Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam là một trong những Lễ hội dân gian của người Việt mang tính chất khá tiêu biểu và điển hình cho các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc ở Nam Bộ
Núi Sam, còn gọi là Vĩnh Tế Sơn, cao 234 mét, chu vi chân núi khoảng 5 km, thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, nằm trên đồng bằng hữu ngạn sông Hậu, cách biên giới Campuchia khoảng 3 km và rất gần khu vực Thất Sơn (Bảy Núi) vốn nổi tiếng là vùng đất “huyền bí” của Nam Bộ. Ngọn núi Sam ấy không lớn nhưng được xem là một trong những danh thắng của đất phương Nam như bia Vĩnh Tế Sơn (năm 1828) từng ngợi ca, không phải chỉ vì cảnh quan thiên nhiên đẹp đẽ mà còn do hệ thống di tích nổi tiếng gắn liền với nó. Trong đó, Miếu và Lễ hội Bà Chúa Xứ về sau này ngày càng trở thành một trung tâm tín ngưỡng thờ “Mẫu – Nữ thần” quan trọng có quy mô thu hút khách thập phương vào loại mạnh nhất Nam Bộ.
lễ hội Vía Bà Chúa Xứ |
Xét từ nguồn gốc, tín ngưỡng và tập tục thờ Bà Chúa Xứ vốn gắn bó lâu đời trong đời sống tinh thần của người Chăm ở Trung Bộ nước ta. Đó là một “Mẫu cộng sinh” giữa nữ thần Uma (vợ của Siva, một trong ba vị thần “chúa tể” của đạo Bà La Môn: Brahma, Vishnu và Siva) với Pô Inư Nagar hoặc Pô Nư gar (Bà mẹ chúa tể của Xứ Sở, một dạng “Quốc Mẫu” dân tộc Chăm theo tín ngưỡng dân gian của họ). Người Chăm quan niệm rằng “Bà Mẹ Xứ Sở” ấy đã dạy họ trồng trọt, chăn tằm, dệt vải và cả chữ nghĩa, đạo lý…
Trong quá trình giao tiếp văn hóa Chăm – Việt lâu dài và do các đặc điểm tự thân của sinh hoạt tín ngưỡng dân gian, một loại hình folklore đặc trưng, “Bà Mẹ Xứ Sở” của người Chăm từng bước “phân thân” thành nhiều “Mẫu” (và con của “Mẫu“) của người Việt. Nữ thần Uma trở thành Ngung Man Nương (tức nàng Ngung Man), vị thần mà người Việt xem như là “tiền chủ” những mảnh đất mới khi họ đặt chân tới khai hoang lập nghiệp nơi đó. Còn Pô Inư Nagar lại trở thành Thiên Yana (hoặc “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi” với tước “Thượng đẳng thần” theo sắc phong của triều Nguyễn). Tiếp theo, một hóa thân khác của Thiên Yana ở miền Trung sau đó ảnh hưởng lan rộng vào Nam Bộ: Bà Chúa Tiên (Chúa Tiên Nương Nương), hoặc Bà Chúa Ngọc (Chúa Ngọc Nương Nương) được quan niệm là những vị nữ thần chuyên “độ mạng” (hộ mệnh) cho phái nữ – Bà Chúa Tiên hoặc Bà Chúa Ngọc còn có hai người con là Cậu Tài (hoặc Chải), Cậu Quý (hoặc Quới), là những vị thần đặc biệt “báo hộ” cho vùng sông nước (nhất là ở khu vực Nam Bộ). Tương tự, dân sống bằng nghề hạ bạc và dân thương hồ (nghề sinh sống, buôn bán chủ yếu bằng đường thuỷ) đã đồng hóa Pô Nưgar với Thuỷ Long Thánh Phi, tức một nữ thần sông nước, kèm theo hai người con của Bà: “Cậu” và “Bà Cậu” những vị thần cai quản các hải đảo hoặc cù lao ven sông, biển. Cuối cùng, tổng hợp các Mẫu nói trên, Pô Inư Nagar đã dần trở thành Bà Chúa Xứ, một nữ thần phổ biến và đặc trưng nhất cho tín ngưỡng thờ “Mẫu – Nữ thần” của người Việt ở Nam Bộ chịu ảnh hưởng từ người Chăm.
Bà Chúa Xứ trên đất Nam Bộ hiện diện ở rất nhiều nơi, nhất là tại các cơ sở tín ngưỡng dân gian của người Việt. Bà có thể được phối tự bên cạnh thần Thành Hoàng trong các ngôi đình, các nhân vật lịch sử trong các ngôi đền hoặc lăng, cả bên cạnh Cá Ông (Nam Hải Tướng Quân, tức cá voi) ở các Dinh vạn miền biển v.v…Đồng thời, Bà cũng có thể có vị trí chủ yếu tại các “Cơ ngơi” riêng như các “Miếu Bà Chúa Xứ” ở dọc đường, dọc sông, dọc chợ, trong thôn xóm, ngay tại phố phường v,v…Thậm chí, Bà có thể ngự tại các cơ sở tín ngưỡng với uy thế ảnh hưởng rộng rãi hơn cả các thiết chế tín ngưỡng dân gian khác, ví dụ Bà Chúa Xứ ở Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) chẳng hạn …Và nổi bật nhất vẫn là Bà Chúa Xứ ở núi Sam (Châu Đốc, An Giang).
Về nguồn gốc của Bà Chua Xứ – Núi Sam, có khá nhiều truyền thuyết. Hoặc là, người ta tình cờ phát hiện và mang tượng Bà về từ trong rừng. Hoặc là, tượng Bà ngày xưa ở trên đỉnh núi Sam (nay vẫn còn một bệ tượng trên đó), người Xiêm đã từng muốn cướp đi nhưng không được, người Việt tới muốn khiêng xuống núi cũng không nổi, sau được Bà mách bảo (qua giá đồng), những cô gái đồng trinh đã giúp đem được Bà xuống yên vị dưới chân núi, nơi sau đó xây thành miếu thờ Bà như hiện nay. Hoặc, ý kiến của một số nhà khoa học, trong đó có Malleret, nhà khảo cổ học đầu tiên phát hiện và khai quật di tích Óc Eo tại vùng Ba Thê, núi Sập (Thoại Sơn – An Giang), căn cứ vào hình dáng và chất liệu của pho tượng… cho biết rằng tượng Bà Chúa Xứ – núi Sam thực chất là một tác phẩm điêu khắc thời Trung cổ (có rất nhiều khả năng là một loại sản phẩm của nền văn hóa khảo cổ Óc Eo – Phù Nam và thuộc dòng văn hóa tôn giáo Bà La Môn). Điều chắc chắn có thể khẳng định bước đầu rằng, đây là một loại tượng nam thần nhưng có lẽ vì tín ngưỡng thờ “Mẫu – Nữ thần” của người Việt ảnh hưởng từ người Chăm (tín ngưỡng và tập tục thờ “Bà Mẹ Xứ Sở” mà nó đã được cải biến thành một nữ thần cả về hình thức pho tượng lẫn quan niệm tín ngưỡng của mọi người đối với nó.
Từ đó và kết hợp với một số yếu tố khác, nó đã dần trở thành một biểu tượng “Mẫu” chung cho người Việt, người Chăm lẫn cả các dân tộc khác trên một vùng rộng lớn, thậm chí vượt ra khỏi khu vực Nam Bộ.
Căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu, người ta đã xác định rằng thời điểm phát hiện tượng Bà và xây dựng Miếu Bà Chúa Xứ không thể sớm hơn trước đầu thế kỷ XIX (có ý kiến cho rằng thời gian đó là khoảng từ 1820 – 1825) với quy mô lúc đầu rất đơn sơ. Đến năm 1870, Miếu Bà được xây cất lại khang trang hơn, nhưng phải đợi đến cả trăm năm sau, năm 1972, miếu mới chính thức được thiết kế xây dựng theo quy mô lớn và hoàn chỉnh như hiện nay: một công trình kiến trúc dạng chữ quốc, hình khối tháp, mái tam cấp ba tầng lầu, lợp ngói đại ống màu xanh, góc mái vút cao… bên trong có võ ca, có chánh điện, phòng khách, phòng làm việc của Ban quý tế… bên ngoài có khuôn viên sâu rộng rãi bằng phẳng với hàng rào bao quanh và cổng tam quan khá đẹp v.v… Điều đáng chú ý là trong chánh điện, bên cạnh tượng Bà Chúa Xứ, trên ngai thờ phía tay trái của Bà có một tượng Li nga bằng đá rất to (cao khoảng 1,2 mét và nơi đây người ta thường gọi là “Bàn thờ Cậu”), đồng thời ở bên phải Bà là một tượng nữ thần nhỏ bằng gổ, thường nơi đó được gọi là “Bàn thờ Cô”. Cũng ở tại chính điện còn có các bàn thờ Hội Đồng, Tiền Hiền, Hậu Hiền v.v…Bóng dáng của cách thiết kế một ngôi đình và sự có mặt của nghi vật Bà La Môn giáo (Linga…) được đặt trang trọng bên cạnh tượng Bà ngay trong chánh điện Miếu Bà là hình ảnh rất đặc trưng, đặc biệt của tín ngưỡng “Bà Chúa Xứ” nơi đây! Tương tự như vậy, các mô tip trang trí, điêu khắc trong Miếu Bà có sự pha trộn của nhiều nét văn hóa khác nhau. Bên cạnh những hoa văn cây, lá, chim, thú dân dà quen thuộc của Nam Bộ, nghệ thuật chạm khắc gỗ trong chánh điện Miếu Bà còn thể hiện sắc sảo mô tip Tứ Linh, Bát Tiên… và đặc biệt có cả màu sắc nghệ thuật Ấn – Hồi pha lẫn Chăm và Khmer, đó là hình ảnh “những vị thần khoẻ mạnh giang tay chống đỡ những đầu kèo bê tông nối vào tường” v.v… Nếu mở rộng ra những công trình kiến trúc chung quanh Miếu Bà Chúa Xứ, xem như là những yếu tố góp phần tạo ra “không gian môi trường lễ hội” cho Miếu Bà, chúng ta càng thấy rõ hơn một “phong cách” đặc biệt đáng lưu ý như thế!
Lăng Thoại Ngọc Hầu, đối diện phía phải Miếu Bà, nơi thờ Nguyền Văn Thoại (1761 – 1829) từng là quan trấn thủ Châu Đốc – Hà Tiền kiêm bảo hộ Cao Miên, đồng thời có công lớn trong việc lập chợ, mở đường tại địa phương, đặc biệt là việc đào kênh Thoại Hà (cạnh núi Thoại Sơn, khư vực Long Xuyên) và kênh Vĩnh Tế (nối liền Châu Đốc – Rạch Giá) v.v… Lăng gồm điện thờ và mộ Nguyễn Văn Thoại cùng hai bà vợ, trong đó có bà Châu Thị Vĩnh Tế, tên được đặt cho kênh Vĩnh Tế và cả cho làng Vĩnh Tế, tức nơi trực tiếp bảo quản Lăng Ông Thoại và Miếu Bà Chúa Xứ…Công trình kiến trúc Lăng Thoại Ngọc Hầu mang đậm dáng nét phong cách kiến trúc cung đình Huế, kể cả chất liệu xây dựng phần lớn mang từ nơi khác tới… Trong khi đó, hàng loạt ngôi chùa Phật giáo chung quanh lại có rất nhiều phong cách khác nhau. Đặc biệt nổi bật lên là kiến trúc chùa Tây An, một di tích nằm đối điện Miếu Bà ở cánh trái. Đây là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng của An Giang cũng như của Nam Bộ, gắn liền với tên tuổi của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên (1807 – 1856), nguyên là một người yêu nước chống Pháp bị thất bại chạy về noi này ẩn mình, tu hành, chữa bệnh và sau đó trở thành giáo chủ của Bửu Son Kỳ Hương, một tôn giáo địa phương có ảnh hưởng khá mạnh tại miền Tây Nam Bộ. Nhìn trên tổng thể, chùa Tây An là một ngôi chùa Phật giáo đại thừa với hàng trăm pho tượng Phật các loại từ Thích Ca, La Hán, cho đến Tứ Thiên Vương, Bát Bộ Kim Cang v.v…Nhưng khi quan sát mặt tiền chùa, người ta thấy rõ ràng là toàn bộ kiểu dáng kiến trúc, điêu khắc, tượng và hoa văn trang trí… ở trên các tháp lầu, trên cửa chùa hầu như đều mang dáng nét văn hóa Ấn – Hồi. Đồng thời, ngay tại cổng chùa lại có một pho tượng Quan Âm Thị Kính đang đứng bế con, trong khi ở hai bên hàng rào nối liền với cổng chính, trên tám đầu cột rào có đầy đủ tám vị Tiên Ông (Bát Tiên) Lão giáo đang đứng chào!…
Chùa Tây An và Lăng Thoại Ngọc Hầu từ lâu được Đại Nam Nhất Thống Chí và nhiều sách vở khác đề cập tới như một bộ phận quan trọng của danh thắng núi Sam – Châu Đốc cũng như là phần đáng kể trong hệ thống chùa miếu vùng biên giới tại An Giang và Nam Bộ nói chung. Ngược lại, Miếu và Lễ hội Bà Chúa Xứ dường như rất mờ nhạt, thậm chí không thấy các sách vở ấy đề cập tới. Phải đợi đến những năm 60 của thế kỷ này trở đi, Miếu và Lễ hội Bà Chúa Xứ mới bắt đầu nổi lên như một yếu tố chính của cảnh quan và không khí sinh hoạt nơi đây, nhất là vào các thời điểm những Ngày Vía Bà diễn ra.
