nơi đây.
Nghệ thuật ghép sành sứ tại Lăng Khải Định
Điện Khải Thành
Án thờ Vua Khải Định tại Ứng Lăng
Người đời sau thường đặt lăng Khải Định ra ngoài dòng kiến trúc truyền thống thời Nguyễn bởi cái mới, cái lạ, cái độc đáo, cái ngông nghênh, lạc lõng… tạo ra từ phong cách kiến trúc. Toàn cảnh lăng Khải Định có một cái gì đó vừa quen, vừa lạ. Tổng thể của lăng là một khối hình chữ nhật vươn lên cao với 127 bậc cấp như muốn thể hiện khát vọng tự chủ của ông vua bù nhìn này. Sự xâm nhập của nhiều trường phái kiến trúc: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Roman, Gothique… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể: những trụ cổng hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể… Điều này là kết quả của hai yếu tố: sự giao thoa văn hóa Đông – Tây trong buổi giao thời của lịch sử và cá tính của Khải Định. Sự xâm lược của chủ nghĩa tư bản phương Tây đã đột phá cánh cửa phong kiến để làn gió của văn hóa Tây Âu tràn vào Việt Nam. Mặt khác Khải Định là một ông vua hiếu kỳ, chuộng cái mới nhưng có sự sàng lọc, một ông vua “mặc complet bên trong khoác long bào, bên ngoài, ngực lấp lánh Bắc Đẩu Bội Tinh, thắt lưng gắn bóng đèn điện chớp đỏ” (lời L. Cadière) nên chẳng có gì phải “kiêng nể” trong việc “thâu tóm điều hay, cái lạ” của thế giới vào ngôi nhà vĩnh cửu của mình. May thay! Ý muốn kỳ quặc của ông vua ngông nghênh đó đã không bị bê nguyên xi vào trong kiến trúc. Bằng óc thông minh, sự chọn lọc tinh tế và đôi tay tài hoa khéo léo, người thợ Việt Nam đã tạo cho công trình những tuyệt tác nghệ thuật.
Nguồn: Tổng hợp