Lễ hội giỗ Tổ ngành Hát Bội và Cải Lương ở Nam Bộ nói riêng, trong ngày hội Giỗ Tổ sân khấu truyền thống cả nước nói chung thật sự là một tập tục và tín ngưỡng khá độc đáo của truyền thống văn hóa Việt Nam.
Do đặc điểm lịch sử – xã hội của địa phương, Nam Bộ là một trong những vùng “đắc địa” cho sự phát triển của sân khấu truyền thống Hát Bội (Hát Bộ, hoặc Tuồng) với một phong cách riêng so với sân khấu Tuồng cả nước. Một biểu hiện sự “đắc địa” ấy có lẽ là các hoạt động phục vụ cúng đình, đền, lăng, miếu của Hát Bội có thể diễn ra thường xuyên sôi động quanh năm và ở hầu khắp vùng đất Nam Bộ. Đồng thời, Nam Bộ cũng là nơi ra đời của sân khấu Cải Lương, một biến thể của sân khấu truyền thống Tuồng, Chèo (kết hợp với sân khấu kịch nói hiện đại phương Tây) và cùng được xếp loại vào loại hình sân khấu ca kịch truyền thống của dân tộc. Trên quê hương gốc của mình, Cải Lương với một đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân, đoàn hát đông đảo và tần số hoạt động mạnh nhất nước, trước sau vẫn luôn tự nhận mình cũng là “con cháu” của một ông Tổ nghiệp chung giống như các loại hình sân khấu truyền thống khác.
Dựa trên nhiều truyền thuyết, người ta thấy sân khấu truyền thống Việt Nam có nhiều ông Tổ. Từ những nhân vật lịch sử lai lịch rõ ràng như Từ Đạo Hạnh, Đào Duy Từ cho đến những người có tiểu sử mơ hồ như Phạm Thị Trân, Đào Văn Só, Đặng Hồng Lân, Lý Nguyên Cát hoặc những người gốc gác nước ngoài như Đông Phương Sóc, Can Cung Hầu… thậm chí là những nhân vật truyền thuyết, phiếm chỉ khác… Ở Nam Bộ củng vậy, ngoài những vị Tổ xa xưa trên, giới Hát Bội và Cải Lương nơi đây còn thờ các Tổ gần gũi hơn, vốn cũng là nhân vật lịch sử có công trạng lớn trong việc xây dựng ngành nghề như Đào Tấn, Cao Văn Lầu…đồng thời còn thờ một số Tổ mang tính chất truyền thuyết. Ví dụ, ở đây người ta truyền tụng rằng Tổ Sư của nghề vốn là ba ông Hoàng Tử (tên là Càn, Chơn, Chất) vì đam mê nghệ thuật sân khấu mà từ giã cung son, trốn tránh triều đình và cuối cùng chết trên cây vông nem (Do vậy, cốt tượng cũng như ngai thờ Tổ Sư được làm bằng cây vông nem và người ta kiêng cử mang guốc vông). Đáng chú ý là bên cạnh Tổ Sư, trong ngày lẻ hội giỗ Tổ, giới Hát Bội và Cải Lương Nam Bộ còn cúng tế các vị Thánh Sư, Tiên Sư, Tam Giáo Đạo Sư, Thập Nhị Công Nghệ, Lão Lang Đại Thần, Tiền Hiền, Hậu Hiền v,v…tức là các vị thánh hiền, tổ sư, những bậc thầy có công xây dựng ngành nghề sân khấu truyền thống (cùng các ngành nghề khác: nhạc, múa, mộc, rèn, thuốc, đi buôn…kể cả “thầy” truyền bá đạo lý tôn giáo!..,), cùng các thế hệ đồng nghiệp đã qua đời. Họ củng không quên thờ Ông Quán và Bà Quán, tức những người từng giúp đỡ, cưu mang đào kép trên bước đường lang bạt đi diễn khắp nơi…
Theo truyền thống chung như cả nước, ở Nam Bộ, lễ giỗ Tổ cũng diễn ra vào ngày 12 tháng 8 âm lịch (lễ chính) tại các đoàn Hát Bội và Cải Lương. Nhưng trước đó, ngày 11 tháng 8 âm lịch, khoảng từ năm 1950, lễ hội giỗ Tổ chung toàn ngành đã được tổ chức định kỳ, thường xuyên tại trụ sở Hội Ái Hữu Nghệ Sĩ (từ năm 1981 được gọi là Nhà truyền thống sân khấu) ở số 133, đường Cô Bắc, Sài Gòn (nay thuộc Quận I, thành phố Hồ Chí Minh).
Lễ hội giỗ Tổ chung của ngành Hát Bội và Cải Lương ở Nam Bộ gồm các nghi thức cơ bản như sau:
Sau ba hồi Trống thính Tổ, chủ tế là một nghệ sĩ cao niên làm lễ Niệm hương trước bàn thờ Tổ Sư. Tiếp theo là nghi thức Đại Bội (tương tự trong lễ Kỳ Yên cúng đình) rồi sau đó lần lượt là phần Dáng hương lạy Tổ của các nghệ sĩ theo thứ tự già (tuổi đời và tuổi nghề) lễ trước và thế hệ trẻ lễ sau. Cuối cùng là chương trình biểu diễn Hát hầu Tố của các nghệ sĩ với những bài bản tâm đắc nhất của mình. Không khí lúc này vừa thiêng liêng, trang trọng vừa đầm ấm. Kết thức là phần Liên hoan (tiệc rượu) với sự tham dự đông đảo của các nghệ sĩ và cả khách mời thuộc các ngành, các giới và chương trình biểu diễn nghệ thuật lại được tiếp tục với không khí càng về sau càng vui vẻ, hào hứng!
