Hơn 300 năm trước, nón ngựa Phú Gia ở tỉnh Bình Định đã nổi tiếng với vẻ đẹp quý phái với kiểu dáng thiết kế dành riêng cho quan binh triều đình hoặc tầng lớp quý tộc.
Làng nón ngựa Phú Gia (thuộc thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát) là niềm tự hào của người Bình Định. Những bậc cao niên ở làng Phú Gia kể, cách đây hơn 300 năm, từ thời vua Quang Trung, chiếc nón làm nên bởi đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề Phú Gia từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc tiến quân ra Bắc. Ngày nay, du khách gần xa thích mua nón ngựa về làm lưu niệm, trưng bày trong nhà dấu ấn một nét đẹp văn hóa cổ xưa.
Về làng nón ngựa Phú Gia, hiếm ai không biết đến gia đình ông Đỗ Văn Lan (72 tuổi, ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường). Nghệ nhân vẫn sống còn với nghề làm nón ngựa độc đáo của làng có thâm niên gần 60 năm tỉ mẩn chuốt nón với từng đường kim, mũi chỉ. Ở tuổi "thất thập cổ lai hy", ông Lan vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt, đặc biệt là nét thêu chạm trên nón dưới đôi bàn tay tài hoa của ông rất tinh xảo, gần như không một ai trong làng đạt đến trình độ đó. Hiện vợ chồng ông vẫn giữ lửa nghề và truyền trao cho con gái, con dâu, cả những người làng đam mê nghề truyền thống.
Theo ông Lan, tính đến đời con cháu ông, thì nhà ông đã có 5 đời làm nón. "12 tuổi, tôi đã học cha làm nón, đặc biệt từ thời ông cố đến đời cha tôi, ai cũng có bàn tay khéo léo làm nón ngựa truyền thống rất đẹp. Đến đời tôi làm thì càng đẹp và tinh xảo hơn", ông lão ngoài 70 tuổi cười hà hà nói.
Ông Lan lý giải, sở dĩ dân gian gọi nón ngựa trước hết nó dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa, đặc biệt chỉ thường thấy quan binh đội khi cưỡi ngựa hoặc những người có địa vị cao trong xã hội lúc bấy giờ. Nhìn vào nón của người đội thì sẽ phân biệt được thứ bậc quan, quân.
Nón của vua quan, ngoài nét hoa văn rất tinh xảo, trên chóp được chụp bằng đồng hoặc bạc và chạm trổ hình rồng, phượng.
Ông Lan chia sẻ thêm, với người dân Bình Định, thuở xưa, nón ngựa còn được dùng làm tín vật giữa nhà trai và nhà gái trong ngày hôn lễ. Nhà trai dù giàu hay nghèo, trong ngày cưới, bắt buộc phải sắm cho được cặp nón ngựa mới được rước dâu. Sau ngày thành thân, cặp nón đó ý nghĩa che nắng, che mưa suốt một đời kết duyên phu thê.
Không giống nón lá thông thường, nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt, vô cùng bền chắc, không mối mọt, có tuổi thọ đến hàng trăm năm.
Thâm niên hơn 50 năm gắn bó với nghề nón, bà Nguyễn Thị Tâm (70 tuổi, vợ ông Lan) cho hay, làm nón ngựa rất khổ công, tỉ mỉ, trải qua hàng chục công đoạn. Quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, lợp lá... Khó nhất là thêu hoa văn. Phải mất khoảng 3-5 ngày mới hoàn thành một sản phẩm ưng ý.
Có nhiều nguyên liệu để làm ra một chiếc nón, song có 3 nguyên liệu chính trong tự nhiên đó là lá kè (lá cọ) dùng lợp nón. Lá cọ phải chọn lá không quá non, không già quá, đem phơi nắng rồi sấy qua lửa than, sau đó lại đem phơi sương để lá có độ mềm dẻo. Sườn nón được làm từ cây giang nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ nhỏ, đều. Rễ dứa phải là loại rễ đã cắm sâu trong lòng đất khoảng 3 năm thì mới có độ chắc bền, đặc biệt không bao giờ mối mọt.
Bà Tâm cho biết thêm, trước đây, để chằm nón, người dân làng nghề thường tước lấy phần tơ của lá cây dứa sau khi ngâm nước vài ngày rồi đem phơi khô. Bây giờ hiện đại hơn dùng sợi cước nhỏ có chất liệu nylon, tạo đường nét sắc sảo hơn cho chiếc nón.
Bên trong chiếc nón, các nghệ nhân thêu hoa văn chủ yếu là những hình ảnh, hoa văn thường là các biểu tượng 4 linh vật long, lân, quy, phụng, thêu chữ như ý, cát tường...
Theo bà Tâm, do nón ngựa Phú Gia làm theo nguyên mẫu truyền thống, công phu nên giá thành cao, trên 300.000 đồng mỗi chiếc. Riêng loại nón đặc biệt, có khách đặt hàng với giá lên đến 3 triệu đồng mỗi chiếc. Mỗi chiếc nón ngựa nếu làm đủ các công đoạn sẽ có độ bền sử dụng đến trên 100 năm.
Ông Lan còn kể, năm 1963, thời kỳ lính Mỹ đổ quân vào miền Nam nước ta, họ còn cử cả đoàn chuyên gia, có cả phiên dịch đi theo đến làng Phú Gia để nghiên cứu làm nón. Sau 6 tháng trời miệt mài học nghề, ghi chép cẩn thận nhưng các chuyên gia Mỹ lắc đầu bỏ cuộc vì quá khó.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Tường, hiện trên địa bàn xã có khoảng 270 hộ còn gắn bó với nghề nón ngựa truyền thống, trong đó chủ yếu tập trung ở làng Phú Gia với khoảng 70 hộ.
Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến thăm làng nghề tăng đột biến, các cơ sở bán hàng lưu niệm lớn ở TPHCM, Hà Nội, Huế… không ngừng đặt hàng, góp phần tạo nguồn thu nhập chính của người dân làng nghề. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tình hình khó khăn trở lại.
Tuy nhiên, điều ông Hùng cũng như hầu hết các bậc cao niên ở thôn Phú Gia lo lắng, đó là làm cách nào để giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống trước nguy mai một. Làm nón ngựa truyền thống tốn nhiều công sức nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Ngày công tính ra chỉ 50.000 đến 70.000 đồng, chỉ người có tay nghề thật giỏi mới có thu nhập trên 100.000 đồng. Vậy nên, đa phần người làm nghề là người lớn tuổi, người nhàn hạ, còn lớp trẻ chọn nghề khác thu nhập cao hơn.
"Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để dạy nghề cho thế hệ trẻ, sau này khi tuổi lớn không còn ở công ty, xí nghiệp thì về nhà làm nón. Cùng với đó, cần phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch", ông Hùng nói.
Hiện làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận là làng nghề truyền thống, đạt danh hiệu Làng nghề tiêu biểu Việt Nam và được chọn xây dựng mô hình Làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam.