Dù ai bận bịu trăm bề/Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu. Cười hết cỡ khi tranh lộc đã là một ấn tượng riêng đáng nhớ của lễ hội được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia này.
Nụ cười luôn nở trên môi người dân dự lễ hội làm chay trong lúc tranh lộc - Ảnh: An Long
Lễ hội làm trai là một lễ hội tập tục địa phương hàng năm của nhân dân thị trấn Tầm Vu (Châu Thành, Long An) tổ chức lễ hội làm chay vào thời điểm trung tuần tháng Giêng âm lịch (diễn ra từ 14-16/1 âm lịch). Từ làm chay xuất phát từ chữ đọc trại của từ làm trai đàn do người miền Nam phát âm sai chữ tr và ch mà ra. Lễ hội lần đầu được tổ chức nhân sự kiện dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho các đồng chí cánh mạng yêu nước. Lâu ngày, lễ hội đã trở thành truyền thống hàng năm. Mục đích chính của lễ hội là khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hoà, nhân dân sống trong cảnh thái bình, an tâm lao động sản xuất đạt vụ mùa bội thu.
Đến hẹn lại về, khi trăng rằm tròn vạnh sắp lên giữa trời, hàng ngàn người lại tập trung quanh trai đàn trước sân đình Tân Xuân, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, Long An để chuẩn bị cho một đêm xô giàn.
Giàn ông Tiêu được dựng bởi một hàng rào xung quanh, ở giữa là các sạp bánh, kẹo... bài trí trang trọng theo chủ đề năm, một đầu là giàn cầu kinh, một đầu là giàn ông Tiêu.
Ông Tiêu, còn gọi là Tiêu Diện đại sĩ, vị bồ tát chuyên hàng yêu phục quỷ, đúng 24g sẽ được đốt cháy để hàng người xung quanh phá hàng rào tre, xông vào tranh bánh kẹo, hoa quả... xem như lộc đầu năm.
Gần đến thời điểm đốt ông Tiêu, đám đông bắt đầu hò reo liên hồi. Nhưng hàng rào chỉ sập khi có hiệu lệnh, khi tượng ông Tiêu được ban tổ chức đốt cháy ở một góc sân. Đám đông nhanh chóng phá rào xông vào sân đình.
Chỉ 10 phút, những bánh, kẹo, đến cây nến, hoa cúng... đã được lấy, chia nhau sạch sẽ. Nếu nhìn lướt qua sẽ không khỏi thấy một khung cảnh hỗn loạn, có chen lấn, có cố gắng mau chóng lấy được càng nhiều lễ vật càng tốt.
Nhưng để ý kỹ sẽ không thấy có bất cứ sự giành giật nào trong tay nhau. Ai lấy được trong tay là của người ấy, không có chuyện bị cướp giật bởi người khác.
Và để ý kỹ hơn sẽ thấy tất cả những người trong khung cảnh tưởng chừng hỗn loạn đó đều nở một nụ cười vui vẻ, rạng rỡ khi tham gia cuộc vui. Không hề có một nét nhăn mặt thù hằn, hay khuôn mặt dữ tợn muốn “ăn tươi nuốt sống” nhau như những lễ hội được tường thuật lại trên mạng gần đây.
Cười hết cỡ khi tranh lộc đã là một ấn tượng riêng đáng nhớ của lễ hội được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia này.
ST