Trong các lễ hội của người Mường ở Sơn La lễ hội Mợi là lễ hội có ý nghĩa lớn. Lễ hội nhằm tưởng nhớ tới Tổ Mợi đã có công xây dựng, gìn giữ, phát triển các hoạt động văn hoá tâm linh quan trọng, tưởng nhớ tới những người có công sinh thành và khai khẩn mở mang đất Mường. Là dịp các con nuôi ở mường trên, bản dưới về tạ ơn thầy Mợi đã chữa bệnh cứu người mang lại hạnh phúc cho mọi nhà.
Bà con tổ 8 phường Chiềng Sinh, thành phố Sơn La chơi Tó Lẹ.
Đây cũng là dịp các gia đình, các dòng họ, các bản, các Mường tăng cường đoàn kết. Họ được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, nuôi dạy con cái và động viên nhau xây dựng bản mường ngày một tốt hơn. Lễ hội có đủ phần Lễ và phần Hội. Trong lễ hội Mợi có phần riêng biệt, có phần đan xen Lễ và Hội làm cho Lễ hội thêm phong phú, đa dạng.
Lễ hội được tổ chức trong (2 ngày) bắt đầu từ ngày mùng 2 tháng riêng hàng năm. Phần lễ thường được tổ chức tại nhà thầy Mợi, phần hội được tổ chức ở trong nhà và ngoài trời nơi có bãi đất rộng để nhân dân mường trên, bản dưới về tham gia vào các hoạt động của Lễ hội.
Thầy Mợi Đinh Thị Ình 75 tuổi xã Huy Tân cho biết bà thường tổ chức Lễ hội trong thời gian cuối năm nếu thấy người khoẻ mạnh, con cái trong gia đình không ai ốm đau, bản trên, mường dưới đều khoẻ mạnh, làm ăn phát đạt, mùa màng bội thu.
Ngày 30 tết thầy Mợi sửa sang bàn thờ, sắp đặt lại các đồ Mợi, cho con cháu giặt rũ các khăn Mợi mang ra phơi khô rồi lại sắp đặt vào đúng chỗ qui định. Thầy Mợi thông báo cho các con nuôi ở mường trên, bản dưới tình hình sức khoẻ và thời gian làm Lễ hội để các con nuôi chuẩn bị lễ và sắp xếp thời gian về dự Lễ hội Mợi.
Từ chiều hôm trước thầy Mợi cùng gia đình chuẩn bị dọn dẹp sửa soạn bàn thờ, sắp đặt gọn gàng các đồ thờ cúng, quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Con nuôi ở khắp các bản mường chuẩn bị lễ theo qui định, tất cả được đặt trên một chiếc mâm đan bằng nứa mang đến nhà thầy Mợi.
Tại nhà thầy Mợi, mọi người cùng nhau chuẩn bị 2 cây nêu được kết hoa từ lõi cây rừng. Loài cây thường được lấy có tên là cây "de" có lõi xốp. Người ta có thể dùng cái đũa đẩy cái lõi ra, rồi lấy cái lõi đó kết thành cây hoa, các bông hoa này được các thầy Mợi nhuộm màu xanh, vàng, đỏ, tím... Sau khi nhuộm xong các bông hoa được gắn vào thân cây và dựng lên 1 cây hoa rực rỡ màu sắc.
Thầy Mợi chuẩn bị 3 khăn có tua xanh, vàng, tím, 1 bó hương thơm để thầy Mợi nhai hương, 1 chiếc chuông đồng, 1 quạt giấy.