Ngày Vía Bà tức là lễ hội lớn nhất hằng năm của Miếu Bà Chúa Xứ – Núi Sam, diễn ra chủ yếu từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch. Trong đó chính lễ là ngày 25 tháng 4, theo dân gian đây là ngày dân địa phương phát hiện gặp tượng Bà, hoặc là ngày an vị tượng Bà sau khi Bà được khiêng từ trên núi xuống. Thời điểm này cũng là lúc đồng ruộng đã xuống giống, có lẽ lễ hội tại Miếu Bà do những người nông dân địa phương (chủ yếu là làng Vĩnh Tế) tổ chức nhằm tạ ơn và cầu mong Bà cùng đất trời, thần thánh giúp mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, mùa màng tốt tươi, dân khang vật thịnh…Ngoài nông dân, các thành phần xã hội khác, đặc biệt là giới tiểu thương (không riêng người Việt mà gồm cả các dân tộc khác) ở khắp vùng Nam Bộ và xa hơn nữa còn tìm thấy nơi Bà Chúa Xứ bóng dáng một “Bà Mẹ” nhân từ, đầy quyền uy linh thiêng để ban phát lòng tin, tài lộc, sức khoẻ, an vui cho mọi người trong công việc làm ăn, mua bán, đời sống v.v…Tóm lại, Bà Chúa Xứ nơi đây trờ thành một điểm “nóng” nhất trong sinh hoạt tín ngưỡng – Lễ hội dân gian ở Nam Bộ trước hết có lẻ chính là do nó có những yếu tố nào đó đáp ứng được sở nguyện tinh thần – tâm linh của đông đảo đối tượng vì sự “hanh thông” và “tai qua nạn khỏi” trước hoàn cảnh chiến tranh khủng khiếp xưa kia cũng như trước những áp lực khắc nghiệt của kinh tế thị trường hiện nay… Không khí và nội dung, hình thức lễ hội trong những Ngày Vía Bà phần nào nói lên các tinh thần, ý nghĩa ấy và còn hơn thế nữa.
