Lễ dâng y (còn gọi là lễ Kathina) được tổ chức hàng năm trong vòng một tháng, kể từ tháng 9 đến tháng 10 Âm lịch tại chùa và mỗi chùa chỉ được tổ chức một lần. Người Khmer quan niệm ai đứng ra làm chủ lễ dâng y cà sa sẽ luôn gặp điều may mắn. Do vậy, dù giàu hay nghèo ai cũng mong muốn được một lần đứng ra tổ chức lễ dâng y.
Tại nhà anh Thạch Quân ở phường 9, TP Trà Vinh, ngày lễ được sửa soạn từ trưa 18/10 (tức 2/9 Âm lịch), sau đó diễu hành 2 km tới chùa Mạc Dồn để dâng lễ.
"Tổ chức được lễ dâng y là mong ước mấy đời của cả họ tộc. Vì lễ dâng lên sư sãi của bổn chùa tiến hành tốn rất nhiều chi phí nên mọi thứ phải chuẩn bị kỹ từ nhiều năm trước", anh Thạch Quân (hàng đầu) nói, tay cầm lễ vật, chuẩn bị khởi hành từ nhà tới chùa.
Theo anh Quân, tùy thuộc vào đời sống kinh tế của phật tử trong từng địa phương mà quy mô tổ chức lễ Kathina cũng khác nhau.
Những thiếu nữ trong trang phục truyền thống xếp thành hai hàng, bưng những bó hoa, cây lá vàng để dâng lên chùa. Những gia đình Khmer quan niệm, đây là "niềm tự hào và nguyện ước" của con cái họ.
Những phụ nữ lớn tuổi trong họ tộc đội trên đầu vật phẩm là một bộ cà sa, cùng đoàn dâng y đi vòng quanh chánh điện ba vòng như để chứng minh cho lòng thành của họ trước khi làm lễ dâng bông và dâng áo cà sa lên sư sãi.
Để tăng thêm phần long trọng, tạo bầu sinh khí náo nhiệt, đoàn rước của một số gia đình còn kết hợp các trò chơi dân gian như múa trống Sa-dăm, múa Chằn, nhảy khỉ ngựa, múa chúc phúc... Những "diễn viên" hóa thân thành những nhân vật ngộ nghĩnh như cao bồi cưỡi ngựa... để khuấy động người xem.
Đặc sắc nhất là màn múa Chằn truyền thống. Chằn là vai phản diện, tiêu biểu cho phe ác với khuôn mặt dữ tợn, toàn thân mặc giáp trụ, điệu bộ đi đứng nghênh ngang. Trong lễ nghi tín ngưỡng, người Khmer mượn hình ảnh Chằn để thể hiện ước muốn xua đuổi điều dữ, đón sự an lành, may mắn trong đời sống.
Đóng vai Chằn chủ yếu là những thanh thiếu niên các đoàn múa ở các phum sóc (đơn vị như thôn, xóm, khu phố).
Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ, người Khmer Nam Bộ gọi Chằn là Yeak, nhân vật biểu trưng cho cái ác, cái xấu, chuyên gieo tai họa cho người. Hình ảnh Chằn hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp, vừa nhắc nhở tín đồ làm điều phước thiện, tránh làm điều ác.
Đối lập với Yeak là Krud (còn gọi là Garuda), linh vật thần trong đạo Bà la môn với đầu chim, mình người và đôi cánh dang rộng, biểu trưng cho cái thiện, tốt lành.
Bên trong chánh điện chùa Mạc Dồn, đông đảo phật tử từ các phum sóc các tỉnh thành cùng đến dâng vật phẩm, đọc kinh và cầu mong an lành cho con cháu đời sau.
Với đồng bào Khmer, chùa vừa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, vừa là nơi diễn ra mọi hoạt động văn hoá tinh thần của cộng đồng.
Phật tử dâng bông và áo cà sa lên sư sãi.
Các sư thầy kiểm tra áo cà sa được dâng lên bởi phật tử trước khi thầy chánh thực hiện nghi thức cuối của buổi lễ Kathina.
Sư thầy được chọn ngẫu nhiên, sẽ đại diện cho chùa thực hiện nghi thức xả và thay y ngay tại chánh điện, kết thúc buổi lễ trong chiều cùng ngày.