Lễ hội giỗ Tổ nghề kim hoàn tại Lệ Châu Hội Quán một mặt làm cho nơi đây mang tính chất một Tổ đỉnh, Tổ Sư nghề kim hoàn được thờ cúng tại đây trở thành như một vị thần Thành Hoàng của cả “làng” nghề kim hoàn Nam Bộ.
Thời Pháp thuộc từng có câu ca dao sau đó trở thành lời hát ru phổ biến trên nhiều vùng của Nam Bộ:
Thông ngôn ký lục lương chục đâu màng,
Lấy chồng thợ bạc đeo vàng đỏ tay!
Nghề kim hoàn ở Nam Bộ đặc biệt là khu vực Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định là một trong những ngành nghề phát triển khá mạnh, do kết hợp giữa tay nghề truyền thống của đội ngũ nghệ nhân các nơi hội tụ về đông đảo, cộng với điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển nhanh so với các miền khác và một thị trường tiêu thụ vàng bạc cả nội địa lẫn xuất khẩu đều luôn năng động. Các gia đình làm nghề kim hoàn, các tiệm vàng bạc xưa nay đều có thể kết thành nhóm hội đoản để có bàn thờ Tổ Sư và làm giỗ Tổ ngay tại nhà một nghệ nhân hoặc thợ kim hoàn nào đó. Do nhu cầu đoàn kết rộng rãi hơn giữa những người cùng ngành nghề, nên từ rất sớm, khoảng năm 1892 – 1894, đền thờ Tổ Sư nghề kim hoàn ờ Nam Bộ với sự góp vốn của thợ kim hoàn Sài Gòn, Chợ Lớn và các tỉnh miền Đông, miền Tây dưới sự chủ trì của một số nghệ nhân người Việt tại địa phương hoặc từ Huế vào và có cả nghệ nhân người Hoa tham gia …đã được xây dựng tại khu vực Chợ Lớn (nay là số 586 đường Trần Hưng Đạo B, phường 14, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh).
Với tên Lệ Châu Hội Quán vả các đặc điểm khác về kiến trúc của nó, ngôi đền thờ (có lúc từng được gọi là chùa) mang tính chất tổ đình này có dáng nét bên ngoài rất gần gũi với các ngôi chùa Hoa ở chung quanh khu vực, dù rằng mọi sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội nơi đây hoàn toàn do người Việt quản lý và tham gia (tất nhiên có cả những thợ kim hoàn người Việt gốc Hoa trong đó).
Hội quán Lệ Châu - nhà thờ Tổ ngành kim hoàn ở đường Trần Hưng Đạo B quận 5 TP HCM
Ngôi đền Lệ Châu Hội Quán gồm ba toà nhà nằm trên một khu đất rộng. Sau khoảng sân được bao quanh bằng một tường rào, toà nhà thứ nhất là Bái đường và là nơi hội họp; tiếp theo, toà nhà thứ hai rộng rãi hơn, được gọi là Chánh điện với ba hương án chính để thờ Tổ Sư (ở giữa), Tiền Hiền (bên trái) và Hậu Hiền (bên phải); tiếp sau là khoảng sân Thiên Tĩnh và cuối cùng là toà nhà Nghĩa Từ dùng làm nơi thờ phụng các thế hệ nghệ nhân kim hoàn đã qua đời. Tất cả được trang trí khá đẹp bằng những bao lam hoa điểu, những bức hoành phi, câu đối trạm trổ công phu cùng các đồ tự khí bằng đồng, bằng gỗ đường nét sắc sảo được chạm khắc theo phong cách điêu khắc đặc trưng của Gia Định xưa.