Lễ giỗ Tổ riêng tại các đoàn hát thường đơn giản được gọi là Lễ cúng Ông nhưng nghi thức cũng rất trang trọng và thường chi tiết hơn cả Lễ giỗ chung đã nói ở trên. Trước ngày giỗ, cả đoàn hát đã tổ chức một số buổi Diễn cúng Tổ, nghĩa là toàn bộ kinh phí thu được qua buổi diễn tập trung dành hết cho việc tổ chức lễ giỗ Tổ của đoàn. Từ tối ngày 10 tháng 8 âm lịch, người ta đã tiến hành việc quét dọn bàn thờ Tổ, tắm và thay trang phục mới cho cốt tượng Tổ Sư. Sáng ngày 11 tháng 8, sân khấu của đoàn hát được thiết trí lại thành nơi làm lễ với bàn thờ Tổ trang trọng gồm một hệ thống ngai thờ, hương án, bài vị theo thứ bậc như sau: vị trí cao nhất là ngai thờ và cốt tượng của Tổ Sư; tiếp xuống là bài vị Tiên Sư, Hội Đồng Lưỡng Ban, Thập Nhị Công Nghệ, Tiền Hiền, Hậu Hiền…Tiếp xuống nữa, bên trái là Bạch Hổ (đầu cọp, được xem là Tổ của kép võ), bên phải là Linh Quan Thổ Địa (mặt ông Địa, còn được xem là Tổ của kép hề); dưới cùng là bàn thờ Ông Ngỗ Nghịch (thần yểm trị sự phá phách, gây rối nội bộ). Ngoài ra, cùng lúc ấy, bên ngoài cửa rạp, dưới gốc cây to nào đó, người ta thiết kế một bàn thờ nhỏ gọi là thờ Ông Bà Chủ Quán, biểu tượng những người từng làm ơn (mạnh thường quân) của nghệ sĩ.
Đêm 11 tháng 8 âm lịch (khoảng 19 giờ) cả đoàn hát tiến hành Lễ cúng Ông với lễ vật chay như chè xôi, trái cây v.v…Sáng hôm sau, ngày 12 tháng 8 âm lịch (khoảng 9 giờ) lễ giỗ Tổ chính thức diễn ra với lễ vật mặn như heo quay, gà, vịt, bánh, trái… và có sự tham dự đông đủ nghệ sĩ của đoàn (kể cả những người nay đã rời đoàn) cùng các vị khách mời, các mạnh thường quân của đoàn…Nghi thức mở đầu là trên nền ba hồi Trống thỉnh Tổ, ông Nhưng, ông Bầu của đoàn với khăn áo chỉnh tề vào niệm hương trước bàn thờ Tổ. Dứt trống, dàn nhạc khỏi tấu (Bài Hạ), và mọi người lần lượt vào dâng hương lạy Tổ theo trình tự “Tiên khách hậu chủ” theo thứ bậc tuổi tác và vai vế trong đoàn. Cuối cùng là phần tiệc vui và văn nghệ liên hoan với không khí vui vẻ, thoải mái…
Lễ hội giỗ Tổ ngành Hát Bội và Cải Lương ở Nam Bộ nói riêng, trong ngày hội Giỗ Tổ sân khấu truyền thống cả nước nói chung thật sự là một tập tục và tín ngưỡng khá độc đáo của truyền thống văn hóa Việt Nam. So với nhiều dân tộc khác, hiếm thấy nơi nào trên thế giới cho đến nay vẫn còn duy trì những ngày lễ hội sâu rộng trong quần chúng và mang nhiều ý nghĩa như vậy. Nếu như trước kia có lúc nghề sân khấu từng bị quan điểm chính thống xem là “xướng ca vô loài” thì những ngày Giỗ Tổ ấy đã xác định một quan niệm ngược lại. Không phải nó chỉ khẳng định tinh thần yêu văn nghệ, một nét tính cách đặc biệt trong truyền thống văn hóa dân tộc, mà hơn nữa nó còn góp phần tôn vinh tính chất cao quý và cái “đạo” lớn của nghề sân khấu, của người theo nghề sân khấu, và những nghệ nhân tài cao đức trọng, có công xây dựng ngành nghề vẫn có thể được phong thần phong thánh và được thờ phụng như các thần thánh khác). Ngoài ra lễ hội này còn là dịp họp mặt sinh hoạt giao lưu của những người cùng theo “nghiệp” sân khấu, nhắc nhở về truyền thống “tôn sư trọng nghề” và “uống nước nhớ nguồn” một truyền thống mang tính đạo lý phổ biến của toàn dân tộc. Riêng ở Nam Bộ, qua ngày Lễ hội giỗ Tổ sân khấu Hát Bội và Cải Lương nơi đây người ta còn tìm thấy sự đa dạng, sinh động, hoặc rộng hơn nữa là những sức sống mới của sân khấu truyền thống dân tộc thể hiện ra ở các đối tượng thờ cúng cùng với Tổ Sư, ở các hình thức cúng tế và các phương thức sinh hoạt trong ngày hội tại đây và đặc biệt là ở sự tham gia của đội ngũ nghệ sĩ sân khấu Cải Lương, một đội ngũ đông đảo tuy có phong cách nghề nghiệp riêng so với các loại hình sân khấu khác nhưng cũng rất nhiệt tâm đồng lòng hướng về một ông Tổ chung, biểu tượng của một trong những nguồn cội văn hóa dân tộc, nói cách khác đó cũng là một hình thức cùng hướng về cội nguồn dân tộc!