Đêm 23 tháng 4 âm lịch, Lễ Tắm Bà: Đây là lễ tắm tượng, tức nghi thức “Mộc dục” thông thường. Nhưng, trong những Ngày Vía Bà Chúa Xứ – Núi Sam, đây lại là một nghi lễ quan trọng hàng đầu đối với những người đi dự tại lễ hội này. Tâm lý phổ biến trở thành như một “động lực” thôi thúc mạnh mẽ mọi người đó là: Được nhìn thấy Bà và làm lễ Bà ngay sau Lễ Tắm Bà là sẽ rất “may mắn”. Vì vậy, từ lúc chiều tối, Miếu Bà Chúa Xứ đã có đông đảo người đến chực chờ để đón dự Lễ Tắm Bà. Trong thời gian ấy, hàng loạt chương trình, tiết mục Múa bóng rỗi do đông đảo nghệ nhân tử khắp nơi kéo về biểu diễn “cúng Bà” và giúp vui cho người dự lễ hội…
Đến khoảng 22 giờ, Nghi lễ tiến cúng áo mão của khách thập phương, một nghi thức “dâng lễ vật” khá thường xuyên tại Miếu Bà, nhưng lúc này là thời điểm tập trung long trọng nhất…
Khoảng 23 giờ, Nghi thức ra mắt và xin phép Bà để chuẩn bị tiến hành làm Lễ Tắm Bà, do toàn bộ Ban quản trị miếu, Ban nghi lễ và những phụ nữ địa phương được chọn tham gia tắm Bà thực hiện, gồm các động tác: niệm hương, dâng rượu, dâng trà và các lễ vật khác…
0 giờ đêm 23 rạng 24 tháng 4 âm lịch, Lễ Tắm Bà chính thức diễn ra sau bức màn vải che kín để tạm cách ly với mọi người bên ngoài. Nước tắm Bà có ngâm hoa lài và pha lẫn nước hoa thơm ngát. Việc ”Tắm Bà” do một số phụ nữ (đứng tuổi) của địa phương thực hiện, động tác tuần tự gồm có: cởi mão (mũ), khăn, đai áo, áo ngoài, áo trong; tiếp theo là nhúng khăn lau khô khắp tượng bà, xịt nước hoa, mặc áo mới cho tượng, thắt đai áo, chít khăn vấn đầu. Đến đây, động tác cuối cùng là đội mão (mũ) mới cho Bà lại đặc biệt đành cho một số vị bô lão (nam) thực hiện để kết thúc Lễ Tắm Bà…
Khi tấm vải che được kéo ra, báo hiệu Lễ tắm Bà đã xong, người dự lễ ùa vào để sớm được thấy “dung nhan mới” của Bà và cố gắng là một trong những người đầu tiên làm lề Bà trong thời điểm ấy!
Trước đây, do quan niệm mê tín dị đoan, nước lau tượng Bà sau đó được người ta pha loãng ra (để tăng số lượng) và phân phối chia nhau làm một thứ “nước thiêng” nhằm uống chữa bệnh, tăng cường sức khoẻ!”. Gần đây, để sửa đổi việc này, Ban tổ chức lễ hội đổi tên “Lễ Tắm Bà” thành “Lễ Lau Mình Bà” (nhằm mục đích không còn việc sử dụng nước tắm Bà làm “nước uống thiêng” nữa!). Tuy vậy, những chiếc khăn lau tượng Bà, những chai nước hoa, …người ta hiến cúng và sử dụng qua (đôi khi chỉ dùng tượng trưng) vẫn trở thành những “vật thiêng” đối với khách đi lễ. Tương tự, ngoài tục Xin lộc Bà thông thường (vài nhánh hoa, trái cây cúng Bà mang về…) tại đây người ta còn có tục “Vay tiền Bà” theo cách giống như ở các chùa người Hoa…
Ngày 24 tháng 4 âm lịch. Khách thập phương đến chiêm bái và tế lễ Bà bình thường.
Ngày 25 tháng 4 âm lịch: Khoảng 16 giờ, Lễ Thỉnh sắc từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà Chúa Xứ: Đoàn rước gồm có lân, trống, Ban tế lễ, Ban quản trị Miếu Bà, các học trò lễ…với cờ phướn, cờ đại, các lễ bộ và một chiếc long đình sơn son thếp vàng… Nghi thức chính là đoàn rước sang lầm lễ và thỉnh bốn bài vị (gồm bài vị Thoại Ngọc Hầu và hai bà vợ: Chánh phẩm Châu Thị Vĩnh Tế, Nhị phẩm Trương Thị Miệt cùng bài vị Hội Đồng, tức các quan quân dưới trướng ông Thoại) từ Lăng Nguyễn Văn Thoại đem về an vị tại Miếu Bà trong suốt những Ngày Vía Bà.
0 giờ đêm 25 rạng 26 tháng 4, Lễ Tức Yết sau đó là Xây Chầu, Đại Bội, với hình thức, nội dung giống như các nghi thức tương tự trong Lễ Kỳ Yên tại các ngôi đình Nam Bộ nói chung: cũng có heo toàn sinh làm lễ vật chính, cũng có chiêng, trống, mõ, học trò lễ, đào thài, dáng trà, dâng rượu v.v… và có cả bài văn tế long trọng ca ngợi công đức của Bà v.v… Điều đáng chú ý là trong lòng linh nội dung bài văn tế có đề cập đến tên rất nhiều Mẫu và thần thánh của người Việt cũng như của các dân tộc khác như Chúa Ngung Man Nương, Thạch Trụ cô nương, Nặc Tà A rặc, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Khổng Tử, Thất vị Thánh Mẫu, Tứ vị Thánh Nương, Nhị vị Công Tử v.v… kèm theo lời thỉnh mời tất cả các vị ấy cùng về ngự ờ bàn thờ Hội Đồng để “đồng lai phối hưởng ‘ (nguyên văn Văn tế)!