Theo truyền thống, từ ngày 6 đến 9 tháng 2 âm lịch hàng năm, đông đảo nghệ nhân, thợ kim hoàn (sau này chủ yếu được tập hợp lại thành Hội Lệ Châu) tề tựu về đền thờ Tổ để tiến hành tổ chức ngày lễ hội với cái tên riêng là “Ngày cúng vía thánh tổ kim hoàn” mà, dựa vào nội dung các bài văn tế đọc trong lễ hội đền Lệ Châu, người ta chỉ biết rằng Tổ Sư khai sáng nghề kim hoàn được xác định chung chung gồm Ba vị họ Trần (không rõ tên) với tước hiệu: “Kim hoàn mỹ nghệ khai sáng trần công tam vị tổ sư tôn thần”
Nội dung chủ yếu của lễ hội gồm có:
Ngày 6 tháng 2 âm lịch chủ yếu là ngày thiết trí, chuẩn bị lễ hội nhưng đặc biệt vào buổi tối, sau nghi thức tụng kinh cầu an do các nhà sư Phật giáo thực hiện là chương trình họp mặt liên hoan (tiệc rượu) và văn nghệ (Hát Bội hoặc ca nhạc Cải Lương), Không khí hào hứng ấy làm cho lễ giỗ Tổ ở nơi đây mang tính chất hội hè ngay ngày đầu! Nhưng, chương trình chủ yếu của Lễ giỗ Tổ nghề kim hoàn tại Lệ Châu Hội Quán chỉ chính thức diễn ra ở những ngày tiếp theo với ba nội dung chính: Lễ Chấp Minh (khoảng 11 giờ ngày 8 tháng 2 âm lịch) nhằm ra mắt Ban tế lễ và thỉnh Tổ về dự lễ; Lễ Chánh Tế (khoảng 23 giờ ngày 8 tháng 2) nhằm tạ ơn Tổ; Lễ Tế Nghĩa Từ (khoảng 16 giờ ngày 9 tháng 2) nhằm tưởng niệm các thế hệ nghệ nhân kim hoàn đã qua đời. Ba lễ nói trên tương tự Lễ Túc Yết, Đoàn Cả và tế Tiền Hiền, Hậu Hiền trong Lễ hội Kỳ Yên ở đình làng Nam Bộ cả về tinh thần nội dung lẫn một số nét về hình thức. Ví dụ như, các nghi thức theo trình tự: Dâng hương, Dâng rượu (lần 1), Đọc văn tế, Dâng rượu (lần 2), Dâng trà, Dâng quá phẩm, Thụ lộc và Hoá (đốt) văn tế…cùng với thành phần ban tế lễ gồm đủ cả Chánh Tế, Bồi Tế, Lễ Sinh, Đào Thài, Nhạc Lễ v.v…Điều đáng lưu ý là lễ vật cúng Tổ Sư trong lễ Chánh Tế phải là con heo toàn sinh (heo thịt còn sống) tương tự như trong lễ Kỳ Yên của các ngôi đình người Việt, nhưng trong Lễ Chấp Minh và Tế Nghĩa Từ thì có thể đó là con heo quay, đồng thời cúng Tiền Hiền và Hậu Hiền phải là hai con vịt luộc trong tất cả các lễ giống như phong tục cúng tế ở các cơ sở tín ngưỡng người Hoa. Một chi tiết nữa là đối tượng tham dự những ngày lễ hội nơi đây ngoài người trong “làng” nghề kim hoàn còn có các đoàn, hội thuộc các đình, đền, lăng, miếu ở các nơi khác đến cúng tế giao hiếu. Và, cùng lúc hoặc ngay sau Lễ giỗ Tổ chung tại đền Lệ Châu, các nơi thờ Tổ kim hoàn ở các địa phương, kể cả tại các gia đình nghệ nhân (theo nhóm hội đoàn) cũng tiến hành cúng Tổ nhưng quy mô đơn giản hơn.
Những nét cơ bản nói trên cho thấy Lễ hội giỗ Tổ nghề kim hoàn tại Lệ Châu Hội Quán một mặt làm cho nơi đây mang tính chất một Tổ đỉnh, Tổ Sư nghề kim hoàn được thờ cúng tại đây trở thành như một vị thần Thành Hoàng của cả “làng” nghề kim hoàn Nam Bộ. Tuy không có sắc phong, không có lễ rước nhưng những ngày lễ hội giổ Tổ hàng năm nơi đây trở thành như một dịp hành hương lớn và họp mặt sinh hoạt đông vui của cộng đồng nghệ nhân, thợ kim hoàn trên toàn địa phương. Liên hệ và so sánh với một số lễ hội tương tự ở miền Bắc (làng Định Công, huyện Thanh Trì, Hà Nội và làng Đồng Sâm, huyện Kiến Xương, Thái Bình….) hoặc ở miền Trung (phường Phù Cát, Thành phố Huế…) chẳng hạn, chúng ta thấy lễ hội thờ Tổ kim hoàn nơi đây (Nam Bộ) có nhiều điểm khác biệt về hình thức tổ chức, về tính chất “mở” của “làng” nghề trên một vùng rộng lớn thay vì lá một cộng đồng nghề chủ yếu khép kín trong một làng…Nhưng, nhìn chung nội dung tinh thần và mục đích của lễ hội các nơi ấy vẫn thống nhất về cơ bản, đó là tưởng nhớ về công ơn của Tổ nghề, về những thế hệ nghệ nhân đi trước,qua đó mà phấn đấu củng cố, giữ gìn truyền thống nghề nghiệp, thắt chặt quan hệ đoàn kết giữa những người đồng nghiệp với nhau trong mối quan hệ với cộng đồng quê hương, đất nước.
Tên “Lệ Châu” được lấy từ một câu trong Thiên Tự Văn (sách dạy học chứ Hán), đó là: Kim trầm lệ thuỷ, ngân xuất châu đê (Nghĩa: Vàng chìm sông lệ, bạc rơi bờ châu). |