Lễ cấp sắc được xem là buổi lễ quan trọng trong cuộc đời của người đàn ông Dao. Trong những ngày diễn ra cấp sắc, người thụ lễ không được nói tục, chửi bậy, không được gần gũi phụ nữ.
Lễ cấp sắc (còn gọi là lễ phong sắc, tự cải) là một trong những nghi lễ độc đáo của dân tộc Dao đỏ ở thôn Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Các điều giáo huấn được thực hiện bằng lời thề dưới sự chứng kiến của tổ tiên và các quan âm binh nên tính giáo dục càng có giá trị. Họ quan niệm rằng, người đã trải qua lễ cấp sắc mới có tâm, có đức, mới biết lẽ phải trái ở đời, hướng tới việc thiện, không làm điều ác và mới được công nhận là con cháu của Bàn Vương.
Việc cấp sắc trong gia đình được tuân thủ từ trên xuống dưới, từ cha đến con, từ anh đến em. Con trai thường từ 10 tuổi trở lên là đã có thể tiến hành cấp sắc. Tuy nhiên, vì tổ chức lễ trên phạm vi làng xã (mời cả làng đến dự ăn uống cùng gia chủ trong suốt thời gian lễ hội diễn ra) mà chỉ do một gia đình tổ chức nên rất tốn kém, thường mất từ 7 đến 20 triệu (tùy vào cấp cho một người hay nhiều người và 3 đèn, 7 đèn hay 12 đèn) nên ngày nay nhiều bản người Dao cho phép anh em trong nhà hoặc họ hàng gần được tổ chức lễ cấp sắc cùng một lúc, không kể lớn bé, hễ gia đình có đủ điều kiện thì làm.
Thầy cúng chuẩn bị trang phục cho lễ cấp sắc. Trong lễ cấp sắc thường có từ 3 đến 7 thầy cúng phụ trách các phần việc khác nhau, ứng với mỗi người được cấp sắc là một thầy cúng chính, là người tài giỏi nhất trong các thầy.
Khoảng vài tháng hoặc một năm trước khi diễn ra lễ, gia đình có con cái được cấp sắc phải đem lễ đến nhà thầy cúng cao tay trong làng để xem ngày lành, tháng tốt rồi cùng cả dòng họ họp bàn chuẩn bị cho ngày trọng đại. Mỗi người họ hàng tới dự phải mang theo rượu, tiền và phân công nhau mỗi người một việc như đi mời bà con trong thôn, nấu ăn, dọn dẹp... để buổi lễ được diễn ra chu đáo.
Lễ cấp sắc có nhiều bậc, bậc đầu tiên họ được cấp 3 đèn và 36 binh mã, đây là nghi thức thông thường được diễn ra trong lễ cấp sắc của người Dao. Bậc 2 họ được cấp 7 đèn và 72 binh mã và cuối cùng là 12 đèn và 120 binh mã. Sau khi được cấp sắc, người đàn ông có quyền được làm thầy cúng.
Trước khi hành lễ, người được cấp sắc phải kiêng hò hát, cãi nhau, nói tục, chửi bậy, quan hệ vợ chồng, gần gũi với phụ nữ… để thể hiện sự tôn kính đối với các vị tiên tổ.
Đến ngày đã chọn, buổi lễ được tổ chức và kéo dài trong suốt 3 ngày liền (Ngày nay được giản lược, có nơi chỉ tổ chức trong 2 ngày 1 đêm hoặc ít hơn), gồm rất nhiều nghi lễ, thủ tục phức tạp. Các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự, làm lễ khai đàn, nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ, xin phép thần linh để tổ tiên vượt qua được đèo cao suối sâu, qua các bản làng để về được đúng nhà mình, báo cáo với tổ tiên rằng, đứa trẻ của gia đình đã đến tuổi trưởng thành, cầu mong các vị thần và tổ tiên cho phép làm lễ cấp sắc và phù hộ cho gia đình, cho đứa trẻ trưởng thành.
Trong lễ trình diện, gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên. Tiếp đó, tại lễ thụ đèn, người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Người thụ lễ được cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Điều quan trọng nhất trong các buổi lễ này là cấp pháp danh cho người thụ lễ, tên âm của người thụ lễ cũng được ghi luôn trong đó để khi chết về được với tổ tiên. Người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và cha đẻ, sau đó quan sát và bắt buộc phải nhảy theo chỉ dẫn của thầy cúng một số điệu.
Phần cao trào nhất là vào buổi đêm, đó mới chính là lúc phần lễ và hội cùng diễn ra. Khi công việc của một ngày đã xong, vào bữa tối người dân trong thôn kéo đến đông kín rạp nhà gia chủ. Sau khi ăn xong, các thầy cúng làm lễ đến tận sáng, vừa cúng vừa múa kiếm, gõ nhịp trống. Tiếng chiên, tiếng hát vang lên khi rộn rã, thúc giục, lúc lại khoan thai, dìu dặt.
Người Dao quan niệm rằng, người đã qua cấp sắc thì dù ít tuổi vẫn được xem là người trưởng thành, có quyền tham gia vào những việc hệ trọng của làng, khi chết hồn vía sẽ được về với tổ tiên.
Kết thúc nghi lễ, các thầy múa dâng rượu, lễ vật, nhảy múa 3 vòng ở ngoài sân và trong nhà để tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ tổ chức lễ thành công. Ngày này sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời đứa trẻ, cậu bé đã được tổ tiên, cộng đồng công nhận là người trưởng thành, có một cái tên âm mới để giao tiếp với thế giới tâm linh, được tổ tiên phù hộ, soi sáng và che chở.
Tuy nhiên, lễ cấp sắc diễn ra xong vẫn chưa kết thúc hoàn toàn. Vào ngày tết âm cùng năm, trò được thầy cúng cấp sắc phải mang giấy cúng, thịt lợn và một con gà đến nhà thầy (chỉ một lần duy nhất) để tạ ơn (gọi là lễ tạ ơn, lễ bái sư ngày tết), thì mới gọi là hoàn tất xong xuôi mọi thứ. Thể hiện sự tín nghĩa, trước sau trong văn hóa cộng đồng.
Với ý nghĩa giáo dục lớn, cấp sắc là một trong những nghi lễ quan trọng của đồng bào dân tộc Dao, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc trên vùng miền núi cao phía bắc của tổ quốc.
Theo Lê Thương