Lễ cấp sắc là một nghi lễ truyền thống độc đáo được lưu truyền từ ngàn đời nay trong cộng đồng người Dao Đỏ, thể hiện khát vọng của người Dao về một cuộc sống sung sướng, ấm no và hạnh phúc. Đàn ông nếu chưa trải qua lễ cấp sắc thì dù già vẫn chưa được coi là trưởng thành và sẽ không được tham gia vào các công việc hệ trọng của làng. Với những giá trị văn hóa và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nghi lễ cấp sắc của người Dao đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hằng năm, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng, vì đây là thời gian nông nhàn. Người Dao đỏ có thể tổ chức cấp sắc cho một đợt tối đa 13 người (nếu ít hơn phải theo số lẻ) và ở nhà trưởng họ.
Tại buổi lễ, nhiều nghi thức đã được tái hiện như: lễ trình báo đón tổ tiên, lễ lên hương, lễ phát lương, lễ xin treo tranh nhỏ... Lễ cấp sắc đã huy động tổng hợp các loại hình nghệ thuật để phục vụ cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Tất cả các loại hình như âm nhạc, kiến trúc, thánh ca, diễn xướng… (bao gồm nhảy múa, trình tự trình diễn lễ nghi...) đều được sử dụng trong nghi lễ, mang đến không khí đầm ấm, vui tươi.
Bên cạnh những nghi thức, buổi lễ cấp sắc còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi đặc sắc như: các trò chơi dân gian truyền thống (bịt mắt bắt dê, đẩy gậy, kéo co...); tái hiện lại đám cưới truyền thống của người Dao ở Sa Pa. Nhiều điệu múa cổ truyền dân gian được trình diễn với sự tham gia của đông đảo người dân trong bản. Những điệu múa của người Dao thể hiện sự tự do hòa nhịp với các nhạc cụ thanh la, não bạt, trống, chuông lắc... với nhiều chủ đề khác nhau về lịch sử, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, được hình tượng hóa bằng các động tác nhảy múa kết hợp với ca hát để Bàn Vương và tổ tiên dòng họ xem như diễn tả về việc làm nương, tra hạt, làm nhà... Các điệu múa có thể kéo dài hàng giờ, được cả làng đến xem đông vui như ngày hội.
Lễ cấp sắc của người Dao là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc về truyền thống uống nước nhớ nguồn, giúp con người nhận thức đúng đắn về bản thân, về cách sống có nhân cách, đạo đức, trách nhiệm đối với gia đình và xã hội. Qua đó, nghi lễ đã góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc.
(Nguồn: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)