Saư khi Lễ Xây Chầu, Đại Bội kết thúc cũng là lúc bắt đầu chương trình Hát Bội gồm nhiều vở tuồng (nội dung tương tự như hát cúng đình) và có thể kéo dài nhiều buổi đến gần suốt những ngày sau, trong đó có cả một xuất hát cuối cùng gọi là “Cúng Bà” (Đoàn hát không nhận tiền của Ban tổ chức lễ hội). Trong những ngày này, trước kia còn có cả chương trình ca, múa, nhạc Khmer với đầy đủ dàn ngũ âm….
Ngày 26 tháng 4: Tiếp tục chưomg trình tế lễ tự do của khách thập phương.
Ngày 27 tháng 4: Khoảng 4 giờ sáng, Lễ Chánh Tế, một lần nữa lập lại giống như các nghi thức của Lễ Đoàn Cả (Đàn Cả) diễn ra trong Lễ Kỳ Yên phổ biến tại các ngôi đình Nam Bộ.
Khoảng 16 giờ, Lễ Hồi sắc, hình thức tương tự Lễ Thỉnh Sắc nhưng nội dung, mục đích chính là nhằm đưa các bài vị đã rước từ Lăng Thoại Ngọc Hầu về dự lễ ở Miếu Bà mấy ngày qua nay được trả về chỗ cũ….
Nhìn chung, trên tổng thể Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam là một trong những Lễ hội dân gian của người Việt mang tính chất khá tiêu biểu và điển hình cho các quá trình giao tiếp văn hóa dân tộc ở Nam Bộ. Trên cái nền của tín ngưỡng và tập tục thờ “Mẫu – Nữ thần” vốn có của người Việt tiếp thu tín ngưỡng thờ “Mẫu -Nữ thần” của người Chăm và của một số dân tộc khác tại vùng đất mới “Bà Chúa Xứ” từ một “Quốc Mẫu” theo tín ngưỡng dân gian của người Chăm đã trở thành “Bà Mẹ Xứ Sở” của người Việt trên vùng đất Nam Bộ. Trong “Bà Mẹ” ấy dường như có bóng dáng của một nữ “Tiền chủ” vùng đất mới Nam Bộ (mẫu Uma – Ngung Man Nương), một nữ thần phù hộ người đi biển (Thiên Hậu Thánh Mẫu) cũng như một số “Mẫu” hoặc thần thánh khác…Thông qua các nghi thức lễ hội cho thấy tất cả có xu thế được “lịch sử hóa” bằng cách gắn các “nhiên thần” ấy với một “nhân thần” quan trọng tại địa phương đó là Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại và với các nghi thức Lễ Tức Yết, Lễ Chánh Tế trong Ngày Vía Bà gần như lấy nguyên mầu từ một Lễ hội Kỳ Yên của cúng đình Nam Bộ… người ta có thể khẳng định rằng: Bà Chúa Xứ ở đây đã được đồng hóa và trở thành như một thần “Thành Hoàng” đặc biệt của làng Vĩnh Tế hoặc, bao quát hơn là của cả một vùng nông thôn Nam Bộ rộng lớn! Bên cạnh đó, bán thân tượng Bá Chúa Xứ và những nghi vật được thờ chung với Bà (Linga…) vốn mang những giá trị văn hóa cổ bán địa của Nam Bộ cộng với các mô tip trang trí, điêu khắc của Miếu Bà, các công trình kiến trúc chung quanh cùng các nghi thức sinh hoạt lễ hội tại đây cũng mang những giá trị văn hóa nghệ thuật xuất xứ từ nhiều nguồn khác nhau (Bà La Môn, Phật, Khổng, Lão, Ấn – Hồi và Việt, Chăm, Hoa, Khmer v.v…) càng làm cho bề dày và chiều sâu giao tiếp Văn hóa dân tộc trong Lễ hội Bà Chúa Xứ – Núi Sam thêm đậm nét.