Vào mùa lúa chín rộ, người Xê Đăng, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum bắt đầu thu hoạch và mở hội ăn mừng lúa mới. Trong lễ hội, họ khấn ông Giàng, xin Thần lúa cho họ rước hồn lúa về với dân làng với ước nguyện cầu mong cho dân làng có cuộc sống luôn no đủ, sung túc.
Lúa mang về được rang khô
Khi lúa chín, chủ hộ và các thành viên trong gia đình đến rẫy lúa, dùng cây le tươi có lá đánh dấu các vị trí chuẩn bị tuốt lúa. Trước khi tuốt, chủ hộ khấn Giàng và Thần lúa để xin được rước hồn lúa về với gia đình, cho cả nhà được no đủ. Sau đó, chủ hộ tuốt nắm lúa đầu tiên làm phép, cả gia đình bắt đầu công việc tuốt lúa. Tuốt lúa xong, họ đưa lúa về kho để cất giữ. Mỗi gia đình chỉ mang một gùi lúa lớn về nhà để cúng lúa mới. Tiếp đến là lấy lúa rang cho khô và giã, lấy gạo nấu một nồi cơm lớn. Thức ăn chuẩn bị trước để ăn cơm mới gồm: Thịt rừng, cá suối, rượu ghè. Họ bày cơm mới và thức ăn, rượu ghè ra giữa nhà, chủ hộ đọc lời khấn. Khấn xong, chủ hộ cắt tiết một con gà, lấy tiết bôi lên trán tất cả mọi người trong gia đình với ý nghĩa mong cho mọi người được khỏe mạnh, có sức khỏe để làm nương rẫy. Sau đó, chủ hộ nắm vắt cơm đầu tiên để ăn, uống rượu. Mọi người trong gia đình cùng ăn, uống rượu, múa hát đánh chiêng vui vẻ cho đến tận đêm khuya, cuộc vui tạm nghỉ.
Những cô gái cùng nhau giã gạo, sàng sảy để chuẩn bị cho lễ ăn lúa mới
Mọi thành viên trong gia đình cùng thưởng thức cơm mới
Khi từng gia đình trong làng ăn mừng lúa mới xong, già làng tập trung các chủ hộ để thông báo lễ hội uống rượu “ăn lúa mới” của tất cả cộng đồng trong làng. Già làng thông báo cho tất cả các gia đình trong làng chuẩn bị đồ cúng và dựng cây nêu. Lễ vật được bày tại cột chính giữa nhà Rông. Sau khi lễ cúng xong, già làng là người khai rượu cần, các ché rượu khác được mở. Những bàn tiệc bắt đầu được bày biện để tất cả người dân cùng ngồi chung vui. Kết thúc là phần hội với tiếng chiêng, tiếng trống, điệu múa rộn ràng.
Thảo My / baocongthuong.com.vn