Mâm cúng trong Lễ hội ngoài các món phổ biến như gà, lợn còn có xôi 7 màu được làm từ gạo nếp ngon nhuộm bởi các loại lá cây rừng với các màu xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng, hồng. Ngoài ra còn có món nộm rau rừng (nộm được làm từ hoa riềng và các loại rau thập cẩm. Các loại rau thập cẩm cho vào đồ chín rồi cho ra đĩa đây là một món ăn rất riêng biệt). Bánh Nhắp, đây là loại bánh được làm từ gạo nếp đem say hoặc giã nhỏ mịn lấy lá chuối rừng gói lại rồi cho vào cái chõ để xôi cùng với quả đu đủ non. Rau mâm chay (Món này được làm từ lá đu đủ, khoai sọ, quả chuối xanh, măng rừng, hoa cây riềng... tất cả đều đem đồ chín cho vào từng đĩa riêng dâng mời tổ tiên).
Mâm cúng gồm 6 mâm: Mâm mời tổ tiên thầy Mợi; Mâm mời tổ tiên bên ngoại; Mâm mời tổ tiên bên nội; Mâm mời tổ Mợi; Mâm mời thổ địa; Mâm mời thiên hoàng. Thầy Mợi đi qua các mâm cúng mời các thần và tổ tiên về dự lễ.
Trong Lễ hội có phần đặc biệt là bói áo người muốn được bái phải mang lễ vật mang đến. Lễ vật gồm 1 cái áo và 1 mâm lễ. Trên mâm lễ có 1 chai rượu, tiền, gạo thầy Mợi xem áo và chuẩn đoán bệnh.
Lễ buộc chỉ cổ tay, dây chỉ được xe lại nhiều màu để thầy Mợi buộc chỉ cổ tay cho các con nuôi, những người ốm yếu buộc chỉ cổ tay cho mau khỏi bệnh, gặp nhiều điều tốt lành.
Sau khi thầy Mợi làm các lễ xong đến tổ chức phần hội. Các nhạc cụ dân tộc cất lên tiếng trống, chiêng, tiếng khèn Pí ôi, Khèn lá, Pí lúa, Chuông đồng, Khèn bè, Chùm quả nhạc, Đàn ống... mọi người cùng nhau nhảy các điệu múa và tham gia các trò chơi dân gian.
Phần Hội rất phong phú với các hoạt động tái hiện các hoạt động sản xuất của dân tộc Mường như các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống... Từ trong lao động họ đã hình thành các hoạt động nghệ thuật, được chau chuốt dần thành những hình tượng sân khấu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của bản Mường.
Trong phần Hội thầy Mợi tích cực tham gia và dẫn trò, tổ chức cho nhân dân nhiều hoạt động tiêu biểu của cuộc sống đời thường, khuyên bảo nam nữ phải biết trân trọng và thật lòng trong tình yêu.
Ngoài một số hoạt động mang tính đơn lẻ như bói hoa, chơi đu, đánh yếm, bắn nỏ. Mọi người còn được tham gia vào các hoạt động cộng đồng rất vui vẻ, tại đây họ có điều kiện để khẳng định bản thân, học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo nghệ thuật, biểu diễn hết mình với các trò như ném còn, kéo co, múa xòe, múa trồng bông dệt vải… Đây cũng là dịp sau một năm lao động vất vả để đảm bảo nguồn lương thực sống họ được tụ hội về đây trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cách trồng bông dệt vải, cách chăn nuôi đạt hiệu quả cao.
Trong khi các trò chơi, điệu múa gần kết thúc thì thầy Mợi cảm ơn dân làng bản trên mường dưới đã không quên truyền thống cha ông. Thầy Mợi dặn dò con cháu, trai làng, gái bản, nam thanh, nữ tú luôn đoàn kết xây dựng bản mường yên vui, no ấm...
Lễ hội tổ chức hoàn toàn tự nguyện không bắt buộc bởi vậy mọi người trong bản đều tích cực chuẩn bị dụng cụ, đạo cụ, lương thực, thực phẩm góp công, góp của để tổ chức. Lễ hội Mợi có từ xa xưa đi cùng năm tháng được nhân dân đúc kết, chỉnh sửa, tạo lập truyền từ đời này sang đời khác có giá trị to lớn trong đời sống tinh thần của dân tộcMường.
Theo Diệp Hương